Nằm trên hòn đảo Goudier tuyệt đẹp, Port Lockroy là nơi có bưu điện và bảo tàng duy nhất ở Nam Cực. Một nhóm 4 người phụ nữ đang sẵn sàng cho cuộc hành trình 9.000 dặm (hơn 14 ngàn km) từ vương quốc Anh đến Nam Cực với sứ mệnh mở cửa lại bưu điện và bảo tàng xa xôi hẻo lánh nhất thế giới này.

shutterstock 1880214088
Bưu điện Port Lockroy. (Ảnh: Anton Rodionov/ Shutterstock)

Khi mọi người hành trình đến Nam Cực để tìm kiếm những cảnh quan hùng vĩ và động vật hoang dã đáng kinh ngạc, thì cảng Lockroy thường là điểm dừng chân yêu thích của khách du lịch. Ở các quốc gia phương tây người ta có văn hóa gửi bưu thiếp khi đi du lịch xa nhà. Người đi xa thể hiện tình cảm với người ở nhà, biểu thị bằng việc luôn nhớ đến và chia sẻ những điều tốt đẹp mình đã trải qua. Bưu thiếp, sách và quà lưu niệm đều có thể được tìm thấy trong cửa hàng nhỏ ở bưu điện Port Lockroy.

Vượt qua 4.000 ứng cử viên khác, 4 người phụ nữ này sẽ đến nhận việc tại Cảng Lockroy trên Đảo Goudier, Nam Cực – một địa điểm lịch sử được điều hành bởi Ủy ban Di sản Nam Cực Vương quốc Anh (UKAHT). Công việc của họ sẽ bắt đầu từ đầu tháng 11 và kéo dài 5 tháng cho đến hết mùa đông. Đây cũng là dấu mốc đầu tiên địa điểm đặc biệt này được mở cửa trở lại kể từ sau đại dịch. Cựu nhân viên cảng Lockroy, Vicky Inglis sẽ dành 10 tuần tham gia cùng để giúp họ thích nghi với địa điểm độc đáo và đầy thử thách này.

Mặt trời hầu như không lặn trên đảo Goudier, có nghĩa hầu hết thời gian là ban ngày. Họ cũng phải làm quen với nhiệt độ dưới 0 độ C. Nơi sinh sống trên đảo không có wifi, không có nước sinh hoạt, không có nhà vệ sinh xả nước và hàng xóm duy nhất là… một đàn chim cánh cụt.

Buu dien Port Lockroy 1
Chim cánh cụt gentoo. (Ảnh: Andrew Laity/ Shutterstock)

Có hơn 1.500 con chim cánh cụt gentoo sống xung quanh bưu điện ở Port Lockroy. Những sinh vật nhỏ dễ thương này được phân biệt bằng chiếc mỏ màu cam sáng và “dây đeo” lông màu trắng trên đỉnh đầu.

Chim cánh cụt Gentoo là loài động vật tò mò và thường đi lạch bạch đến gần du khách mà không hề sợ hãi. Sẽ rất tuyệt vời nếu bạn có đủ thời gian tham quan bảo tàng, ngồi bên ngoài bưu điện và ngắn nhìn chim cánh cụt.

Những người phụ nữ sẽ được huấn luyện trước khi khởi hành từ thành phố Cambridge đến Nam Cực. Khóa đào tạo bao gồm các cuộc họp ngắn với một nhà nghiên cứu chim cánh cụt và huấn luyện các phương pháp sơ cứu từ xa.

Clare Ballantyne
Cô Clare Ballantyne, trưởng bưu cục. (Ảnh: Ủy ban Di sản Nam Cực Vương quốc Anh)

Trưởng bưu cục, cô Ballantyne, mới tốt nghiệp Thạc sĩ ngành khoa học trái đất và là vận động viên chạy việt dã, sẽ được giao nhiệm vụ phân loại bằng tay khoảng 80.000 bưu thiếp quốc tế. Điều cô ấy mong đợi nhất là được gọi hòn đảo – với rặng núi Fief và sông băng đẹp như tranh – là “nhà”, và “được ngửi thấy mùi của đàn chim cánh cụt.”

Mairi Hilton
Mairi Hilton – Giám sát động vật hoang dã. (Ảnh: Ủy ban Di sản Nam Cực Vương quốc Anh)

Bên cạnh công việc hàng ngày của nhóm là điều hành bưu điện, bảo tàng và cửa hàng quà tặng, cô Hilton – Giám sát động vật hoang dã, sẽ được giao nhiệm vụ “đếm chim cánh cụt” như một phần của nghiên cứu dài hạn về sự thành công trong chăn nuôi ở thuộc địa. Chính phủ của Lãnh thổ Châu Nam Cực thuộc Anh (The British Antarctic Territory) tặng một phần doanh thu bưu điện cho UKAHT để tài trợ cho nghiên cứu này.

Cô Hilton còn có thêm nhiệm vụ theo dõi chim non và tổ mới, đồng thời ghi lại các chuyến tàu với khoảng 18.000 du khách dự kiến. Cô Hilton là người Scotland bản xứ, có bằng tiến sĩ bảo tồn sinh học và đã thực hiện các chuyến thám hiểm đến Amazon ở Peru, Cộng Hòa Trinidad và Tobago ở phía Nam biển Caribe để nghiên cứu động vật hoang dã. Đây sẽ là lần đầu tiên cô đến Nam Cực.

Cô nói: “Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra khi chúng tôi đến đó, trời sẽ lạnh đến mức nào? Liệu chúng tôi có phải xúc tuyết để đến bưu điện không?… Cá nhân tôi rất nóng lòng được nhìn thấy chim cánh cụt và các loài động vật hoang dã khác như chim biển và cá voi.”

Lucy Bruzzone
Cô Lucy Bruzzone đảm nhận vai trò quản lý cơ sở. (Ảnh: Ủy ban Di sản Nam Cực Vương quốc Anh)

Cô Bruzzone, quản lý của bưu điện, đã từng dành 3 tháng đi thám hiểm quần đảo Svalbard ở Bắc Cực với nhiệm vụ là Giám đốc Khoa học. Hiện cô đang được Viện Lãnh đạo Bền vững của Đại học Cambridge biệt phái tham gia vào dự án ở Cảng Lockroy, cũng là giấc mơ cả đời của cô. Với tư cách là quản lý cơ sở, trách nhiệm của cô là quản lý nhóm, điều phối các chuyến tàu đến thăm ​​và liên lạc với trưởng nhóm của các đoàn thám hiểm.

Natalie Corbett
Cô Natalie Corbett, quản lý cửa hàng. (Ảnh: Ủy ban Di sản Nam Cực Vương quốc Anh)

Cô Corbett, quản lý cửa hàng, có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ và công việc kinh doanh riêng là bán phụ kiện thú cưng thủ công. Cô cũng vừa mới kết hôn.

“Lần đầu tiên tôi đọc về công việc này trên BBC và nghĩ: ‘Đó không phải là trải nghiệm tuyệt vời nhất chỉ có một lần trong đời sao?’” Cô kể lại. “Tôi sẽ để chồng tôi, anh George, người mà tôi mới kết hôn vào tháng 6 ở nhà, vì vậy tôi sẽ coi đây như tuần trăng mật một mình của mình!”

Cô Ballantyne và cô Corbett nói với ITV News rằng họ mong đợi sẽ có “ít thời gian chết” nhưng vẫn sẽ mang theo máy trò chơi, sách và máy tính bảng có chứa các bộ phim đã tải xuống. Họ cũng sẽ đi dạo để khám phá cảnh quan xung quanh.

“Mỗi thành viên trong nhóm đều có niềm đam mê khám phá và tình yêu đích thực đối với Nam Cực,” Giám đốc điều hành UKAHT, bà Camilla Nichol, cho biết, “đó sẽ là một công việc đầy thử thách… nhưng họ sẽ đóng vai trò thiết yếu để đưa cảng Lockroy và bảo tàng vào hoạt động.”

Thanh Mộc (t/h)