Một người chủ tiệm bánh có bốn người giúp việc, một người chuyên múc nước, một người chuyên nhào bột, một người chuyên nặn bánh và một người chuyên nướng bánh.

Ông chủ tiệm bánh và 4 người giúp việc
(Ảnh: Pixabay)

Người nướng bánh thường bảo với ông chủ: “Anh nặn bánh làm việc rất ẩu, anh ta để vỏ bánh quá mỏng nên khi nướng tôi phải hết sức khéo léo bánh mới không bị vỡ.”

Người nặn bánh lại nói: “Anh nhào bột hay để bột nhão nên rất khó nặn bánh, mà thưa ông chủ, anh nướng bánh rất hay ăn vụng ở mẻ bánh đầu tiên.”

Người nhào bột mách: “Thưa ông, anh nặn bánh thường để tay bẩn khi làm việc, anh nướng bánh rất hay nói xấu ông bà chủ, còn anh múc nước, thì đang có ý đồ với con gái ông bà đấy ạ …”

Anh múc nước thì chẳng nói gì, mỗi khi xong việc anh ta mắc võng nằm đọc sách.

Người chủ tiệm mỗi lần nghe mách như vậy đều bực lắm. Nhìn vẻ mặt của ba người giúp việc khi đến tố cáo, ông thấy hình như họ đều rất trung thực, đáng tin, đáng quý. Ông hứa sẽ chấn chỉnh ngay mọi việc.

Từ đó người chủ bắt đầu để ý, săm soi mọi việc. Tuy nhiên do khối lượng công việc quá nhiều, nên ông ấy không thể theo sát tất cả các công đoạn được, vì vậy ông nghi ngờ tất cả.

Ông nghĩ: “Tên nướng bánh cái mặt tham thế kia thì chắc chắn là hay ăn vụng rồi, mắt gian mà mỏ nhọn thì việc nó nói xấu mình là có chứ không sai. Còn tên nặn bánh, tên này luộm thuộm, việc để tay bẩn là đúng đây. Tên nhào bột … hừ … tên này làm việc bê bết thật, nhưng hắn biết ghét tên nói xấu mình, cũng được. Còn tên múc nước… giúp việc mà suốt ngày giả vờ sách với vở, không phải để lừa con gái mình thì là làm gì… hừm… hỏng… hỏng! Phải quản lý thật chặt bọn họ mới được!!!”

Ông chủ tiệm bánh và 4 người giúp việc
(Ảnh: Pixabay)

Ông bắt đầu đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn với cả 3 người, duy có người nhào bột là được thả lỏng.

Một thời gian sau người chủ thấy những lời tố cáo ngày càng nhiều thêm từ 3 người giúp việc, ông đi kiểm tra mặt này thì họ lại tố cáo nhau về mặt khác. Mỗi khi thấy họ nói chuyện với ai, ông đều có cảm giác họ đang làm gì gian dối hoặc có thể đang nói xấu mình. Chỉ có người múc nước thì vẫn vậy, xong việc lại bình thản mắc võng nằm đọc sách, mà người chủ lại thấy ngứa mắt nhất là người này.

Do suy nghĩ, nghi ngờ quá nhiều nên ông dần cảm thấy mệt mỏi, không buồn ăn, lúc nào cũng cảm giác mọi người đang chống lại mình, đang nói xấu mình, ông uất ức, thấy đau ngực, đau sườn. Cuộc sống của ông lúc này là những chuỗi ngày dài bực dọc.

Một hôm, có một người thầy thuốc đi ngang qua nhà ông, người thầy thuốc dáng điệu trang nghiêm, bước đi rất thong thả lại vững vàng, vẻ mặt thanh thản với đôi mắt hiền hòa. Người thầy thuốc dừng lại, chăm chú nhìn người chủ tiệm bánh rồi hỏi: “Có phải ông đang cảm thấy trong người không được khỏe?”

Ông chủ tiệm bánh ngạc nhiên ấp úng: “Vâng, thời gian này quả thực tôi thấy trong người rất khó chịu, cứ đau ốm luôn… không biết… không biết… ngài có thể…”

“Bệnh này tôi có thể chữa được, nếu ông không ngại thì để tôi khám xem sao” – Người thầy thuốc nói.

Người chủ tiệm bánh vui mừng mời thầy thuốc vào nhà.

Sau khi khám, người thầy thuốc nói: “Có phải ông bị đau và tức ở hai vị trí ngực và sườn không? Bệnh này chữa ngọn không khó, nhưng gốc bệnh là do trong tâm nên chữa ngọn rồi cũng sẽ tái phát lại. Nguyên nhân bệnh là do uất ức lâu ngày mà gây ra, nếu không giải tỏa được thì bệnh không thể lành, lại có thể sinh thêm các bệnh khác.”

Người chủ tiệm hết sức ngạc nhiên trước tài năng của thầy thuốc. Ông bèn kể hết mọi chuyện của mình, kể ra những phiền muộn mà 4 người giúp việc gây ra, sự nghi ngờ, mệt mỏi và uất ức của mình.

Thầy thuốc im lặng lắng nghe rồi nói: “Như vậy nguyên nhân ban đầu là do sự nghi ngờ của ông, nghi ngờ lâu ngày không được giải tỏa bị dồn nén lại nên sinh ra bực dọc, uất ức mà thành bệnh.”

“Vâng, chính là thế, bọn họ làm cho tôi trở nên nghi ngờ và không tin vào họ nữa, họ càng ngày càng tố cáo nhau nhiều hơn, điều đó làm tôi rất khó chịu, mà không biết phải làm sao” – Người chủ tiệm bánh thở dài nói.

Người thầy thuốc bèn chỉ vào lọ đường đặt ở trên bàn, lọ đường đậy nắp sơ sài và có đàn kiến bu quanh miệng lọ và có cả kiến chui hẳn vào trong, quanh lọ còn có vài con ruồi bay vòng quanh thỉnh thoảng lại đậu vào. Ông nói: “Ông có biết vì sao kiến và ruồi bu vào lọ không?”

“Vì chúng thích đường, ngửi được mùi đường nên chúng tìm tới” – Người chủ tiệm bánh trả lời.

“Vậy bây giờ làm cách nào để đuổi ruồi và kiến đi ?” – Người thầy thuốc hỏi tiếp

Người chủ tiệm liền lấy khăn lau thật sạch lọ đường và vặn chặt nắp lại, nhưng chỉ một lát sau lũ ruồi lại bay quanh còn đàn kiến thì tiếp tục bò lên.

“Bây giờ phải làm thế nào? Chúng vẫn còn bu vào” – Người thầy thuốc hỏi.

Sau đó ông đứng lên, cầm lọ đường bước ra sân, đổ hết đường đi, lấy nước rửa và lau sạch lọ đường. Quả nhiên, kiến và ruồi không còn bu vào lọ nữa. Ông bảo người chủ tiệm bánh: “Sự tức giận và nghi ngờ của ông cũng giống như đường ở trong lọ. Ông đã biết do ruồi và kiến thích đường nên bu quanh, vậy những người kia chính vì thích nhìn thấy ông tức giận và nghi ngờ người khác nên mới đến tố cáo. Nếu trong trong lòng ông không còn tồn tại nghi ngờ và tức giận thì sự tố cáo kia cũng như lũ ruồi nhặng, dần bay đi hết thôi. Khi xung quanh không còn đàn kiến nhộn nhạo, lũ ruồi ồn ào, thì ông sẽ được tĩnh tâm, và trong 4 người làm, ai hơn ai kém, sai, đúng thế nào lúc đấy ông sẽ thấy dễ dàng như soi gương vậy.”

Đừng buông thả những thói xấu của bản thân, cũng đừng thõa mãn chúng nếu không bạn sẽ càng ngày càng lún sâu vào mà không cách nào thoát ra được. Hãy để tâm bình lặng mà suy xét thì mới có thể phân biệt được đâu là tốt đâu là xấu, đâu là đúng và đâu là sai.

Minh Nguyệt (Sưu tầm và biên dịch)

Xem thêm: