Con người sống trên đời đều ham muốn truy cầu danh lợi. Khi đối mặt với lợi ích, người ta thường khó kiểm soát dục vọng của bản thân. Đặc biệt là khi nhìn thấy những “món hời” ngay trước mắt. Kỳ thực, mọi thứ bạn nhận được trong cuộc đời đều có giá của nó. Nếu hôm nay bạn tranh giành để đạt được một lợi ích gì đó, bạn sẽ phải trả với một cái giá đắt hơn trong tương lai.

Kỳ thực, mỗi món lợi chiếm được của người khác đều được “ghi lại”, nhân phẩm của bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng, đôi khi cái được chẳng thể bù cho cái mất. Tuy nhiên, người thông minh không bao giờ lợi dụng người khác, đối với họ thì “chịu thiệt chính là phúc”.

Đừng để dành điều tốt nhất cho đến cuối cùng, người thông minh
Người thông minh không mưu cầu chút lợi nhỏ. (Ảnh: Shutterstock)

Những người ham cái lợi nhỏ thường phải chịu thiệt lớn

Đứng trước lợi ích, nhiều người luôn muốn bỏ ra ít nhất để đổi lại những cái lợi lớn nhất. Điều này thể hiện rõ ràng nhất khi mọi người đi mua sắm.

Tôi có một người bạn là chủ của một cửa hàng quần áo, anh không thích những khách hàng hay mặc cả. Một số người thắc mắc rằng tại sao họ lại không thể mặc cả?

Anh trả lời: “Hầu hết những người mua hàng đều hiểu tình hình thị trường. Ví như trang phục nữ của chúng tôi, giá cả và dịch vụ bán hàng đều rất cạnh tranh. Nếu khách hàng thực sự nghĩ rằng giá của chúng tôi đắt thì họ có thể đến các cửa hàng khác so giá.

Tuy nhiên, những khách hàng thích chiếm lợi không bao giờ nghĩ như vậy. Họ biết rõ rằng chúng tôi không kiếm được nhiều tiền và một vài nhân viên sẽ phục vụ họ trong 1 hoặc 2 giờ. Vậy mà họ vẫn còn có thể mặc cả được, thì chúng tôi đến cơm cũng không có mà ăn. Người như vậy không chỉ là thích mặc cả, mà là rất ích kỷ.”

Sau khi nghe người bạn này nói, tôi thấy cũng có lý. Tất nhiên ai cũng muốn việc mua bán thuận buồm xuôi gió, nhưng không ai muốn làm ăn thua lỗ cả. Kỳ thực, với những khách hàng thích mặc cả và hay đòi quà, các thương gia sớm đã có giá khác và những cách đối phó với họ. (Ví dụ, họ sẽ nâng giá lên cao hơn rất nhiều và để cho khách hàng mặc cả, những người thích trả giá đôi khi còn phải mua với giá đắt hơn so với những người khác. Những người này tưởng rằng mình đã mua được “món hời”, nhưng không ngờ rằng mình đã bị “mua hớ”).

Không ai thích chịu thiệt hay bị người khác lợi dụng cả, tuy nhiên, những người thông minh thường là người nguyện ý chịu thiệt. Đối với họ, mỗi hành động sẽ trở thành một tấm danh thiếp để họ đi khắp mọi nơi, bất cứ “món hời” nào họ chiếm được đều sẽ trở thành “vết nhơ” trên tấm danh thiếp ấy.

người thông minh
Những người tham lợi dễ rơi xuống vực sâu của cuộc đời. (Ảnh: Prazis Images/Shutterstock)

Món lợi chiếm được không lớn, nhưng lại phản ánh sự giáo dưỡng của một người

Có thể dễ dàng nhận thấy rằng những kẻ thích chiếm lợi thường chỉ đắc được một số lợi ích nhỏ. Ví như khi mua rau lại lấy thêm vài cọng hành hay vài tép tỏi dẫu chủ hàng không cho phép. Khi ăn tiệc buffet, luôn phớt lờ những quy định và lén lút mang đồ ăn về, dẫu nhà hàng quy định rõ rằng không được phép mang về. Hay khi đến siêu thị, luôn ăn ở khu vực nếm thử chứ không chịu bỏ tiền ra mua. Khi bị người khác chỉ ra hành động đó không tốt, họ thường không phục, mà còn trách người khác “keo kiệt” – đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành.

Những người như vậy dẫu chiếm được chút lợi nhỏ, nhưng lại đánh mất nhân cách và sự tu dưỡng của bản thân mình, không được người khác coi trọng.

Một bạn trẻ vừa tốt nghiệp đại học, chưa đầy 1 năm, dù thử việc ở một vài công ty, nhưng chưa lần nào anh ấy vượt qua được thời gian thử việc. Không phải vì anh ấy làm việc không tốt, hay không chịu khó, mà là anh ấy luôn thích chiếm lợi.

Đôi khi, anh cuộn một mớ giấy trong công ty và lặng lẽ nhét vào cặp.

Đôi khi, anh ấy có thể ăn đồ ăn do đồng nghiệp mang đến, nhưng không bao giờ mời lại người khác. Với những công việc được giao, miễn có sơ hở, là anh ấy lợi dụng.

Mỗi lần chiếm lợi, anh ấy đều cảm thấy mình thật thông minh và người khác không thể biết được. Kỳ thực, sếp và đồng nghiệp đều thấy, chỉ là mọi người không nói ra mà thôi.

Của cải lớn nhất của một người là sự tu dưỡng. Lợi ích chiếm được chẳng là bao, và cũng không gây ra tổn thất quá lớn, nhưng nhân phẩm lại dần mất đi vì những thứ vụn vặt ấy.

Trên thế giới có 3 kiểu người giỏi nhất
Tâm hồn nên khoáng đạt, không nên tham lợi. (Ảnh: ShutterStock)

Không tham lợi mới là người thông minh

Có một ông chủ của cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhanh với những món ngon và đủ dinh dưỡng. Anh ấy rất tâm lý, luôn để một ít đậu phộng, rau thơm, xì dầu ớt và các gia vị khác bên ngoài, để khách hàng có thể lấy thêm tùy ý.

Tuy nhiên, một số khách hàng còn mang theo những chiếc hộp nhỏ của họ và múc những thứ này vào đó mang về nhà. Khi thấy vậy, anh ấy không những không ngăn cản mà ngược lại còn chủ động hỏi xem có phải gia vị của cửa hàng thơm ngon hay không, đồng thời lấy ra những gói gia vị đóng gói sẵn tặng cho họ.

Mỗi hành động nhỏ, mỗi lợi ích nhỏ, sẽ soi rõ nội tâm của một người. Một số người vì tham lợi nên lòng dạ hẹp hòi, không coi trọng cảm xúc của người khác. Nhưng cũng có một số người sẵn sàng chịu thiệt, dù mất một chút lợi nhỏ nhưng họ lại giành được sự kính trọng của mọi người.

Tất nhiên, trên đời không có ai thích chịu thiệt và cũng không một ai thích bị người khác trục lợi. Tuy nhiên, những người thông minh không bao giờ đánh mất phẩm giá của mình vì những cuộc mặc cả nhỏ nhặt.

Bạn sẽ để lại gì cho cuộc sống?
Mỗi hành động nhỏ, mỗi lợi ích nhỏ, sẽ soi rõ nội tâm của một người. (Ảnh: Shutterstock)

Cuộc sống là một hành trình dài nối tiếp, những gì bạn chiếm được được hôm nay cũng có thể sẽ trở thành hố sâu ngáng đường trong cuộc sống của bạn vào ngày mai.

Trong dòng sông dài của cuộc đời, nếu tích nhiều điều thiện nhỏ, bạn sẽ có thêm nhiều phước lành, nếu bạn tích nhiều điều ác nhỏ, bạn sẽ có thêm nhiều oan gia trái chủ. Sống như thế nào, là do bạn lựa chọn!

Trần Tâm (Vision Times tiếng Trung)

Xem thêm: