Trong khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bắt đầu bước vào giai đoạn đếm ngược, nữ phi hành gia người Mỹ Kate Rubins hiện đang ở ngoài vũ trụ đã hoàn thành việc bỏ phiếu tại Trạm vũ trụ quốc tế ISS, lá phiếu này của cô được gọi là “phiếu bầu đến từ không gian”.

phi hanh gia bo phieu bau cu
Nữ phi hành gia Kate Rubins đang làm việc trên Trạm vũ trụ quốc tế ISS. (NASA)

3/11 là ngày bỏ phiếu bầu cử tổng thống Mỹ, nhưng theo luật và quy định của các tiểu bang thì cử tri có thể bỏ phiếu trước vài chục ngày để giảm bớt số lượng đông đúc trong ngày bỏ phiếu.

Tính đến ngày 24/10, cả nước Mỹ đã có gần 55 triệu người hoàn thành việc bỏ phiếu trước, trong đó bao gồm phi hành gia Kate vừa mới thực hiện nhiệm vụ bay lần 2 vào quỹ đạo Trái Đất ngày 14/10 vừa qua. Cô sẽ ở Trạm vũ trụ quốc tế ISS khoảng nửa năm, vì thế không thể tham gia bỏ phiếu đúng ngày được.

Cô Kate đã đăng tải bài viết trên tài khoản Twitter của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) vào ngày 22/10 cho biết: “Từ trạm không gian Quốc tế ISS: Hôm nay tôi đã bỏ phiếu rồi.”

Từ bức ảnh trên Twitter có thể thấy phía sau lưng cô Kate có một căn phòng ngăn cách màu trắng, trên đó có viết “Nơi bỏ phiếu tại Trạm không gian Quốc tế”, mái tóc vàng của cô bay lơ lửng trong không trung do ảnh hưởng của trọng lực. Cô là một trong số ít người được “vừa bay lơ lửng trong không gian vừa bỏ phiếu”.

Trước đó, cô Kate nói với hãng tin AP rằng việc đóng góp một phần vào chế độ dân chủ của nước Mỹ là rất quan trọng và cô rất vinh dự khi có thể bỏ phiếu từ ngoài không gian. Cô cũng kêu gọi các cử tri Mỹ khác trên Trái Đất đi bỏ phiếu.

Đây không phải là lần đầu tiên phi hành gia Kate bỏ phiếu từ ngoài không gian. Vào lần bầu cử tổng thống năm 2016, cô cũng đã bỏ phiếu từ Trạm không gian Quốc tế, nhưng cô không phải là phi hành gia người Mỹ đầu tiên bỏ phiếu từ ngoài không gian.

Theo luật của bang Texas, bắt đầu từ năm 1997, các phi hành gia có thể bỏ phiếu từ ngoài không gian và phi hành gia đầu tiên đã thực hiện điều này là ông David Wolf, khi đó ông đã hoàn thành việc bỏ phiếu bầu cử địa phương của Mỹ ở Trạm không gian Mir của Nga.

Vậy làm thế nào để các phi hành gia bỏ phiếu khi ở ngoài không gian? Vì đa phần các phi hành gia sống ở gần Trung tâm Không gian Johnson tại Houston thuộc bang Texas nên bang này đã lập nên một hệ thống bỏ phiếu để các phi hành gia bỏ phiếu khi ở ngoài không gian.

Hệ thống này tương tự như việc bỏ phiếu vắng mặt, tuy nhiên địa chỉ của người bỏ phiếu sẽ được ghi là “quỹ đạo trái đất tầm thấp” (Low Earth orbit). NASA sẽ chuyển phiếu bầu điện tử được phát hành bởi đơn vị bầu cử bang Texas đến Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS để các phi hành gia lựa chọn người mình muốn bỏ phiếu, sau đó lại chuyển ngược trở về cho đơn vị này.

Theo Epoch Times
Minh Ngọc

Xem thêm: