Như nhiều người đã biết, xã hội Ấn Độ không coi trọng phụ nữ như nam giới. Tuy vậy có một ngôi làng hoàn toàn ngược lại, tại đây việc sinh bé gái được coi như là một phước lành và khi đó cả làng sẽ trồng 111 cây để kỷ niệm.

Ngôi làng đó tên là Piplantri, thuộc quận Rajsamand, bang Rajasthan ở Ấn Độ. Tục lệ này không phải là phong tục vốn có từ xa xưa vì chúng ta biết là người Ấn rất thích sinh con trai, còn con gái đối với họ mà nói thì giống như một ‘cục nợ’ do cha mẹ phải chuẩn bị rất nhiều của hồi môn cho con khi xuất giá. Vậy sao bé gái sinh ra tại làng Piplantri lại may mắn như thế?

Đó là do cựu tưởng làng Piplantri – ông Shyam Sundar Paliwal – đã mất đứa con gái khi bé còn rất nhỏ, vì thương con, ông cũng thương cảm tới những cô bé đáng yêu khác. Vậy nên, vào năm 2006 ông khởi xướng hoạt động trồng 111 cây mỗi khi có một bé gái được sinh trong làng, và cộng đồng phải đảm bảo là 111 cây này sẽ còn sống cho đến khi đứa trẻ trưởng thành, theo báo Hindu.

Cha mẹ của bé gái này cũng phải tuyên thệ sẽ chăm sóc tốt cho con của mình, cho bé học hành tử tế và không ép bé kết hôn trước năm 18 tuổi, theo báo Folomojo. Ngoài ra, dân làng sẽ quyên góp khoảng 315 USD, cha mẹ của bé gái đóng thêm vào khoảng 150 USD nữa, tổng cộng là gần 500 USD. Số tiền này sẽ được gửi tiết kiệm để lớn lên bé gái muốn làm gì thì làm.

Theo ông Paliwal, có khoảng 60 bé gái được sinh ra tại Piplantri mỗi năm. Hơn một nửa trường hợp cha mẹ của các bé không muốn chấp nhận chúng vì các bé gái được cho là ít giá trị hơn và gây ra tốn kém nhiều hơn. Do đó, chương trình trồng cây là một cách để khuyến khích các gia đình đón chào con gái của họ đến với gia đình, và chống lại nền văn hóa khinh nữ lâu đời ở Ấn Độ. Theo báo Al Jazeera, một nghiên cứu năm 2011 cho thấy có tới 12 triệu bào thai nữ bị phá ở Ấn Độ trong thập kỷ qua.

>> Tòa án Ấn Độ: Chính phủ phải cung cấp nước và không khí sạch, hoặc nộp phạt

Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra nhiều biện pháp để ngăn chặn nạn phá thai nữ, chẳng hạn như xét nghiệm giới tính là bất hợp pháp ở Ấn Độ, cũng như của hồi môn khiến việc nuôi bé gái tốn kém hơn bé trai. Ngoài ra, còn có chương trình “Beti Bacho, Beti Padho” (Hãy cứu con gái chúng ta, giáo dục con gái chúng ta) bắt đầu từ năm 2014 nhằm vào các quận phân biệt giới tính nghiêm trọng.

Chương trình trồng cây ở làng Piplantri còn tiến một bước xa hơn, đó là khuyến khích cha mẹ không chỉ giữ lại con gái của họ, mà còn kỷ niệm vì có chúng.

Sau gần 10 năm, dân làng Piplantri  đã trồng được 250.000 cây các loại. Từng là một nơi khô cằn, giờ đây lại trở thành một ngôi làng với nhiều cây xanh tươi tốt, mang lại cả giá trị kinh tế cho người dân. Do đó, con gái đúng là một phước lành đối với họ.

Mặc dù ông Piliwal kết thúc nhiệm kỳ năm 2010, nhưng dân làng vẫn tiếp tục thực hiện phong trào trồng cây này.

Minh Lan