Việc làm kiên trì, tốt đẹp của người phụ nữ này đã góp phần to lớn trong việc bảo vệ môi trường đại dương và sự sống của các sinh vật biển.

Cách đây hơn một năm, cô Karen Jenner đã đến bãi biển gần Vịnh Fundy ở Nova Scotia và bắt đầu thu nhặt những “cánh cửa thoát hiểm” của bẫy tôm hùm, đó là những mảnh nhựa hình chữ nhật có lỗ thông hơi đủ lớn để tôm hùm cỡ nhỏ có thể chui qua đó và thoát khỏi bẫy.

Với cô Karen, đây đơn giản chỉ là một thói quen thú vị “sưu tầm một món đồ”. Nhưng chẳng mấy chốc, cô đã nhặt được hơn 500 mảnh nhựa.

“Chỉ trong một vài chuyến thăm bãi biển, tôi đã thu thập được hơn 500 mảnh và chúng trở nên khó tìm hơn. Vì vậy, tôi bắt đầu thu thập một vài thứ khác và dần trở nên như hiện nay – tôi thu thập hầu hết mọi thứ mà tôi có thể loại bỏ khỏi bãi biển.”

Chỉ trong hơn một năm, cô Karen đã nhặt được hơn 2,4 tấn rác thải nhựa. Karen không chỉ đơn thuần là một người nhặt rác ở bãi biển, cô còn là một “nhà sưu tầm siêu hạng”.

Cô Karen đã mang tất cả những gì nhặt được về nhà kho của mình, tại đây cô sắp xếp rác thải thành các nhóm như: dây thừng, nắp chai, bóng bay, vỏ đạn shotgun, bật lửa, ống hút, thẻ câu cá, đồ chơi và nhiều hơn nữa. Cô đếm và cân tất cả mọi thứ (trừ dây thừng).

“Ở Nova Scotia, rất ít những gì tôi thu thập được có thể tái chế, nhưng những gì có thể thì tôi sẽ sử dụng, còn lại tất cả đều được chuyển đến thung lũng rác để xử lý đúng cách”, cô Karen cho biết. “Một số thứ mà tôi thu thập đã được tái sử dụng trong nhà kho của tôi. Một cái thang được dùng làm lan can đi lên gác xép. Viền nhựa đã được đặt dọc theo biên của chuồng ngựa. Dây được sử dụng cho nhiều thứ như cũng như móc, khớp khuyên, v.v…”

Cô Karen đăng tất cả những gì mình thu nhặt được lên facebook để nhắc nhở mọi người về vấn đề rác thải: “Tôi nghĩ phần quan trọng nhất trong những việc tôi làm là chụp ảnh lại rồi đăng lên facebook cũng như đếm và cân mọi thứ (rác).”

“Những bức ảnh có khả năng đưa ra tuyên bố trực quan và những con số không thể bị nghi ngờ. Đó là dữ liệu thực tế.”

Vịnh Fundy là nơi có thủy triều cao nhất thế giới. Cô Karen đã ghé thăm 5 bãi biển nơi đây, mỗi tuần đi từ 2-3 lần, mỗi lần dành vài giờ để nhặt nhạnh rác thải.

Hầu hết những thứ cô nhặt được đều tương tự nhau, nhưng đôi khi cô cũng bắt được những món đồ rất đặc biệt: “Quả dừa còn nguyên vỏ là thứ thú vị đầu tiên tôi nhặt được. Chúng không mọc ở bất cứ chỗ nào gần nơi tôi sống. Tôi còn tìm được một túi nhựa của cửa hàng tạp hóa từ năm 1979, nó đã 40 tuổi mà nhìn vẫn rất đẹp, thật đáng tiếc”.

Cô Karen có một người con trai và đi dạo một mình trên bãi biển là khoảng thời gian quý báu để cô thư giãn, tận hưởng sự yên tĩnh sau những phút tất bật với cuộc sống thường nhật. Mọi người gợi ý cô nên đeo thẻ lên áo nhưng Karen không phải là người thuộc tổ chức dọn dẹp bãi biển. Hành động của cô chỉ đơn giản là một thói quen, dần dần tấm lòng của cô đã truyền cảm hứng đến với mọi người xung quanh. Cô chia sẻ rằng: “Rất nhiều người để lại bình luận là họ nhìn thấy rác ở bãi biển nên đã nhặt nó lên. Thật tuyệt vời”.

Cô Karen cho biết, cứ mỗi lần thủy triều rút, bờ biển lại ngập tràn rác thải, dù bạn có dọn dẹp bao nhiêu đi chăng nữa thì hôm sau bạn vẫn phải làm nhiều hơn. Đôi khi cô Karen rất nản lòng và muốn từ bỏ công việc này, “Tôi nói đùa rằng đó là công việc của một kẻ ngốc!”, “Tôi thường nghĩ, thế đấy, tôi không làm nữa, những việc này chỉ làm tốn thời gian của tôi. Thế nhưng vài ngày sau tôi lại thôi. Tôi lại tiếp tục làm điều đó bởi vì bất kỳ những gì mà tôi loại bỏ khỏi bờ biển sẽ không còn là mối nguy hiểm đối với sinh vật biển nữa”.

Ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề nóng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một nghiên cứu công bố trên ScienceDirect ước tính hàng triệu tấn rác thải nhựa dưới đại dương có thể gây thiệt hại tới 2,5 nghìn tỷ USD. Rác thải nhựa gây hại tới hầu hết ngành khai thác biển từ nuôi trồng thuỷ sản, giải trí, bảo tồn di sản và môi trường sống của các sinh vật biển.

Theo MNN
Minh Minh

Xem thêm: