Một học giả ở Nhật sinh ra tại Nam Kinh (Trung Quốc), hiện đang là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu chính sách tài chính Tokyo, khi được hỏi sau này liệu có quay về Trung Quốc nữa hay không? Câu trả lời của anh là: “Không biết”. Bởi vì anh có quan điểm riêng về một số hiện tượng xảy ra ở Trung Quốc.

Dưới đây là lời phát biểu của anh trên trang “The Nikkei”:

Dù là quốc gia nào đều nên tôn trọng lý lẽ cơ bản, hay còn gọi là quy tắc: Đừng làm những gì bản thân không thích đối với người khác. Tục ngữ có câu, không có quy củ thì sẽ chẳng thành hình. Tôi không tin sẽ có người phản đối lý lẽ vô cùng đơn giản này.

Mỗi lần về Trung Quốc tôi đều cảm thấy rất mệt mỏi. Ví dụ như xe cộ đầy đường, hầu như mọi người đều tranh giành, không chịu nhường nhịn nhau. Theo lý thì hai làn xe trái phải nếu nhường nhau thì một chiếc bên trái vượt lên trước rồi đến bên phải. Thế nhưng tình trạng mà tôi thấy thì không ai nhường ai, cố hết sức chen lấn, kết quả là gây ra tắc đường nghiêm trọng.

quay về Trung Quốc
Cảnh tượng ùn tắc giao thông ở Trung Quốc. (Ảnh: scmp.com)

Sống ở nước ngoài lâu ngày sẽ luôn có người hỏi tôi: “Sau này liệu có về nước nữa không?”. Câu trả là của tôi luôn là: “Không biết”. Thật sự là không biết. Với hiện trạng ở Trung Quốc, những người sống lâu ở nước ngoài như chúng tôi sẽ hoàn toàn không có khả năng sinh tồn khi về nước, e là chưa đến một năm là đã phải tắc thở rồi.

Vấn đề khám bệnh

Không nói đến cái khác, chỉ cần bàn đến vấn đề khám bệnh thôi, ở nước ngoài bệnh nhẹ thì đi bệnh viện nhỏ, bệnh nặng đi bệnh viện lớn, mà dù bệnh viện lớn hay nhỏ thì chất lượng y tế về cơ bản đều được đảm bảo. Thế nhưng ở Trung Quốc thì ấn tượng của mọi người về bệnh viện nhỏ hầu như đều là những nơi “hắc điếm của Tôn Nhị Nương” (quán trọ giết người của Tôn Nhị Nương trong bộ phim Thủy Hử”, vì vậy dù bệnh nặng hay nhẹ đều phải đi bệnh viện lớn.

Chưa kịp gặp bác sĩ, chỉ mỗi đợi lấy số thôi là bệnh đã nặng thêm nhiều rồi. Vì vậy không phải là không muốn về nước, mà thật sự là không về được. Cho nên có rất nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài nhất định sẽ lựa chọn sống ở nước ngoài, khi khỏe mạnh thì về thăm quê, như vậy khá thực tế.

quay về Trung Quốc
Bệnh nhân chờ khám bệnh ở Trung Quốc. (Ảnh qua weixinyidu.com)

Vấn đề cơ quan hành chính

Ngoài bệnh viện ra thì e là phải tính đến việc đi làm thủ tục đầy gian nan ở các cơ quan hành chính. Bởi vì các quan chức sẽ không chịu làm việc đàng hoàng nếu không có lợi ích gì. Đa phần bạn sẽ gặp phải Diêm Vương, hoặc Sơn Trại Vương chứ không phải là công chức của nhân dân. Tôi thường hay nghĩ rằng chẳng lẽ những người này không bao giờ đi làm thủ tục ở các cơ quan khác hay sao? Khi họ rơi vào tay kẻ khác, họ sẽ làm gì? Đừng làm những điều mình không thích đối với người khác. Nhưng người dân Trung Quốc thì lại chẳng nghĩ nhiều đến thế.

Vì vậy khi đi làm thủ tục, điều đầu tiên mà người ta nghĩ đến đó là có người quen hay không. Ví dụ như bạn muốn đi kiện, tốt nhất là có quen biết với tòa án. Nhưng khi đi kiện ở nước ngoài, dù bạn có quen biết hay không, họ cũng sẽ không dám quen bạn. Điều quan trọng không phải là có quen biết hay không, mà phải tìm được một luật sư giỏi. Mối quan hệ giữa người ủy thác và luật sư là quan hệ thị trường, người ủy thác không được có quan hệ trực tiếp với tòa án.

quay về Trung Quốc
Thủ tục hành chính ở Trung Quốc rất phức tạp và mệt mỏi. (Ảnh qua shanzhahou.com)

Hành vi thiếu văn minh của du khách Trung Quốc

Năm nay liên tục nổ ra những vụ du khách Trung Quốc có hành vi thiếu văn minh. Lấy một ví dụ là có một nghiên cứu sinh nhận bằng tiến sĩ của học viện khoa học xã hội chiếm chỗ của hành khách khác trên tàu cao tốc, dù nhân viên xe lửa có khuyên thế nào cũng không chịu nhường.

Một ví dụ khác là một đôi vợ chồng chiếm chỗ ngồi của tiếp viên trên máy bay khi bay từ Canada về nước, mục đích của họ là muốn nằm xuống ngủ. Khi được nhẹ nhàng khuyên, họ vẫn không chịu nhường, nói dối là mình không khỏe, cuối cùng máy bay bị buộc phải đáp xuống sân bay Mỹ, đôi vợ chồng bị cảnh sát áp giải xuống khỏi máy bay. Có lẽ nhẹ nhất là sẽ bị phạt tiền.

Không lâu trước đây có một du khách Trung Quốc “nổi điên” ở Thụy Điển, người này định bày trò ăn vạ để đạt được mục đích của mình, vô cùng mất mặt. Phải biết là không phải riêng người này mất mặt, mà toàn thể người Trung Quốc đều bị mất mặt. Nếu người Trung Quốc này cũng mở khách sạn, họ sẽ xử sự thế nào với du khách giống như mình? Tôi không tin họ sẽ khoan dung một cách không có nguyên tắc như vậy. Vẫn là câu nói cũ, đừng làm những điều mình không thích đối với người khác.

p2266251a689777308 ss image
Ông Tăng làm náo loạn ở Thụy Điển bị dư luận phê bình. (Ảnh: Internet)

Trên thế giới này chẳng có ai có quyền chiếm quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Đồng thời, mỗi cá nhân cũng có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật. Vì sao xã hội Trung Quốc lại rơi vào tình trạng hỗn loạn mất trật tự như hiện nay chứ?

Đầu tiên, quy tắc hoàn toàn không đủ uy quyền. Quy củ luôn có thể thay đổi theo ý con người, đặc biệt là quy củ luôn phải cúi đầu khuất phục trước quyền lực. Thứ hai, xã hội Trung Quốc có quá nhiều những “kẻ khó đối phó”, ở đây có nghĩa là những người không chịu trách nhiệm với xã hội. Điều thứ ba là sự ảnh hưởng tiêu cực của việc thiếu văn minh tăng theo cấp số nhân, kết quả là khiến cả xã hội không có quy tắc, chỉ biết chiếm lợi ích riêng.

Nếu sự nâng cao tố chất người dân của một dân tộc kém xa sự phát triển về kinh tế thì nhất định sẽ tạo nên những kẻ “cường hào” không biết lý lẽ, mà hiện tượng này là vô cùng đáng sợ.

Minh Ngọc

Xem thêm: