Mới đây, một người phụ nữ sống ở bang Alaska của Mỹ đã hạ sinh một bé trai trên máy bay ở độ cao hàng nghìn mét. Để kỷ niệm nơi sinh đặc biệt này, cô đã đặt tên con trai mình là “Bầu Trời” (Sky).

Theo đài truyền hình KTUU đưa tin, cô Chrystal Hicks sống tại Glennallen, bang Alaska và cậu bé “Sky” là con thứ 4 của cô.

Vào tuần thứ 35 của thai kỳ, cô Chrystal bắt đầu bị những cơn co thắt tử cung rất đau đớn nên vào khoảng 1 giờ sáng ngày 5/8, cô đã lên máy bay đến bệnh viện ở Anchorage – thành phố lớn nhất bang Alaska để chờ sinh.

Cô cứ nghĩ rằng mình sẽ cố chịu đựng được, nhưng không ngờ chỉ vài phút sau khi máy bay cất cánh thì cô bị vỡ nước ối và 20 phút sau cô đã hạ sinh bé “Sky” – sớm hơn khoảng 1 tháng do với thời gian dự sinh.

Cuối cùng hai mẹ con cô Chrystal đã đến được bệnh viện ở Anchorage an toàn. Vì cậu bé “Sky” sinh thiếu tháng nên chỉ nặng 2,6 kg, các bác sĩ đã phải cho cậu bé thở bằng máy.

Cô Chrystal chia sẻ rằng: “Điều này thật sự rất sốc. Ban đầu cảm giác rất kỳ lạ, tôi cũng không biết nên nghĩ gì nữa. Mọi người trên máy bay ai nấy cũng đều bàn luận về đứa bé.”

Cô Chrystal đã quyết định đặt tên cho con là “Sky” để kỷ niệm trải nghiệm sinh con ở độ cao 5.486 mét này.

Cô nói rằng rất khó khi điền giấy khai sinh cho “Sky” vì cậu bé được sinh ra ở “trên trời”, nên không xác định được nơi sinh.

“Tôi đã điền Anchorage vì không muốn viết là ‘trên máy bay’ hay ‘trên trời’.”

Các bé ra đời trên máy bay được xem là công dân nước nào?

Những em bé được sinh ra trên máy bay giống như cậu bé “Sky” sẽ lấy quốc tịch nước nào?

Theo trang Epoch Times từng đăng tải bài viết liên quan đến việc lấy quốc tịch cho các em bé mới sinh, có khá nhiều quốc gia áp dụng “chủ nghĩa huyết thống”, nghĩa là quốc tịch của các bé được quyết định bởi quốc tịch của bố hoặc mẹ hoặc cả hai người và không có liên quan đến nơi sinh.

sinh con trên máy bay, trẻ sơ sinh
(Ảnh: Shutterstock)

Đồng thời cũng có những nước áp dụng chủ nghĩa lãnh thổ (hay còn gọi là chủ nghĩa nơi sinh), nghĩa là dù bố mẹ là người nước nào, chỉ cần sinh ra trên lãnh thổ một nước thì sẽ tự động được lấy quốc tịch nước đó, quy định này cũng được áp dụng với cả trường hợp sinh trên máy bay.

Do Hoa Kỳ áp dụng “chủ nghĩa nơi sinh” và cậu bé Sky ra đời trên bầu trời thuộc lãnh thổ nước này nên bé được lấy quốc tịch Hoa Kỳ.

Minh Ngọc

Xem thêm: