Cư dân tại nhiều khu giàu có ở Seoul lo sợ sự xuất hiện của người nghèo trong các căn hộ được chính phủ trợ cấp khiến bất động sản của họ bị mất giá.

người giàu hàn quốc
(Ảnh minh họa: rotsukhon lam/Shutterstock)

Tại khu chung cư Gwanak Dream Town ở Gwanak-gu, phía nam Seoul, nơi sinh sống của nhóm trung lưu được rào lại bằng dây thép gai để ngăn cách với những hàng xóm nghèo khó hơn, theo The Korea Herald.

Hàng rào được lắp đặt vào năm 2003, sau khi hộ dân trong các tòa nhà được đánh số từ 101 đến 144 muốn tách khỏi khu nhà ở công cộng được chính phủ trợ cấp tiền thuê – các tòa nhà được đánh số từ 145 đến 149. Trải qua gần 20 năm, hiện họ vẫn sống cạnh nhau nhưng hầu như không có tương tác.

“Ban đầu, không có dây thép gai, chúng tôi có thể đến và đi. Nhưng họ không thích điều đó vì cho rằng nó sẽ làm giảm giá nhà ở của họ”, ông Kim Choon-ja, 68 tuổi, người đã sống hơn 10 năm trong một căn hộ trợ cấp thuộc khu phức hợp, cho biết.

“Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Họ là những người có tiền còn chúng tôi thì không”, ông Kim nói một cách bình tĩnh.

Trong khi một căn hộ có giá từ 700 triệu won cho đến 1 tỷ won, mức trung bình trong thành phố, những người như ông Kim được hưởng giá trợ cấp thuê nhà với giá dưới 500.000 won/tháng.

Những căn hộ do nhà nước cung cấp cho các gia đình thu nhập thấp nhằm đối phó thực trạng tăng giá nhà đất tại Hàn Quốc, nhưng đồng thời cũng khiến xã hội thêm ghét nhóm người nghèo.

“Người dân ở đây có trình độ học vấn thấp hơn. Đàn ông và phụ nữ đều làm việc ở các công trường xây dựng. Mùi hôi và vẻ kham khổ của họ khiến những cư dân xung quanh không thích”, ông Yoo Deock-sin, 68 tuổi nói.

Các kế hoạch xây dựng thêm nhà ở công cộng của chính phủ luôn vấp phải sự phản đối kịch liệt từ những cư dân gần đó, nhóm người lo ngại sự xuất hiện của “khu dân cư nghèo” sẽ ảnh hưởng đến giá trị tài sản của họ.

Một số cư dân của Seohyeon-dong, một phần của Bundang ở Seongnam, tỉnh Gyeonggi, đã phản đối kế hoạch nhà ở công cộng quy mô lớn với biểu ngữ so sánh nhà cho thuê với “làng tị nạn”. “Nhà ở công cộng sẽ đe dọa sự an toàn và an ninh của cư dân”, một người dân cho biết.

người giàu hàn quốc
(Ảnh minh họa: Yeongsik Im/Shutterstock)

Sự phân biệt đối xử với người nghèo khiến người lớn cảm thấy mệt mỏi và trẻ em phải chịu nhận những ảnh hưởng tiêu cực.

Seo Jin-taek, giáo viên tại một học viện tư nhân, đã chứng kiến ​​cảnh con cái gia đình giàu có bắt nạt trẻ em nghèo và nói rằng cha mẹ đã dặn dò không được chơi với những người sống ở khu trợ cấp.

Theo cuộc khảo sát với 10.000 cư dân Seoul do Tổng công ty Nhà ở & Cộng đồng Seoul thực hiện vào tháng 12/2015, chỉ 57,1% gia đình có con em học tiểu học có cái nhìn tích cực về nhà ở công cộng.

Đối với các bà mẹ có con ở độ tuổi tiểu học sống ở các quận giàu có như Gangnam, Seocho và Songpa, tỷ lệ còn thấp hơn, 37,5%.

Nam Ji-young, 40 tuổi, có con trai sẽ học tiểu học vào năm tới, thừa nhận cô hiểu quan điểm của đa số phụ huynh.

“Tôi muốn con trai mình chơi với những đứa trẻ sống trong một gia đình tử tế. Những đứa trẻ nghèo bị bỏ rơi vì cha mẹ chúng bận rộn, ít học hơn. Tôi chỉ muốn con trai nhìn thấy những điều tốt đẹp. Nếu bạn nghĩ tôi là kẻ hợm hĩnh, cũng chẳng sao cả”.

Các nhà phê bình cho rằng sự ghét bỏ đối với người nghèo không biết từ bao giờ đã trở thành nét đặc trưng của văn hóa Hàn Quốc.

Nhà phê bình xã hội Park Gwon-il cho biết: “Ở các quốc gia khác, lòng thù hận liên quan nhiều hơn đến chủng tộc hoặc giới tính, những thứ gắn liền với bản sắc mà người ta không thể thay đổi. Còn ở Hàn Quốc, ngoài những điều đó, sự thù hận còn liên quan đến các yếu tố thứ bậc kinh tế, xã hội. Hàn Quốc là một kiểu xã hội dựa trên giai cấp, nơi văn hóa ‘gab-eul’ rất thịnh hành”.

“Gab-eul” trong tiếng Hàn đề cập đến sự phân cấp quyền lực giữa hai người hoặc một nhóm người. Người có nhiều quyền lực hơn là “gab”, trong khi “eul” dùng để chỉ người yếu thế. Dạng văn hóa này khiến những người sống trong xã hội đó có xu hướng bao dung với những người có tiền, có quyền và bỏ qua những người yếu thế, nghèo khổ.

Shin Ho-chang, giáo sư tại trường cao đẳng truyền thông của Đại học Sogang, cảnh báo những hậu quả của văn hóa căm ghét người nghèo tại Hàn Quốc.

“Mọi người đánh giá con người dựa trên địa vị xã hội, quyền lực, ngoại hình và tiền bạc hơn là nhìn vào những thứ bên trong. Sự phán xét như vậy tạo ra một giai cấp vô hình và dung túng cho những kẻ coi thường người khác”.

Giáo sư Shin nói thêm dù không thể thay đổi văn hóa trong một sớm một chiều, giáo dục sẽ góp phần định hướng lại cách đánh giá con người thông qua giá trị và nhân cách, thay vì tiền bạc, sự giàu có. Điều này vô cùng cấp bách bởi nó liên hệ rất nhiều đến sự phát triển ổn định của đất nước.

Hoài Anh

Xem thêm: