Các quốc gia đang có chiến tranh hoặc bất ổn chính trị là những điểm đến nguy hiểm nhất. Sau khi bị Nga tấn công, Ukraine từ quốc gia có mức rủi ro trung bình đã được “thăng cấp” lên mức rủi ro cao nhất.

Bạn đã lên kế hoạch du lịch nước ngoài cho năm sau chưa? Có lẽ bạn sẽ muốn tránh xa Afghanistan, Mali, Syria, Iraq, Ukraine – những điểm đến được đánh giá là nguy hiểm nhất thế giới đối với khách doanh nhân và khách du lịch trong năm 2023.

điểm đến nguy hiểm
Cậu bé Ukraine trước cảnh tàn phá của thành phố (Ảnh minh họa: RomarioIen/ Shutterstock)

Mới đây, Bản đồ Rủi ro Du lịch 2023 (Travel Risk Map) do các chuyên gia y tế và an ninh toàn cầu từ công ty đánh giá rủi ro International SOS biên soạn đã được công bố. 

Các chỉ số này sẽ tính toán mức độ an ninh của các quốc gia dựa trên mối đe dọa đối với người lao động do bạo lực chính trị (bao gồm khủng bố, các cuộc nổi dậy, làn sóng bất ổn với động cơ chính trị và chiến tranh), bất ổn xã hội (như bạo lực bè phái, cộng đồng và sắc tộc), bạo lực và tội phạm nhỏ, cùng nhiều yếu tố khác.

Các quốc gia có “rủi ro cực cao” về mặt an ninh gồm Afghanistan, Syria, Somalia, Mali, Iraq và Ukraine. Theo trang web, các quốc gia này hiện đang không được chính phủ kiểm soát tốt. Khách du lịch có thể bị tấn công bạo lực bởi các nhóm vũ trang. Từng được xếp hạng là một quốc gia có “rủi ro trung bình”, Ukraine nay đã được nâng cấp lên mức “rủi ro cực cao” sau khi bị Nga tấn công vào tháng 2. Cuối tuần qua, các công dân Ukraine đã phải di tản khỏi Kherson vì khu vực này bị pháo kích tàn phá nghiêm trọng. 

id13658641 275446889 269916671988085 2718427808552900450 n 600x400 1
Ngày 19/3, quân đội Ukraine công bố hình ảnh các khu dân cư bị quân đội Nga ném bom. (Nguồn: Bộ Quốc phòng Ukraine)

Các quốc gia “rủi ro thấp” bao gồm Mỹ, Canada, Trung Quốc, Úc và phần lớn châu Âu. Các quốc gia Scandinavia chiếm số lượng cao nhất trong số các quốc gia có rủi ro “không đáng kể” (nghĩa là những nơi an toàn nhất). Theo trang Metro, châu Âu hầu như không nhận thấy rủi ro an ninh tổng thể dù cuộc xung đột giữa Ukraine-Nga vẫn đang diễn ra rất ác liệt và tình hình kinh tế đang có nhiều biến động. 

Công ty cũng đánh giá mức độ an toàn y tế của các quốc gia thông qua các tiêu chuẩn về phòng chống COVID-19, bệnh truyền nhiễm, các dịch vụ y tế khẩn cấp và khả năng tiếp cận nguồn dược phẩm chất lượng. Các nước thuộc mức “rủi ro thấp” trong danh mục y tế gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand và hầu hết Tây Âu. Các quốc gia có “nguy cơ rất cao” bao gồm Mali, Niger, Libya, Syria, Afghanistan, Bắc Triều Tiên, Somalia và Haiti.

shutterstock 1665672562
(Ảnh minh họa: danielmarin/ Shutterstock)

Năm nay, International SOS cũng tính đến chỉ số đo sức khỏe tâm thần của các quốc gia dựa trên nghiên cứu từ Global Burden of Disease Study (Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu). Theo cách tính toán này thì trạng thái lo lắng, trầm cảm, rối loạn ăn uống, tâm thần phân liệt đều được tính là rối loạn sức khỏe tâm thần. Có một điều rất thú vị là nhiều quốc gia đạt điểm cao trong hạng mục an toàn và an ninh y tế lại xếp hạng kém về mục sức khỏe tâm thần và ngược lại. 

Theo chỉ số này, từ 15% đến 17,5% người dân ở Tây Âu và hầu hết Scandinavia đã từng gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. 17,5% đến 20% những người sống ở Greenland, Tây Ban Nha, Úc và New Zealand cũng gặp phải khó khăn tương tự.

Iran cũng đạt điểm kém trong hạng mục sức khỏe tâm thần. Các chuyên gia cho rằng các quy định đạo đức nghiêm ngặt của quốc gia này là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng trên. Vào thứ 3 tuần trước, một người đàn ông đã bị lực lượng an ninh Iran giết chết vì cáo buộc ăn mừng trận thua World Cup của nước này trước Mỹ. Cùng lúc đó thì các cuộc biểu tình chống lại chế độ cũng đang diễn ra rầm rộ trên toàn quốc.

shutterstock 2205708695
Những người biểu tình tham gia một cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Iran ở Brussels, Bỉ vào ngày 23/9/2022, sau cái chết của Mahsa Amini. (Nguồn: Alexandros Michailidis / Shutterstock)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các vấn đề về sức khỏe tâm thần đang gia tăng trên toàn thế giới với khoảng 1/7 người trên toàn cầu (11% đến 18%) đang mắc một hoặc nhiều chứng rối loạn tâm thần hoặc sử dụng chất gây nghiện. COVID-19 có thể là một trong các nguyên nhân chính khiến tỷ lệ người mắc bệnh lo lắng và trầm cảm trên toàn cầu tăng 25% (trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch).

Tiến sĩ Irene Lai, giám đốc y tế của International SOS, cho biết các quốc gia và các tổ chức y tế cần phải quan tâm đến sức khỏe tâm thần của người dân bởi đây có thể là nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến các hiện tượng tiêu cực khác trong tương lai.