Mỗi khi tết đến xuân về, những bạn trẻ không chỉ lo về tiền bạc, sắm sửa, dọn dẹp mà còn có một nỗi lo khiến họ vô cùng đau đầu, chính là đối mặt với những câu hỏi khó chưa có lời giải.

Tết quê
(Ảnh minh họa: Jimmy Tran/ Shutterstock)

Không khí ngày tết là lúc để tất cả mọi người cùng sum họp đầm ấm bên mâm cơm và đĩa bánh kẹo. Sau một năm tha hương, đi làm, đi học, dịp Tết được nghỉ ngơi, chỉ mong trở về quây quần bên người thân, gia đình. Thế nhưng trong thời đại hiện nay, khi nhắc tới việc về nhà ăn Tết hay họp mặt họ hàng thì nhiều bạn trẻ lại có vẻ khá áp lực. Bởi thăm hỏi, trò chuyện vốn là sự thể hiện sự quan tâm giữa mọi người với nhau, nhưng đối với người trẻ lại vô tình trở thành nỗi lo lắng. “Có người yêu chưa?” “Bao giờ lấy vợ?” “Bao giờ lấy chồng?” “Thế khi nào tính chuyện con cái?” “Thu nhập bao nhiêu?” “Đang làm chức gì rồi?” “Nhà cửa thế nào?”… toàn câu hỏi khó không biết nên trả lời thế nào.

Vấn đề này hiện nay rất nổi cộm và trở thành một chủ đề được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội. Nhiều người cũng có cùng quan điểm và cùng chung nỗi niềm như vậy. Tài khoản face book, chị P.T.T.M bình luận: “Mọi người quan tâm quá hay tò mò quá đến mức thành ra vô duyên luôn, và mình cũng mệt không muốn trả lời những câu hỏi kiểu đó nữa rồi.”

Tài khoản N.H: “Mệt mỏi không phải ở chỗ phải trả lời những câu hỏi đó, mà là ở chỗ phải lặp đi lặp lại nó suốt mấy ngày với những người chẳng thực sự quan tâm.”

Nếu mọi chuyện suôn sẻ lạc quan thì đó không phải là một vấn đề lớn. Thế nhưng nếu đang rơi vào một số khó khăn, nhất là sau những tổn thất do đại dịch, thì đây có vẻ là những câu hỏi khiến nhiều bạn trẻ khá là đau đầu. Tâm lý “sợ Tết” cũng từ đây mà ra.

Thậm chí có nhiều bạn trẻ còn có tâm lý trốn Tết, trốn đi chơi, nhất là khi bản thân chưa đạt được nhiều thành tựu hay kết quả như mong muốn. Do đó mà họ không muốn đi đến nhà bạn bè hay họ hàng vì cảm giác thiếu tự tin, có nhiều bạn trong mấy ngày Tết chỉ nằm trong phòng lướt web.

Có lẽ bản chất của những câu hỏi không phải mà mấu chốt khiến nhiều người cảm thấy khó xử. Mà vì những vấn đề đã đủ khiến họ cảm thấy mệt mỏi, có những chuyện bản thân đã muốn cố gắng dẹp qua một bên để có được cái Tết thảnh thơi, vui vẻ. Nhưng khi bị người khác nhắc tới chúng, người được quan tâm lại cảm thấy như đang bị chạm vào nỗi đau lần nữa. 

Thật ra cái gọi là sự “quan tâm” hay “lời hỏi thăm khiếm nhã” nó rất dễ bị lẫn lộn bởi nhiều lý do như hoàn cảnh, ngữ điệu câu hỏi và cách đặt câu hỏi. Mà đa phần bản chất của người Việt là “tò mò”, có thể là họ thật sự quan tâm, có khi chỉ hỏi bâng quơ cho có chuyện mà nói, nhưng đôi khi lại là vì hiếu sự, tò mò. Quan tâm hay là làm tổn thương người khác, cũng là một câu nói đó thôi, nhưng ranh giới quả thật rất mỏng manh.

“Người nói vô tình, người nghe hữu ý”, sự vô tình này đã khiến cho nhiều bạn trẻ cảm thấy không thể thoải mái nổi. Có thể vài người thân hỏi thì không sao, nhưng gặp ai cũng bị hỏi thăm thì chắc hẳn tâm trạng ấy rất khó mà diễn tả cho được. 

Tài khoản H.A chia sẻ: “Câu chuyện không của riêng ai, và câu trả lời cửa miệng của mình vẫn là ‘sang năm’. Nói vậy thôi chứ tới một độ tuổi nào đó thì hay bị hỏi kiểu đó lắm, vấn đề là nếu coi đó là áp lực thì càng thêm áp lực, còn nếu biết cách để ‘bơ đi’ hoặc coi đó như ‘câu hỏi xã giao’ thì cũng thấy nó thật bình thường ấy mà. Sợ là sợ ở cái lặp đi lặp lại trong vài ngày, rồi nói lên nói xuống về vấn đề đó thì mới ghê và áp lực.”

shutterstock 778431085
Tết này hãy cứ thoải mái bước ra ngoài chơi, biết đâu có cơ hội nào đó đang chờ bạn đấy. (Ảnh minh họa: Dragon Images/ Shutterstock)

Như vậy, khi gặp phải những câu quan tâm này, bạn có thể cười xòa cho qua hoặc trả lời hài hước với mọi người:

  • “Khi nào có người yêu?” – Cái này là phải chờ duyên trời định ạ.
  • “Khi nào lập gia đình?” – Dạ sang năm, mà chưa biết sang năm nào.
  • “Công việc ổn chứ? Lương cao không?” – Sự nghiệp là việc cả đời bác ạ.
  • “Sao ốm nhom ốm nhách vậy? Tiết kiệm quá à?” – Dạ đất chật người đông, ốm ốm chút đi cho dễ lách ạ.
  • “Sao mập quá vậy? Không chịu tập thể dục à?” – Mập chút cho đáng yêu, tập thể dục thì vẫn đều ạ.
  • “Đi làm mấy năm rồi, có nhà chưa?” – Dạ cũng đang cố gắng ạ.

Suy cho cùng thì chúng ta cũng không thể trốn tránh hay thay đổi suy nghĩ và nhận thức của người khác. Thay vào đó bản thân hãy tự trang bị cho mình một tinh thần và tâm thái thật tốt để có thể đối diện với những “lời quan tâm thừa” này. 

Dù sao thì khó khăn hậu đại dịch cũng không phải lỗi của bạn. Hãy vui và tự hào về bản thân vì bạn đã cố gắng. Tết này hãy cứ thoải mái bước ra ngoài chơi, biết đâu có cơ hội nào đó đang chờ bạn đấy. Tết là để vui chơi, Tết là để quây quần, Tết không phải để buồn bạn nhé!

 Trúc Nhi