Người dân thủ đô Hà Nội đang khổ sở vì hương hoa sữa nồng nặc trên nhiều tuyến phố, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt thường nhật.

hoa sua 1
Hoa sữa. (Ảnh: Blogcaycanh)

Nếu như hình tượng hoa sữa trong thi ca mang lại cảm hứng về một mùa thu Hà Nội dịu dàng trong tiết trời se lạnh và mùi hoa sữa phảng phất vấn vương, thì trên thực tế người dân thủ đô đang khốn khổ kêu than vì mùi hương quá nồng gây choáng váng, nhức đầu.

Mùa hoa sữa năm nay nở muộn tại Hà Nội. Cuối thu, Hà Nội mới chỉ lác đác vài cây hoa sữa nở, thế nhưng đến cuối tháng 11, những hàng cây hoa sữa dày đặc dọc các tuyến phố đồng loạt nở rộ, khiến nhiều hộ gia đình sinh sống cạnh đó kêu trời vì không thể chịu nổi mùi hương nồng nặc.

Hoa sữa hiện được trồng với mật độ lớn tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội. Không chỉ có “phố Quang Trung, đường Nguyễn Du những đêm hoa sữa thơm nồng” (trích bài hát “Nhớ về Hà Nội“) nữa, mà dọc đường Lò Đúc, Quán Thánh, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí thanh, Lê Đức Thọ, Duy Tân, Đào Tấn v.v… cứ cách vài mét lại có một cây. Chỉ riêng đường Nguyễn Chí Thanh dài chỉ khoảng gần 2km mà có tới hàng trăm cây hoa sữa.

Một người dân sống tại tuyến phố này cho biết, nếu trồng xen kẽ vài cây để có thoang thoảng mùi hương thì còn được, chứ cả con phố kín đặc hoa sữa khiến nhiều người có cảm giác như tra tấn, không thể ngủ được dù đã đóng kín các cửa.

hoa sữa
Hoa sữa thường bắt đầu nở từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 và kéo dài cho đến khoảng đầu tháng 12 dương lịch. (Ảnh: Youtube)

Trên thực tế, loài cây ‘lãng mạn’ này có thể gây ra một số tác hại cho sức khỏe. GS Trần Hợp, giảng viên Đại học KHTN, Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết: Ngoài mùi thơm, nếu để đậm đặc sẽ dễ dẫn đến nồng nặc gây cảm giác mệt mỏi, khó thở cho những người phải hít nhiều. Điều đáng lưu ý là hoa và quả của cây có nhiều lông, những lông này có thể gây dị ứng, gây viêm xoang và các bệnh về đường hô hấp.

Bà Nguyễn Thị Thạch, giám đốc Vườn Bách Thảo, Hà Nội cho biết thêm, đến mùa hoa là quả phát tán ra rất nhiều lông làm cho người tiếp xúc bị dị ứng. Những sợi lông nhỏ này bay lởn vởn trong không khí dẫn đến đường hô hấp bị ảnh hưởng, nhất là những người có cơ địa dễ bị dị ứng sẽ bị ngứa, thậm chí là nổi mụn do tiếp xúc với chúng.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên viện trưởng Viện Tai Mũi Họng TƯ cũng cho hay: “Cây hoa sữa gây dị ứng cho người có cơ địa nhạy cảm với phấn và hương hoa. Có không ít trường hợp, nhất là trẻ nhỏ bị dị ứng phấn và mùi hương của hoa gây viêm mũi dị ứng, viêm phế quản. Hoặc với những người đã mắc các bệnh như hen suyễn, viêm xoang thì càng khó khăn hơn. Ngoài ra phấn hoa còn có thể gây dị ứng ngoài da.”

Trên mạng, nhiều người đã bày cách cho nhau làm sao năm sau khiến cây hoa sữa không nở hoa nữa. Đồng thời, họ cũng bày tỏ bức xúc vì quyết định trồng hoa sữa dày đặc của thành phố.

Năm 2015, trước phản ứng của người dân thành phố Quy Nhơn, chính quyền thành phố đã phải di dời và chặt bỏ khoảng 3.000 cây hoa sữa trên tổng số 4.000 cây trồng quanh thành phố, chỉ giữ lại chừng 900 cây.

Tại TP Đà Nẵng, cuối năm 2011, chính quyền cũng đã phải chặt bỏ hơn 1.000 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Văn Linh.

Xuân Lan (t/h)

Xem thêm: