Ngạn ngữ có câu “oán thù nên giải không nên kết” được lưu truyền rộng rãi tự cổ chí kim. Người quân tử lòng dạ phóng khoáng, bao dung, kẻ tiểu nhân mới để bụng tìm thời cơ hãm hại người khác. Bởi lẽ gieo nhân nào lại gặt quả nấy, ôm giữ oán hận không chỉ hại người, mà còn hại chính mình.

rot ruou
(Ảnh: kungfu01/ Shutterstock)

Vào thời Chiến Quốc, có hai sỹ đại phu thường sinh chuyện với nhau, một người là Thúc Cẩm, một người là Quý Hoành. Hai người này vốn nước sông không phạm nước giếng, cũng không có gì thất tiết với nhau. Nhưng một lần nọ hai người vì một chuyện nhỏ mà lời qua tiếng lại. Thúc Cẩm tính tình phóng khoáng, cương trực không a dua, nịnh hót, nên không để tâm tới chuyện nhỏ này. Nhưng Lý Hoành lại khác, ông lòng dạ hẹp hòi, thích dùi sừng bò, nên từ đó về sau khi giao tiếp với Thúc Cẩm đều vô cùng cẩn trọng, luôn luôn đề phòng.

Một lần nọ, Thúc Cẩm giơ kiếm hướng về phía Lý Hoành mà bước tới. Lý Hoành tưởng rằng Thúc Cẩm muốn giết mình, bèn lập tức tuốt kiếm đâm Thúc Cẩm, may thay Thúc Cẩm phản ứng rất nhanh, ngay lập tức tránh khỏi mũi kiếm chết người. Vì vậy mà hai người đánh nhau, đang đến lúc khó giải khó phân thì Vương Hầu đi ngang qua, bèn ngăn họ lại.

Vương Hầu bèn hỏi xem giữa hai người đã xảy ra chuyện gì, sau đó cười ha hả, nói với họ rằng: “Hóa ra chỉ là hiểu lầm. Lý Hoành ông quả thực đa nghi, nhưng Thúc Cẩm cũng có lỗi. Ngay lúc đầu ông nên dĩ hòa vi quý với Lý Hoành. Oán thù nên cởi không nên buộc. Nào, tới chỗ ta uống vài ly, hóa giải can qua chẳng khác gì được ngọc quý.”

Từ đó về sau Thúc Cẩm và Lý Hoành không những không thù hận mà còn kết thành bạn thân.

Tứ đại tài tử Giang Nam Đường Bá Hổ cũng vận dụng thành công câu ngạn ngữ trên vào bài thơ “Thán thế chi nhị” của mình. Toàn bài như sau:

Thán thế chi nhị

“Vạn sự do thiên mạc cưỡng cầu,
Hà tu khổ khổ dụng cơ mưu?
Bão tam xan phạn thường tri túc,
Đắc nhất phàm phong tiện khả thu.
Sinh sự sự sinh hà nhật liễu,
Hại nhân nhân hại kỷ thời hưu.
Oan gia nghi giải bất nghi kết,
Các tự hồi đầu khán hậu đầu.”

Tạm dịch:

“Vạn sự bởi Trời chớ cưỡng cầu,
Hà tất khốn khổ dụng cơ mưu?
Cơm no ba bữa thường tri túc,
Được một làn gió bèn nhận ngay.
Sinh sự sự sinh ngày nào hết,
Hại người người hại mấy thời xong?
Oán thù nên giải không nên kết,
Ai nấy quay đầu ngó đời sau.”

Đôi câu đầu khuyên rằng con người chớ cưỡng cầu. Không cưỡng cầu không phải là tiêu cực, không làm gì, mà như câu thứ hai muốn nói: “Hà tất khốn khổ dụng cơ mưu?” Câu sau bàn về hai chữ “tri túc” (biết đủ), không phải là mỗi người chỉ cần cơm no ba bữa là được, mà cần biết bằng lòng và trân quý những gì đang có. Chỉ khi ấy con người mới có thể khống chế dục vọng, biết khi nào nên dừng lại, không làm những chuyện tổn hại tới đạo lý.

Câu sau khuyên giải con người không nên sinh sự hại người. Hai cặp chữ đối nhau “sinh sự”, “sự sinh”, “hại người”, “người hại” lặp lại trùng điệp khiến câu thơ trở nên có dư vị hơn. Hai câu phản vấn “ngày nào hết”, “mấy thời xong” khiến toàn bộ bài thơ đầy sức thuyết phục và tính triết lý.

Có câu rằng “Oan gia ngõ hẻm gặp nhau”, kẻ thù muốn tránh cũng chẳng đặng. Họ thường sẽ xuất hiện vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, ngăn trở hành trình tiến về phía trước của đối phương. Đây cũng là lúc gặp nhau để nút thắt oán thù được tháo gỡ.

Nhà thơ đã dùng hai chữ “nên” nhằm nhấn mạnh ngữ khí, khiến cho những vần thơ 7 chữ để lại ấn tượng sâu đậm hơn. Câu cuối đã nói ra nguyên nhân “oán thù nên giải không nên kết” chính là thù hận sẽ ảnh hưởng tới phần đời sau này của họ.

Những người có oán với nhau nên hòa giải, không nên tiếp tục kết thâm thù, mà nên nhìn trước ngó sau, nếu không oan oan tương báo, hại người người hại biết bao giờ mới thôi.

Câu “Có thù không trả không đáng mặt anh hùng” vốn chỉ là một lý luận cực đoan của những kẻ lòng dạ hẹp hòi. Bậc anh hùng chân chính luôn lấy đức báo oán, với tấm lòng đầy bao dung, vị tha. Chỉ có lòng nhân ái mới có thể hóa giải oán hận, khi bao dung đặt mình nơi đất thấp mới có thể cảm hóa lòng người. Con người vốn chẳng hoàn thiện, hóa giải oán thù không chỉ là giúp đối phương hồi tâm chuyển ý, giải hung hóa cát, mà người thực sự hạnh phúc lại là chính bản thân mình.

Lê Minh

Xem thêm: