Vào những ngày nóng nực, chúng ta chỉ muốn được ở trong phòng máy lạnh mát rượi. Nhưng vào thời chưa có máy điều hòa thì con người đối phó với cái nóng như thế nào? Dưới đây là các phương pháp truyền thống giữ mát cả trong nhà và ngoài trời mà không cần điện của người xưa.

Nhà đất

Từ các hang động thời nguyên thủy cho đến các lâu đài thời trung cổ, con người đã biết sử dụng đất và đá để xây dựng cho mình nơi trú ẩn an toàn và mát mẻ. Trên thế giới, người ta đã khai quật được rất nhiều kiến trúc trong lòng đất đã tồn tại hàng thiên niên kỷ như: nhà đất của người Anasazi trên vách đá Mesa Verde, Colorado, Hoa Kỳ;  những ngôi làng trên vách đá Bandiagara ở Mali; hay tu viện hang động Vardzia được xây dựng vào thế kỷ 12 ở vùng nông thôn Georgia.

Vardzia 35702172390 1536x1024 1
Vardzia là một quần thể tu viện hang động ở miền nam Georgia, được khai quật tại sườn núi Erusheti ở tả ngạn sông Kura. (Ảnh: Wikimedia Commons)

Tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc tự hào có 46 ‘thổ lâu’ bằng đất đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và được mô tả là “ví dụ nổi bật về nhà ở truyền thống … [trong mối quan hệ] hài hòa với môi trường xung quanh”. Thổ lâu Phúc Kiến có kiến trúc độc đáo với những bức tường đồ sộ được xây dựng từ đất trộn với đá, tre hoặc gỗ…  giúp cho đông ấm, hè mát và chống lại được thiên tai. 

1280px Snail pit tulou
Thổ lâu Phúc Kiến được xây dựng từ đất, đá và gỗ. (Nguồn: Wikimedia)
shutterstock 1362350351
(Nguồn: Songquan Deng/ Shutterstock)

Những ngôi nhà bằng gạch không nung do người Pueblo xây dựng rất phổ biến và phù hợp với khí hậu khô ráo ở vùng Tây Nam nước Mỹ. Gạch không nung được làm từ đất sét, cát, chất hữu cơ và nước rồi phơi nắng cho khô. Dùng loại gạch này để xây nhà giúp cho ngôi nhà bền vững, cách nhiệt tốt và chịu được nước. 

Mud Brick City
Các công trình xây dựng bằng gạch không nung giúp đánh tan cái nóng của mùa hè. (Ảnh: Als M. Trnc/ Wikimedia)
13976811814 ecdd1d96a7 k
Các công trình xây dựng bằng gạch không nung giúp đánh tan cái nóng của mùa hè. (Nguồn: JingKe888 / Flickr CC BY 2.0)

Khả năng giữ nhiệt cao của gạch và đá cho phép chúng hấp thụ và lưu trữ nhiệt của mặt trời vào ban ngày. Nhiệt tích trữ sẽ tỏa ra khi nhiệt độ môi trường giảm xuống. Những bức tường dày hoặc những bức tường kép có lớp cách nhiệt ở giữa là chìa khóa để ngăn cái nóng bên ngoài.

Các vật dụng làm mát của người Trung Quốc cổ đại

Quạt được coi là một phát minh của Trung Quốc. Nhưng không phải chỉ có quạt cầm tay, quạt quay cơ học cũng được phát minh sớm nhất vào thời nhà Hán (206 TCN – 220 SCN). Chúng được vận hành thủ công để tạo ra không khí mát mẻ, chủ yếu cho hoàng tộc. Dần dần phát triển, đến thời nhà Đường (618-907), các hoàng tộc xây  “phòng mát” bên cạnh một con suối, nơi dòng nước chảy liên tục làm quạt tự quay và thổi gió mát; hoặc nước được vận chuyển một cách cơ học lên mái nhà, nơi nó sẽ nhỏ giọt xuống, làm mát không khí đi vào bằng gió.

00221917dec414e7fa550e
Quạt làm mát được phát minh sớm nhất tại Trung Quốc (Ảnh: mạng)

Chiếc gối sứ nghe có vẻ không thoải mái nhưng trên thực tế nó lại đảm bảo một giấc ngủ ngon. Người Trung Quốc cổ đại tin rằng những chiếc gối mềm lại không tốt lắm vì chúng lấy năng lượng của cơ thể và không ngăn chặn được ma quỷ. 

Gối bằng sứ trơn xuất hiện vào triều đại nhà Tùy (581-618). Gối sứ được thiết kế ngày càng đẹp mắt và trở nên phổ biến vào thời nhà Tống (960-1279), rất nhiều mẫu gối đẹp được tìm thấy ngày nay là từ thời kỳ này.

Tang Porcelain Pillow
Gối sứ thời Đường tại Bảo tàng thành phố Tân Hương, tỉnh Hà Nam. (Nguồn: Gary Todd/ Wikimedia)

Thói quen sinh hoạt giúp xua tan cái nóng 

Có nhiều phương thức truyền thống được người xưa áp dụng trong sinh hoạt thường ngày để đối phó với cái nóng như: ngâm ga trải giường vào nước trước khi ngủ, phủ khăn ướt lên cửa sổ giúp ngăn ánh nắng chiếu vào nhà, đội mũ ướt hoặc quấn khăn ẩm quanh cổ để giúp cơ thể mát mẻ hơn.

Siestas, hay giấc ngủ ngắn ban trưa, phổ biến ở các vùng khí hậu ấm áp như Địa Trung Hải và Mỹ Latinh. Cơ thể tiêu tốn rất nhiều năng lượng chỉ để giữ mát, vì vậy nghỉ ngơi trong thời điểm nóng nhất trong ngày sẽ giúp cơ thể bạn được nghỉ ngơi và lấy lại được năng lượng.

Siesta by Frank Duveneck Cincinnati Art Museum 1920x1284 1
“Siesta” vẽ bởi Frank Duveneck, 1886 (Ảnh: Wikimedia)

Ngoài ra, chúng ta nên trồng những cây rụng lá quanh nhà để mang lại bóng mát vào mùa hè mà không cản nắng vào mùa đông. Một số cây có thể phát triển cực kỳ nhanh chóng, vì vậy đừng nghĩ rằng đã quá muộn cho phương pháp cây xanh này.

5846814168 ac12c48ef2 o scaled
Không bao giờ là quá muộn để trồng cây cho bóng mát.  (Ảnh: friggy_30 qua Flickr)

Trang phục

Ở sa mạc, người ta thường mặc trang phục che phủ từ đầu đến chân, không chỉ giúp tránh nắng nóng mà còn có một lợi ích quan trọng khác. Mặc quần áo dài, rộng rãi – tốt nhất là màu trắng – giúp làm chậm sự bay hơi của mồ hôi, do đó giúp cơ thể duy trì cơ chế làm mát. 

Thực phẩm giải nhiệt

Có một số loại thực phẩm có thể bù nước và có tác dụng giải nhiệt tự nhiên rất tốt cho cơ thể trong những ngày nóng.

Theo Trung y, trái cây theo mùa và nhiệt đới như dưa, dâu tây, kiwi, chuối và bơ; các loại rau như rau xanh, dưa chuột, cần tây và bông cải xanh; và protein như cá, đậu phụ, đậu xanh và thịt lợn rất hữu ích để duy trì sự cân bằng và làm mát cơ thể.

Các loại trà giải khát có thể ngon gấp đôi khi được pha với các loại thảo mộc làm mát như thì là hoặc bạc hà. Nước chanh và các đồ uống có múi khác không chỉ giải khát mà còn giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Nước dừa là một cách ngọt ngào để bổ sung chất dinh dưỡng. 

nước chanh, thức uống làm sạch thận
(Ảnh: Pixabay)

Bạn có thể nhận thấy rằng những người đến từ các vùng có khí hậu nóng có xu hướng thích các món ăn cay. Có một lý do hợp lý đằng sau điều này.

Gia vị cay có tính kháng khuẩn và có thể hoạt động như một chất bảo quản. Vì nền ẩm thực của các nền văn hóa khác nhau đã phát triển từ rất lâu trước khi có tủ lạnh, người dân sống ở các vùng nóng hơn đã quen với việc ăn cay để giảm thiểu vi khuẩn và vi rút. 

Hơn nữa, thức ăn cay gây ra mồ hôi – đặc biệt là ở mặt – do đó tạo ra hiệu ứng làm mát tổng thể trên cơ thể. Thực phẩm ướp lạnh lại có tác dụng ngược lại và khiến cơ thể phải hoạt động để phục hồi độ ấm.