Một sinh viên Học viện Công nghệ Ấn Độ đã dùng kiến thức mà mình học được trong những năm đầu ở trường đại học để cứu mạng một hành khách mắc bệnh tiểu đường trên máy bay.

Sinh viên nhanh trí dùng bút bi cứu mạng hành khách trên máy bay - Ảnh 1.
Karttikeya Mangalam, chàng sinh viên ngành kỹ thuật điện tử ở Học viện Công nghệ Ấn Độ – (Ảnh: IIT Kanpur)

Trên chuyến bay từ Geneva (Thụy Sĩ) về New Delhi (Ấn Độ), sau khi máy bay cất cánh được vài tiếng, chàng sinh viên Karttikeya Mangalam 21 tuổi nghe thấy tiếng tiếp viên hỏi rằng trong số các hành khách đang có mặt trên máy bay, liệu có ai là bác sĩ hay không, đang có một trường hợp y tế khẩn cấp cần cứu chữa.

Theo lời kể của Karttikeya, vài phút sau, có một người đàn ông trung niên vội vàng bước ra lối đi, dường như ông ấy là bác sĩ, và người đàn ông đang cần sự chăm sóc y tế ngồi cách anh hai hàng ghế. Là một người đồng hành trên chuyến bay nên Karttikeya đã đi đến chỗ người bệnh để xem có thể giúp đỡ được gì không. Người đàn ông này khoảng 30 tuổi, bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 từ năm 11 tuổi và luôn mang theo máy bơm Insulin bên mình, nhưng người này đã bỏ quên tại khay kiểm tra an ninh ở sân bay, đã 5 giờ trôi qua kể từ liều Insulin cuối cùng bơm cho anh ấy và chỉ số đường huyết đã tăng lên rất cao.

Vị bác sĩ đã cố gắng trấn tĩnh anh ấy và giải thích cho phi hành đoàn rằng anh ấy cần Insulin khẩn cấp hoặc anh sẽ chết vì suy đa cơ quan hoặc tệ hơn, hay chết trong tình trạng hôn mê. Anh ấy có mang theo một số hộp Insulin ngắn hạn, tác dụng nhanh mà anh thường dùng, nhưng anh cần một thiết bị để tiêm.

Điều trùng hợp là bản thân vị bác sĩ này cũng là một người mắc bệnh tiểu đường và sử dụng một bút tiêm Insulin để tự tiêm cho mình. Tuy nhiên hộp Insulin của bác sĩ dày hơn nên ống tiêm không vừa với hộp Insulin của người bệnh này. Bên cạnh đó hộp Insulin của bác sĩ là loại dài hạn, tác dụng chậm, khác biệt về mặt hóa học so với những gì mà người bệnh này thường sử dụng.

Không thấy còn giải pháp nào khác và trong tình huống khẩn cấp như vậy, nên người bệnh và bác sĩ đã đồng ý sử dụng Insulin của bác sĩ để tiêm. Một tiếp viên hàng không đã hộ tống họ đến một không gian riêng ở phía sau máy bay và mọi người đều nghĩ rằng tình trạng khẩn cấp đã được giải quyết.

Nhưng một giờ sau đó, phi hành đoàn thông báo rằng chuyến bay sẽ hạ cánh tại một số sân bay ở khu vực Afghanistan-Kazakhstan vì một trường hợp cấp cứu y tế. Khi hỏi xung quanh, Karttikeya biết được rằng người bệnh tiểu đường lúc nãy đang trong tình trạng sùi bọt mép trắng. Vị bác sĩ giải thích rằng trong những năm qua bệnh nhân này có thể đã phát triển một sức đề kháng hóa chất đối với Insulin dài hạn, vì vậy người này đang trong tình trạng rất nghiêm trọng, trừ khi anh ấy được tiêm loại Insulin đúng càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, ống tiêm của bác sĩ lại không lắp vừa hộp Insulin của người bệnh. Vị bác sĩ biết một cách để điều chỉnh khoang chứa ống Insulin nhưng khi thực hiện thì kim tiêm lại không nhúc nhích, nên ông đã yêu cầu phi hành đoàn hạ cánh khẩn cấp để cứu người. Tiếp viên hàng không cho biết việc hạ cánh sẽ mất ít nhất một tiếng rưỡi, và máy bay đang bắt đầu giảm dần độ cao.

Chàng sinh viên Karttikeya đã yêu cầu tiếp viên cho dùng WiFi chỉ dành cho hành khách hạng thương gia của máy bay để tải xuống bản thiết kế của ống tiêm Insulin. Sau đó anh nghiên cứu các thành phần của ống tiêm và phát hiện ra là thiếu một lò xo nhỏ ngay sau khoang chứa của ống.

Karttikeya yêu cầu các hành khách trên máy bay cho mượn bút bi, và trong một vài phút, anh đã nhận được 4-5 chiếc bút. Khi thử lắp lò xo của các bút, anh đã tìm thấy một cái hoàn toàn phù hợp với ống tiêm Insulin. Anh nhanh chóng lắp ráp lại và đưa nó cho bác sĩ. Vị bác sĩ đã tiêm Insulin thành công cho người bệnh.

Khoảng 15 phút sau, bác sĩ thông báo rằng lượng đường trong máu của bệnh nhân đã ngừng tăng và đang giảm xuống. Ông đã nói với phi hành đoàn rằng máy bay không cần phải hạ cánh khẩn cấp nữa vì người bệnh sẽ tỉnh lại trong một thời gian. Các tiếp viên hàng không dường như nhẹ nhõm khi nghe điều này.

Karttikeya cho biết, sau khi chuyến bay hạ cánh xuống New Delhi, người bệnh được đưa đến bệnh viện Medanta để kiểm tra và mua một bơm Insulin mới. Anh ấy đã cảm ơn Karttikeya và nói với chàng sinh viên trẻ này rằng hãy đến thăm anh ấy ở Amsterdam, nơi anh ấy sở hữu một nhà hàng cùng một nhà máy bia và Karttikeya sẽ nhận được thức ăn và bia miễn phí bao nhiêu cũng được.

Sau sự kiện này, Karttikeya chia sẻ rằng anh nhận ra tầm quan trọng của các kỹ năng mà chúng ta được dạy trong năm đầu tiên ở đại học. Anh rất biết ơn Học viện Công nghệ Ấn Độ ở Kanpur đã giúp anh có đủ khả năng để xử lý được một tình huống nguy kịch như vậy.

Bạch Vân

Xem thêm: