Một cô gái 17 tuổi ở thủ phủ Banjarmasin, Nam Kalimantan, Indonesia, có khi ngủ trong suốt vài ngày, thậm chí là hơn 10 ngày. Cô được mệnh danh là “người đẹp ngủ trong rừng” ngoài đời thực hay “người đẹp ngủ trong rừng của Banjarmasin”. Các bác sĩ đã tỏ ra hết sức khó hiểu đối với triệu chứng này của cô, họ cũng “bó tay” không có biện pháp gì.

Cô gái có tên Echa này đã trở thành nhân vật được báo chí đưa tin vào năm 2017. Khi đó, cô đã ngủ suốt 13 ngày và không thể thức dậy dù mọi người có gọi bằng cách nào đi nữa. Gần đây cô  đã ngủ thêm 9 ngày và không thức dậy cho đến ngày 10/4.

Lần này, bố mẹ của Echa đã đưa cô đến bệnh viện trong giấc ngủ say, nhưng các kết quả kiểm tra của cô vẫn bình thường. Mặc dù cuối cùng cô đã tỉnh dậy vào ngày thứ 9, nhưng bác sĩ nói rằng cô ấy vẫn còn rất yếu. 

Không rõ lý do vì sao cô Echa lại chìm vào giấc ngủ dài như vậy, nhưng có thể là cô bị mắc chứng ngủ rũ (hypersomnia). Đây là tình trạng hiếm gặp khiến người bệnh cảm thấy buồn ngủ cả ngày và ngủ một giấc dài liên tục.

Chứng ngủ rũ (rối loạn giấc ngủ) có nhiều hình thức và nguyên nhân, từ tổn thương thần kinh, đột biến di truyền cho đến chấn thương thể chất hoặc tâm lý.

Bố của cô Echa nói với truyền thông địa phương rằng khi Echa đang ngủ, ông đã cố gắng đánh thức cô nhiều lần, nhưng làm thế nào cũng không thể đánh thức được cô.

Điều kỳ lạ là khi Echa đang ngủ, nếu bố mẹ cho cô ăn thứ gì đó, cô sẽ nhai và nuốt, nếu họ đưa cô vào nhà vệ sinh, cô cũng sẽ đi vệ sinh vào bồn cầu.

Bố của cô Echa nói thêm rằng khi đang ngủ, nếu muốn đi vệ sinh, cô sẽ tỏ ra bồn chồn.

Ông cũng đề cập rằng mặc dù hiện tại không có cách chữa trị hội chứng “người đẹp ngủ” này nhưng ông hy vọng rằng tình trạng của con gái ông sẽ được cải thiện và ít nhất để cô được sống một cuộc sống bình thường hơn.

Tuy nhiên, so với một “người đẹp ngủ” khác ở Colombia, hoàn cảnh của cô Echa vẫn còn khá hơn.

Trước đó, truyền thông đã đưa tin về cô Sharik Tovar ở Colombia bị mắc một chứng bệnh hiếm gặp khiến cô thường xuyên ngủ li bì trong khoảng thời gian từ vài ngày đến vài tuần và thậm chí là 2 tháng.

Vì Sharik mắc phải căn bệnh kỳ lạ này nên mẹ cô đã nghỉ việc để chăm sóc cô. Bất cứ khi nào Sharik ngủ, mẹ cô sẽ cho cô ăn thức ăn lỏng vài giờ một lần và giúp cô trở mình cũng như cử động chân tay.

Minh Ngọc

Xem thêm: