“Quy luật 7-3” áp dụng cho các mối quan hệ, bao gồm cả quan hệ cha mẹ và con cái. Bởi vì nếu cha mẹ kiểm soát con quá chặt, con có thể tỏ ra hèn nhát hoặc nổi loạn. Còn nếu cha mẹ không đủ kỷ luật hay thả lỏng quá mức, con có thể trở nên buông thả và không nghe lời. 

mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái
“Quy luật 7-3” khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trở nên hài hòa và thân thiết hơn. (Ảnh minh họa: Nattakorn_Maneerat/Shutterstock)

Vì vậy, ngay cả mối quan hệ ruột thịt thân thiết giữa cha mẹ – con cái tốt nhất cũng nên tuân thủ 4 điều trong “Quy luật 7-3”này: 

7 điểm giáo dục và 3 điểm tự do 

Một gia đình êm ấm, được cha mẹ đồng hành và giáo dục là điều có lợi nhất cho sự trưởng thành của trẻ. 

Trong việc giáo dục con cái, cha mẹ đừng cố phát triển trí lực của con cái một cách mù quáng, 7 phần là đủ cho việc học hành của con cái rồi.

Cần để cho trẻ có 3 phần không gian tự do, để trẻ vui chơi, trau dồi khả năng sống tự lập, để trẻ hình thành trí tuệ trong cuộc sống, phát triển trí tưởng tượng trong thiên nhiên và óc sáng tạo trong thực nghiệm.

7 điểm giúp đỡ và 3 điểm tự giác

Khi còn nhỏ, con cái cần tình yêu thương của cha mẹ. Trẻ cần 7 phần nuôi dưỡng, dạy dỗ của cha mẹ trước khi chúng có thể trưởng thành.

Nhưng cha mẹ chỉ có thể nuôi dưỡng con cái của họ, dẫn dắt và dạy dỗ chúng khôn lớn. Con đường phía trước và mức độ thành tựu sẽ phụ thuộc vào 3 phần tự giác của chính đứa trẻ. 

Tự giác là nền tảng cho sự tồn tại của người trưởng thành. Một người trưởng thành có thể không có gì, nhưng họ không thể sống mà thiếu đi tính tự giác.

Khi một người rớt xuống đáy vực, đừng tuyệt vọng, chỉ cần người đó còn tính tự giác này, thì họ còn có thể tự vực dậy, ngẩng cao đầu và nỗ lực vượt lên phía trước, dẫu trong hoàn cảnh khó khăn nào họ cũng có thể tự mình tìm thấy tia hy vọng.

7 điểm gần và 3 điểm xa

Trong mối quan hệ cha mẹ – con cái cần 7 điểm gần gũi và 3 điểm xa cách, như vậy thì cha mẹ và con cái mới có thể tôn trọng lẫn nhau. 

Khi còn nhỏ, có cha mẹ ở bên, con cái sẽ có cảm giác an toàn. Đến thời kỳ thiếu niên, khi có cha mẹ ở bên, con cái sẽ tràn đầy sự tự tin, không lo cơm ăn áo mặc. Đến tuổi thanh niên, khi có cha mẹ ở bên, con cái sẽ vô tư vô lo, bởi vì cha mẹ vẫn là chỗ dựa vững chắc.

Nhưng khi đến tuổi trưởng thành, con đã có thể tự lập và có cách đối nhân xử thế với người khác bằng cách riêng của mình, thì lúc ấy cha mẹ cũng nên học cách lùi lại phía sau, buông hết lo lắng để sống thanh thản những năm tháng tuổi già của mình.

7 điểm gần gũi, 3 điểm khoảng cách, đây mới thực sự là cách sống phù hợp.

Thế nhưng, trong cuộc sống gia đình hiện đại, hầu hết con cái đi làm ăn nơi khác, để cha mẹ ở nhà, cũng không thể quan tâm được cha mẹ nhiều. Mối quan hệ cha mẹ – con cái đã trở thành 7 điểm xa và 3 điểm gần. Do vậy, những đứa con lúc này hãy quan tâm hơn đến cha mẹ. Dù chỉ đơn giản là những cuộc điện thoại thăm hỏi cũng khiến cha mẹ ở quê hương cảm thấy ấm lòng.

7 điểm hài hòa và 3 điểm khác biệt

Trong cuộc sống, cha mẹ hãy cố gắng không nói với con cái bằng giọng điệu ra lệnh. Bởi vì, trẻ em ngày nay có khả năng tư duy và hành vi độc lập tương đối mạnh mẽ. Cho nên, cha mẹ cũng nên lắng nghe một số gợi ý có ý nghĩa từ trẻ vào những thời điểm thích hợp. 

Làm con cái, chúng ta cũng nên ủng hộ và thấu hiểu cha mẹ mình. Bởi vì, đối với con cái mà nói, cha mẹ là chỗ dựa của mình, dù sao con cái cũng chưa thể tách rời cha mẹ về cơm ăn, áo mặc, nhà ở, phương tiện đi lại và học hành. Nhất là khi còn nhỏ thì con cái càng cần tình yêu thương và bảo vệ của cha mẹ. Làm phận con nên biết ơn cha mẹ vì điều đó, càng cần biết yêu thương và tôn trọng cha mẹ. 

Khi xử lý mối quan hệ cha mẹ – con cái, nắm vững những phương pháp đúng đắn hơn và hòa hợp với nhau theo cách “7 điểm hài hòa, 3 điểm khác biệt” này có thể làm cho mối quan hệ cha mẹ – con cái trở nên thân thiết và hài hòa hơn.