Mới đây, nhiều tài khoản weibo đã chia sẻ bài viết “Sống ở Mỹ khiến tôi học được cách yêu Trung Quốc”.

Tác giả của bài viết bày tỏ rằng, sau khi đọc xong bài viết “Nước Mỹ chẳng phải là thiên đường, Trung Quốc không phải là địa ngục” đã khiến người này tự hỏi: “Có phải bản thân mình ngày càng yêu Trung Quốc?”

Đáp án của tác giả là chắc chắn, nhưng nguyên nhân lại không hoàn toàn như những gì bài viết kia đã nói.

Tác giả cho hay, sống ở quốc gia nào cũng phải trải qua cay đắng ngọt bùi, đây là việc thường tình. Dù đến đâu cũng sẽ không có gì tự nhiên từ trên trời rơi xuống cả, ở đâu cũng phải đối diện với xã hội.

Quan chức tham nhũng Trung Quốc chọn chạy trốn đến Mỹ tất nhiên có lý do của họ, đương nhiên họ cũng có dụng ý riêng khi luôn miệng lớn tiếng chỉ trích người khác không yêu nước, họ không thể đại diện cho một người bình thường, mà cảm nhận của một người bình thường mới là điều mà chúng ta phải bàn luận.

Theo các số liệu, chúng ta hãy thử so sánh xem có bao nhiêu người Trung Quốc lựa chọn di cư đến Mỹ, cũng như có bao nhiêu người Mỹ chọn đến sống ở Trung Quốc, tỷ lệ này là khoảng 1000:1. Điều này cho thấy trong lòng mỗi người đều có một chiếc cân, người ta thích cả củ cải và dưa chuột, nhưng cuối cùng vẫn phải xem tỷ lệ số lượng thì mới giải thích rõ được vấn đề. Các cô dâu trẻ ở Trung Quốc sẵn sàng kết hôn với những ông già người Mỹ, chứ chưa từng thấy thiếu nữ ở Mỹ muốn cưới những ông già Trung Quốc, nhưng Trung Quốc lại có khá nhiều cô dâu người Việt Nam, lý do cho điều này không cần nói cũng biết.

Thế nhưng, tác giả cảm thấy bản thân mình có yêu nước hay không lại không quá liên quan với việc lựa chọn sống ở đâu, không giống như vài người xem việc “Tôi không di cư” là tiêu chuẩn cho “người yêu nước cách mạng”.

Những người dùng chiêu bài mở học viện này này học viện kia gây hại cho lợi ích quốc gia, những kẻ lấy danh nghĩa ra nước ngoài đầu tư cho quốc gia mà lại tham ô của công và những kẻ ‘vỗ ngực xưng tên’ mình là những người yêu nước nhất mà lại bán đứng lợi ích quốc gia cũng lại không liên quan gì đến yêu nước.

Nhưng khi có quá nhiều những việc như thế xảy ra, mọi người lại xem như chuyện thường tình chứ không nghiêm túc suy ngẫm lại, cứ thế lặp lại hết lần này đến lần khác chiêu bài của những người đó, đọc những đoạn kinh tương tự nhau, nói những lời giống nhau — đây là thái độ rất không có trách nhiệm, thậm chí còn tạo nên một tấm màn che cho những kẻ yêu nước giả dối này.

Điều làm người ta bị mê hoặc đó là khiến “Mỹ” và “Trung Quốc” trở nên đối lập, hoặc là cái này hoặc là cái kia – đây hẳn là một sự đối đầu cấp bậc, khiến người ta không biết phải làm sao.

Thường thì một người có thể lựa chọn sống ở Mỹ, cũng có thể chọn sống ở Trung Quốc hoặc chọn sống luân phiên giữa hai nơi, càng có thể đồng thời yêu Trung Quốc và Mỹ, đây mới là cuộc sống thực tế.

Có những người đến Mỹ nhiều năm vẫn thích ăn món ăn Trung Hoa, các Hoa Kiều học tiếng Anh nhưng vẫn thích thơ ca Trung Quốc, càng có nhiều người Hoa nhiều đời sống ở Mỹ nhưng vẫn theo đạo Phật của Trung Quốc; còn nhiều người Mỹ cũng thích học văn hóa của Trung Quốc — điều này đã chứng minh rằng văn hóa là tài sản chung của nhân loại, bản thân văn hóa chính là một kênh giao tiếp khiến người ta cạnh tranh công bằng và chia sẻ hòa bình.

Chỉ cần giữa người với người bình đẳng thì đương nhiên văn hóa cũng bình đẳng.

Có rất nhiều người Trung Quốc cảm thấy văn hóa Trung Hoa bị cách ly hóa, bởi vì họ hoàn toàn không hiểu thế nào là văn hóa thật sự, họ luôn xem những thói hư tật xấu của bản thân là “văn hóa Trung Hoa”, dẫn đến không bỏ được những tật xấu đó. Văn hóa dân tộc thật sự là phổ quát và có tính thế giới, văn hóa Trung Quốc giả tạo của những người này ắt phải bị sự tiến hóa của nhân loại đào thải sạch sẽ.

Những người Hoa vừa mới đến Mỹ thường có vài năm để thích ứng, có người dễ dàng thích nghi, có người thì không, đây là chuyện thường tình. Nếu như có ý xem việc không thích nghi là “phản cảm nước Mỹ”, vậy thì những người nông dân đến thành phố lớn của Trung Quốc sống liệu có phải là “phản cảm thành phố lớn của Trung Quốc” chăng?

Đem “phản cảm nước Mỹ” thành “phản đối nước Mỹ”, xem “phản đối Mỹ” là “yêu Trung Quốc” là một loại “logic kỳ quái” khiến người ta dở khóc dở cười.

Hiểu từ góc độ của người bình thường thì một người Hoa đến Mỹ tất nhiên sẽ có ưu điểm và khuyết điểm, sở trường và sở đoản của riêng mình, cuộc sống “nhập gia tùy tục” không có liên quan gì với việc yêu nước hay không cũng như việc phản đối Mỹ hay không. Có lẽ họ ghét ông chủ người Mỹ hoặc tức giận cảnh sát Mỹ viết giấy phạt, nhưng họ vẫn muốn ở lại Mỹ.

Nếu cứ muốn đánh đồng “yêu Trung Quốc” với “ghét Mỹ” thì một người có quyền lựa chọn “yêu” và “ghét” hay không mới là quan trọng nhất, tác giả nghĩ rằng ghét Mỹ nhưng chỉ cần không phạm pháp thì chẳng ai dám làm gì bạn.

Xét theo kinh nghiệm của những người Trung Quốc di cư đến Mỹ, những người được hưởng đặc quyền ở Trung Quốc là những người khó thích nghi nhất, ngược lại những người nông dân có kỹ năng thì lại dễ thích nghi nhất. Họ khá thực tế, chịu khổ chăm làm, họ làm công việc tương tự ở Mỹ với mức lương cao gấp nhiều lần ở Trung Quốc, hơn nữa họ không cần phải đòi lương, ông chủ sợ nhân viên hơn là nhân viên sợ ông chủ. Người nông dân không hư vinh, tất nhiên họ cũng sẽ không cảm thấy bị mất bất cứ đặc quyền hoặc danh dự gì cả.

Trung Quốc là một xã hội “cấp bậc”, ngay cả một nhân viên công vụ nho nhỏ cũng đều có đặc quyền, khi đến Mỹ, họ bị mất cảm giác cao quý hư cấu, tất nhiên sẽ có tâm lý tự cô lập mình. Điều này cũng rất dễ giải quyết — bạn có thể lựa chọn quay về Trung Quốc mà.

Tác giả nhấn mạnh rằng ông là một người vô cùng yêu Trung Quốc, nhưng “Trung Quốc” ở đây là Trung Quốc mà bản thân ông cảm nhận được chứ không phải Trung Quốc mà người khác áp đặt cho ông.

Tác giả từng nhiều lần quyên góp cứu nạn cho Trung Quốc, quyên góp đồ dùng dạy học cho dân tộc thiểu số miền núi cũng như hy vọng có nhiều cơ hội hơn để thâm nhập vào giai cấp nông dân của Trung Quốc nhằm tìm ra tiềm lực đổi mới — những việc này hoàn toàn không cần bất cứ sự đền đáp nào về kinh tế, hơn hết đó là tự mình cống hiến, ông có thể cảm nhận rằng “sự tồn tại của tấm lòng yêu thương” của bản thân ông mới là điều mà ông theo đuổi. Yêu thương con người là tiền đề của yêu nước, “quốc” ở đây không phải là chữ quốc rỗng tuếch, ông phải có người mà mình yêu thương thì mới xứng với tình yêu của ông.

Có người yêu Trung Quốc nhưng lựa chọn kiếm tiền ở Mỹ giống như ông Tư Mã Nam; có người có thể lựa chọn kiếm tiền ở Mỹ nhưng ở lại Trung Quốc để đứng về phía người dân giống như cô Sài Tịnh; có người thích Mỹ nhưng thích Trung Quốc hơn giống như bản thân tác giả, mỗi người đi con đường của riêng mình, hiểu người khác cũng là hiểu bản thân mình hơn, không ai có thể tước đi tấm lòng yêu nước thật sự.

Ngọc Trúc

Xem thêm: