Ông Vishweshwar Dutt Saklani ở bang Uttarakhan của Ấn Độ đã qua đời vào ngày 18/1 vừa qua, hưởng thọ 96 tuổi. Cả cuộc đời ông đã trồng 5 triệu cây nên ông được người đời phong cho danh hiệu “Người cây”. Sự cống hiến của ông đối với môi trường sinh thái cũng như việc bảo vệ giữ gìn nguồn nước và đất đai được người dân Ấn Độ mãi mãi ghi nhớ.

Ông Vishweshwar Dutt Saklani sinh ngày 2/6/1922. Từ năm 8 tuổi ông đã bắt đầu trồng cây ở nông trại gần nơi mình sinh sống. Sau khi anh trai và người vợ đầu tiên của ông qua đời, ông đã dành phần lớn thời gian cho việc trồng cây nhằm xoa dịu nỗi đau trong lòng.

Người vợ thứ hai hết lòng ủng hộ sự nhiệt tình của ông dành cho việc trồng cây. Dù ban đầu người dân địa phương nghĩ rằng ông muốn dùng việc này với ý đồ lấn chiếm đất đai của họ, nhưng theo thời gian, họ đã hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường cũng như quý trọng sự hy sinh của ông.

Cả cuộc đời ông Vishweshwar Dutt Saklani đã một mình trồng hơn 5 triệu cây trên mảnh đất rộng 100 ha, trong đó bao gồm: cây đỗ quyên, ổi, cây lá rộng và các loại cây ăn quả khác. Ban đầu đây là một mảnh đất bỏ hoang, hiện nay đã trở thành một khu rừng rậm rạp.

Ông Vishweshwar có 4 người con trai và 5 con gái. Con trai Santosh của ông cho biết, 10 năm trước ông đã mất đi thị giác do đất và sỏi văng vào mắt khi ông trồng cây. Dù vậy, ông vẫn tiếp tục trồng được hàng ngàn cái cây trong tình trạng không nhìn thấy.

Một người dân làng tên Bhagwati cho hay: “Cây cối là tất cả đối với ông ấy. Ông ấy từng nói rằng: ‘Cây là người thân của tôi, là bố mẹ, bạn bè và là thế giới của tôi.'”

Còn anh Santosh thì chia sẻ rằng tinh thần của bố anh luôn ở cùng khu rừng này. “Ông ấy thường nói rằng không phải mình có 9 người con mà có 5 triệu con. Bây giờ tôi sẽ đi vào rừng để tìm ông ấy.”

Vào năm 1986, sự cống hiến của ông Vishweshwar cho việc trồng cây đã được thủ tướng Ấn Độ lúc bấy giờ là ông Rajiv Gandhi trao tặng giải thưởng.

Minh Ngọc

Xem thêm: