Bài viết của Trương Hiểu Nam – một người Trung Quốc từng sinh sống ở Mỹ

Nói về lý do vì sao có rất nhiều Trung Quốc sống ở Mỹ cảm thấy cuộc sống nơi đây nhẹ nhàng thoải mái, đơn giản, và không muốn quay về nữa. Sự thật là như vậy. Những việc dưới đây đều là điều mà chính tôi đã trải qua trong thời gian học tập, sinh hoạt ở Mỹ. Những sự việc nhỏ này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều và cũng làm cho tôi rất xúc động. Hôm nay tôi sẽ chia sẻ với mọi người.

người Mỹ
(Ảnh qua ablwang.com)

Ở Mỹ, nếu hai người đi chơi chụp ảnh cho nhau, sẽ có người chủ động đến hỏi xem có cần giúp chụp ảnh chung không. Chụp xong họ còn hỏi thấy có hài lòng hay không, nếu không thích thì sẽ chụp lại. Tôi luôn cảm động sâu sắc trước sự giúp đỡ chủ động và nhiệt tình của họ. Thế nhưng nếu mọi người muốn để người Mỹ giúp bạn chụp ảnh thì nhất định phải suy nghĩ kĩ. Bởi vì theo thói quen thẩm mỹ của chúng ta, họ chụp rất nhiều nhưng chúng ta sẽ cảm thấy là chụp không đẹp, không nét. Lý do rất đơn giản, họ chụp ảnh rất đơn thuần, nếu chụp người, họ sẽ chụp cận cảnh người, hoàn toàn không nhìn thấy cảnh phía sau. Bạn sẽ cảm thấy chụp với Tượng nữ Thần Tự Do cũng chẳng khác gì so với chụp trong bếp nhà mình. Còn nếu muốn chụp cảnh, họ sẽ chỉ chụp cảnh thôi. Bạn người Mỹ của tôi nói rằng, nếu có người xuất hiện trong hình chụp cảnh đẹp thì có thể sẽ phá hỏng khung cảnh. Còn khi chụp người thì nhất định phải chụp sát người, như vậy mới có thể ghi lại trọn vẹn biểu cảm chân thực người đó.

Tôi nghe vậy thì thấy rất có lý. Nhưng việc người ta chủ động đề nghị giúp người khác chụp ảnh rất hiếm ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, khi hai người đang chụp ảnh cho nhau thì sẽ không có ai chủ động bước đến hỏi xem có cần chụp hộ hay không, hơn nữa nếu bạn nhờ người bên cạnh chụp hộ thì tỉ lệ bị từ chối sẽ khá cao. Vì sao vậy? Bởi vì tâm lý đề phòng của người Trung Quốc cao hơn nhiều so với người Mỹ.

Tâm lý của mọi người có thể là: “Liệu có phải là máy ảnh của người đó bị hỏng nên mới cố ý bảo mình chụp hộ, sau đó lại đổ cho mình làm hỏng?”. Có người thì lại khá hướng nội, hay ngại ngùng và được dạy rằng “không được nói chuyện với người lạ”. Đương nhiên cũng có người sợ phiền phức và nghĩ rằng: “Không quen biết, sao mình lại phải chụp ảnh hộ chứ!”. Đồng thời, nếu muốn tìm người khác chụp ảnh hộ thì cũng phải quan sát rất lâu, xem người nào có vẻ tốt bụng hoặc người nào có thể chịu giúp mình chụp, hay ai sẽ không cầm máy ảnh rồi chạy mất thì mới dám bước đến hỏi. Một trường hợp khác là bạn có lòng chủ động giúp người khác chụp ảnh, họ sẽ nhìn bạn bằng ánh mắt nghi ngờ rồi nói: “Ồ, cảm ơn, tôi không cần”.

Ở Mỹ, bạn sẽ không cần suy nghĩ, lo lắng đến những điều này. Trước tiên, sẽ có người chủ động đến “yêu cầu” giúp đỡ. Thứ hai, bạn chỉ cần hỏi người bên cạnh, họ sẽ luôn vui vẻ giúp đỡ. Những người này không hẳn đều là người Mỹ, nhưng ở trong môi trường như vậy, nếu thường xuyên tiếp xúc với những người như vậy, trải qua việc như thế thì sẽ rất dễ chịu ảnh hưởng, từ đó họ sẽ thay đổi.

Bạn sẽ nhận ra rằng dù là người Mỹ hay người sống ở Mỹ thì suy nghĩ của họ cũng rất đơn giản, cuộc sống khá nhẹ nhàng, nguyên nhân lớn chính là do sự tin tưởng ở Mỹ được xây dựng khá hoàn thiện. Trong xã hội như vậy, mọi người đều sẽ tin tưởng lẫn nhau.

>> Chia sẻ của một người Trung Quốc về nước Mỹ: “Quốc gia của sự tin tưởng”

Khi tôi học tại Đại học Columbia, bên dưới tòa nhà có một cái siêu thị nhỏ, có thể tới để photocopy. Mỗi lần đi photo tài liệu đều là tự mình làm, in xong rồi tự đếm số trang. Gần chỗ máy in có một cái quầy, cầm những gì đã in đến quầy, báo số trang, chủ tiệm sẽ thu tiền theo số trang mà tôi báo, tuyệt đối sẽ không đếm lại. Cảm giác được tin tưởng hoàn toàn như thế này thật sự rất tốt.

Còn ở Trung Quốc, tôi từng trải qua một việc hoàn toàn ngược lại. Cũng là một cái siêu thị nhỏ, nhưng khi tôi đi vào thì liền bị nhân viên dõi theo từng bước, nhìn chằm chằm không rời mắt. Hễ tôi đi từ kệ hàng này sang kệ hàng khác thì nhân viên cũng sẽ xuất hiện ở đầu kệ hàng đó. Tôi đi sang kệ hàng khác, cô ấy lại lập tức đi theo, tôi cảm thấy thật sự rất buồn cười.

Đương nhiên là việc nhân viên quan sát từ xa thì cũng tốt.

Có một lần nọ tôi vào nhà sách ở sân bay tại một thành phố, dù tôi đi đến đâu thì cô nhân viên đều sẽ luôn đi theo phía sau tôi. Tôi thật sự rất bối rối nên đã hỏi cô ấy: “Cô này, cô cần giúp đỡ gì sao?”. Cô ấy nói: “Ồ, không cần”. Sau đó cô ấy quay mặt đi. Khi tôi đi tiếp, ai ngờ cô ấy lại quay lại, tiếp tục đi theo tôi. Khi đó tôi cảm thấy rất tổn thương, chẳng lẽ mặt tôi không đáng để cô ấy tin tưởng đến vậy sao? Bất đắc dĩ, tôi đành nhanh chóng mua quyển sách mình cần rồi chán nản ra khỏi tiệm sách.

Sau khi đi, tôi nghĩ, liệu đây có phải là chính sách bán hàng của họ không? Đối với người không định mua sách, nhân viên cứ đi theo như vậy sẽ làm cho họ thấy ngại và bỏ đi. Những người muốn mua sách giống như tôi cũng mau chóng mua sách mình cần rồi bỏ đi vì bị cô ấy đi theo như vậy. Nếu tôi đoán đúng thì chính sách kinh doanh này thật sự không nhân đạo. Đồng thời, là một người mua hàng, chúng ta cũng sẽ cảm thấy không được tin tưởng.

người Mỹ
(Ảnh qua thechive.com)

***

Tại rất nhiều trường đại học ở Mỹ, người ta đặt giấy trắng ở một khu vực mở, để mọi người lấy dùng khi đi in. Bởi vì họ tin tưởng bạn sẽ dùng bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Thật ra niềm tin này cũng được xây dựng trên cơ sở vật chất khá đầy đủ. Trong tình trạng vật chất thiếu thốn, kinh tế lạc hậu, con người ta sẽ dễ có tâm lý chiếm lợi ích, thích tích trữ hơn để dùng khi cần, sợ là bỏ qua rồi sẽ không có nữa. Khi vật chất tương đối đầy đủ, người ta sẽ không phải “suy trước tính sau”.

Có một lần tôi in tài liệu trong phòng máy ở trường, mỗi sinh viên đều có một khoản được in miễn phí. Kết quả là có một lần máy in bị hỏng, không biết tại sao khoản in miễn phí của tôi bị mất hết. Tôi tìm nhân viên phòng máy rồi trình bày sự việc. Thầy ấy hỏi tôi: Mất bao nhiêu trang? Tôi nói với thầy con số, thầy lập tức thêm vào cho tôi từ hệ thống, hoàn toàn không bắt tôi bù tiền. Thầy hoàn toàn tin lời tôi nói. Nếu bạn tự mình dùng hết, xong rồi đến lừa gạt thầy ấy nói rằng máy in nuốt giấy nên mới bị mất thì thầy cũng sẽ bù cho bạn. Bởi vì thầy tin rằng bạn nói thật.

Một ví dụ tương tự khác là có một vài học sinh (người Trung Quốc) viết đơn xin đi nước ngoài thường sẽ hỏi tôi rằng: Thưa thầy, em viết trong lý lịch mình được giải thưởng này, tham gia hoạt động kia thì có phải gửi giải thưởng và minh chứng cho trường ở Mỹ xem không ạ? Câu trả lời là: Không cần. Trường học ở nước ngoài sẽ xem những gì bạn viết trong lý lịch, hồ sơ cá nhân, thư giới thiệu, mọi thứ đều là thật, bạn không cần phải chứng minh. Mọi thứ đều dựa trên nguyên tắc hoàn toàn tin tưởng ở bạn.

Thế nhưng trên trang web của họ luôn có câu: “Chúng tôi có quyền kiểm tra tính chân thực của mọi thông tin mà bạn cung cấp. Nếu đến khi đó mà bạn không cung cấp được minh chứng tương ứng, chúng tôi có quyền rút lại quyết định trúng tuyển của bạn”. Thế nhưng bảng điểm thì cần nhà trường đóng dấu, thậm chí niêm phong, kí tên, công chứng. Có thể mọi người không biết, trước đây khi xin đi du học Mỹ, bảng điểm không cần nhà trường đóng dấu hoặc đi công chứng. Cũng có nghĩa là họ tin những gì viết trên giấy. Thế nhưng có người lợi dụng lòng tin của nhà trường, họ làm giả bảng điểm, nhà trường ngẫu nhiên kiểm tra thì phát hiện ra tình trạng này. Dần dần thì bảng điểm yêu cầu đóng dấu, công chứng. Cho nên, mọi người khi xin đi nước ngoài thì không được giả tạo.

>> 10 lý do nhiều người muốn di cư đến Mỹ

***

Có một lần lên lớp tự học, tôi cần vào thư viện trường tìm tài liệu. Do trước đây tôi không biết thư viện không cho mang nước đóng chai vào, nên đã mang một chai nước cam. Những bạn học phụ trách coi cửa gọi tôi lại và nói không được cầm nước vào. Tôi nghĩ rằng phải vứt chai nước đi, không ngờ họ lấy một cái ly chất liệu tốt đưa cho tôi và nói: Bạn có thể đổ nước cam vào đây và mang vào trong, loại ly này khá an toàn, sẽ không dễ bị đổ và còn tặng luôn cái ly cho tôi. Họ đã chuẩn bị rất nhiều những chiếc ly an toàn như vậy để học sinh dùng, suy nghĩ rất chu đáo. Việc này cũng thể hiện lòng tin của họ. Họ cũng không kiểm tra cặp xách của bạn, hoàn toàn tin tưởng bạn. Họ tin mọi người sẽ tuân thủ quy tắc. Nếu bạn cứ muốn để chai trước trong cặp và lén mang vào trong thì cũng không có ai quản lý cả. Thế nhưng nếu bạn muốn làm vậy, trong lòng bạn hẳn sẽ không thoải mái.

***

Ở Trung Quốc, trước cửa các tòa nhà hay các công ty thường sẽ không chuẩn bị ô cho mọi người khi trời mưa. Chỉ có những chiếc ô bị khóa lại hoặc cần phải xem chứng minh thì mới lấy được. Sở dĩ như vậy đương nhiên là sợ mọi người lấy ô đi rồi sẽ không trả lại. Nhưng tại rất nhiều nơi ở Mỹ, ô cứ để ở đó cho mọi người dùng khi trời mưa, bởi vì người ta tin bạn sẽ trả lại.

Nói đến ô, thì tôi lại nhớ đến một việc – đó là ở Mỹ, bạn sẽ cảm nhận rõ ràng hơn về câu “không nhặt của rơi”. Khi tôi làm trợ giảng ở Đại học Columbia, có một lần cho sinh viên làm kiểm tra. Sau khi kiểm tra, tôi nhận được điện thoại của một bạn nói rằng bạn ấy quên ô trong phòng học, nhờ tôi đến nhận hộ. Thế là tôi cầm ô của bạn ấy đến tòa nhà khác có chút việc rồi gặp một người bạn, chúng tôi nói chuyện rất lâu. Lúc đi vội quá, tôi lại để quên ô của bạn kia trên ghế, sau một đêm tôi mới nhớ ra.

Ngày hôm sau, tôi đi tìm thì chiếc ô vẫn còn ở đó. Ở Mỹ, có rất nhiều bạn để sách và đồ dùng cá nhân trong thư viện, bởi vì nói chung là rất an toàn. Hơn nữa, nếu bạn nhờ một bạn hoàn toàn không quen bên cạnh để ý hộ cặp, họ sẽ rất nghiêm túc giúp bạn trông chừng. Nếu thật sự bất cẩn bị mất thứ gì thì cứ đến nơi nhận đồ làm mất thì cơ hội tìm thấy thứ bị mất là rất cao. Thường thì mọi người sẽ không tùy tiện nhặt đồ của người khác làm rơi, bởi vì họ nghĩ rằng có thể người bị mất sẽ quay lại tìm. Nếu có nhặt thì họ cũng sẽ gửi đến nơi giữ đồ bị mất.

Có một lần nọ, tôi và mẹ vào phố người Hoa ở Mỹ để mua đồ. Trên đường về mẹ tôi mới phát hiện ra làm mất chìa khóa nhà. Thế là chúng tôi liên tục nhìn ngó khắp nơi, để ý dưới đất xem có làm rơi ở đâu đó hay không. Kết quả là về gần đến trước cửa rồi mà vẫn không tìm thấy. Khi vào đến tòa  nhà, chúng tôi kinh ngạc phát hiện ra chìa khóa được treo trên bảng đồ bị mất rồi.

>> Vì sao trẻ em ở Mỹ thường rất tự tin?

***

Lúc tôi đưa cha mẹ đến Washington chơi, do thay đổi lịch trình nên tạm thời tìm một cái khách sạn nghỉ chân. Khi đó nhân viên lễ tân báo giá cho chúng tôi, nói là đã bao gồm thuế. Chúng tôi vào ở rồi. Đến ngày hôm sau lúc trả phòng, một người khác nói là giá hôm qua là chưa bao gồm thuế, nhân viên trước đó là người mới nên báo giá sai. Anh này rất lễ độ thay mặt người kia xin lỗi và còn chủ động đưa cho chúng tôi danh thiếp của tổng giám đốc, nói là trường hợp này rất ít khi xảy ra ở khách sạn của họ, họ rất xem trọng suy nghĩ của khách hàng và danh tiếng của khách sạn.

Họ nói rằng nếu có vấn đề gì, chúng tôi có thể tìm giám đốc của họ để khiếu nại. Thật ra giá cả không chênh lệch bao nhiêu, nhưng tôi vẫn viết một lá thư. Tôi muốn xem thử rốt cuộc thì chất lượng phục vụ của họ ra sao. Tôi gửi thư cho giám đốc và nói rõ tình huống này. Ngày hôm đó, tôi nhận được hồi âm của giám đốc, sau khi xin lỗi chân thành, người này nói “đây là lỗi của khách sạn chúng tôi, không thể để khách hàng phải chịu trách nhiệm được”, nói rằng số tiền thu thêm sẽ được trả lại ngay. Quả nhiên, chưa đến 2 ngày sau, tôi phát hiện trong thẻ có một khoản tiền hoàn lại. Sự tin tưởng và quan tâm này đối với khách hàng của khách sạn rất đáng để học hỏi.

>> Vì sao người Mỹ thường không thể hiện sự giàu có?

***

Trong trường học ở Mỹ có rất nhiều bài thi là đề mở. Giáo viên quy định thời gian, mọi người chỉ cần làm xong và bỏ vào “hộp thư” bên ngoài văn phòng của giáo viên trước thời gian này là được. Nhưng “hộp thư” không có cửa, chỉ là một cái rổ thôi. Khi mọi người nộp bài đều rất tự giác, nộp xong rồi đi, sẽ không xem đáp án của bạn khác. Về việc thi cử, người Mỹ rất xem trọng vấn đề lòng tin. Nếu bạn làm bài không tốt vì lý do gì đó hoặc cảm thấy giáo viên cho điểm không công bằng, bạn đều có thể tìm họ để trình bày xem thử có thể cho điểm lại hay không.

Chỉ là nếu gian lận, một khi nhà trường bắt được thì sẽ không được cấp bằng tốt nghiệp và bị trục xuất. Ví dụ như nếu có bạn thi trước, đã biết đề, nhưng tuyệt đối sẽ không nói với bạn thi sau dù là bạn thân. Vì vậy ở Trung Quốc, số lượt chia sẻ kinh nghiệm thi cử, phỏng vấn luôn nhiều hơn ở Mỹ. Có thể là do quan niệm không giống nhau. Người Trung Quốc viết những điều này ra có người là do có lòng tốt, nghĩ rằng mình đã gặp khó khăn rồi, viết ra để nhiều người không phải đi đường vòng nữa. Còn quan điểm của người Mỹ là đây là việc có liên quan đến đạo đức và lòng tin. Tuyệt đối không thể lệch lạc được.

Related image
(Ảnh: paranormalya.blogspot.com)

***

Ở Mỹ, thuê xe đi du lịch là một việc rất tiện lợi. Khi trả xe, bạn sẽ lại cảm nhận được chế độ tin tưởng tuyệt đối của Mỹ. Có một lần tôi và cha cùng đi trả xe. Mười giờ sáng chúng tôi lái xe đến, họ vẫn chưa làm việc. Người ở gara bảo chúng tôi để xe ở đây là được rồi, cũng không đưa cho chúng tôi giấy tờ chứng minh nào cả. Sau khi chúng tôi đi, cha tôi lo lắng, nhỡ sau đó bị người ta cào xước hoặc đụng phải thì sao, hay có khi họ nhất quyết nói chúng tôi chưa trả xe v.v… lúc đó phải làm thế nào. Tôi nói với cha hãy tin tôi, không sao đâu. Tôi rất tin tưởng vào hệ thống tín dụng của họ. Đến trưa tôi gọi điện thoại đến hỏi, quả nhiên mọi chuyện đều ổn thỏa, nhân viên của họ đã làm xong thủ tục trả xe rồi.

***

Ở trường, tôi thường hay nhìn thấy những chiếc hộp lớn, trong đó có rất nhiều những quyển sách mà các bạn học không dùng nữa để các bạn khác lấy nếu cần. Trên chiếc hộp có viết chữ FREE (miễn phí). Bạn có thể tùy ý lấy quyển nào mà bạn muốn. Nhưng bạn sẽ thấy rằng nếu thật sự cần thì người ta mới lấy, sẽ không nghĩ rằng vì rẻ, chỉ cần là miễn phí thì sẽ lấy hết.

>> “Thư viện miễn phí” trước cửa nhà một người Mỹ lan rộng đến hơn 70 quốc gia

Còn một lần nọ ở sân trường, tôi nhìn thấy có bạn đang quyên tiền bằng cách bán bánh. Ở Mỹ có rất nhiều những hoạt động bán hàng từ thiện như thế này. Bạn đưa bao nhiêu tiền cũng được, muốn lấy loại nào, bao nhiêu cái là tùy bạn. Tôi thấy dù mọi người đưa bao nhiêu tiền thì họ đều sẽ chỉ lấy một cái và cũng không lựa chọn cái lớn cái nhỏ.

Trong phòng giặt ở chung cư, tôi nhìn thấy một cái kệ xếp đầy các loại sách để mọi người có thể đọc sách trong lúc chờ giặt. Tôi thấy một quyển có vẻ hay, muốn mượn về. Thế là tôi đi hỏi người quản lý xem có thể mượn đọc được không. Ông ấy nói đương nhiên là được. Chính ông ấy là người để kệ sách ở đó. Mục đích là để các bạn bỏ những quyển sách không cần nữa vào đó cho người khác có cơ hội đọc chứ đừng vứt vào thùng rác. Đồng thời, ông hoàn toàn không lo lắng mọi người xem rồi sẽ không trả lại. Mọi người đều biết là sách ở Mỹ rất đắt, vì vậy có thể luân phiên nhau đọc như vậy là việc vô cùng tuyệt vời.

Nước Mỹ luôn mang đến cho tôi rất nhiều sự bất ngờ và cảm động. Tôi cảm động với người quản lý của một chung cư bình thường mà lại suy nghĩ cho người khác như vậy, cảm động trước sự tốt đẹp đơn thuần của nước Mỹ.

Thế nhưng đừng chụp mũ tôi, nói tôi không yêu nước khi lấy những ví dụ về cuộc sống tràn đầy niềm tin ở Mỹ như vậy. Chính bởi vì tôi là một người luôn theo chủ nghĩa yêu nước, tôi mới chú ý đến những điều tốt của nước khác. Tôi hy vọng chúng ta có thể khiêm tốn học hỏi, để cuộc sống của người dân nước mình trở nên thoải mái và tốt đẹp hơn.

Trên thế giới này, ban đầu là một số người tốt chủ động hi sinh, sau đó có người nhận được từ sự hy sinh của người khác và tiếp tục xuất hiện nhiều người chủ động hi sinh hơn. Cứ như vậy, xã hội dần dần sẽ đi vào một vòng tuần hoàn tốt đẹp. Hoàn toàn không phải chỉ một hai người, một vài chính sách trong vài ngày là có thể thay đổi hoặc giải quyết được.

Ngọc Trúc biên dịch

Xem thêm: