Stephen Hawking là một cái tên lớn trong giới khoa học. Ông là nhà vật lý lý thuyết và là tác giả của nhiều nghiên cứu khoa học nổi tiếng. Ngoài ra, ông còn là Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm Lý thuyết Vũ trụ tại Đại học Cambridge. Có thể nói ông là một trong những trí tuệ lớn nhất của thời đại chúng ta.

Sinh ngày 8/01/1942, (300 năm sau ngày mất của Galileo – một nhà thiên văn học, vật lý học, toán học và triết học người Ý, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học) tại Oxford, Anh quốc, Stephen Hawking được thế giới biết đến chủ yếu nhờ những đóng góp của ông trong ngành vật lý lý thuyết. Ngay từ khi còn nhỏ, mặc dù rất thích môn toán nhưng ông lại chọn học khoa học tự nhiên khi vào đại học. Nhưng bất hạnh đã giáng xuống ngay trong năm đầu tiên đại học, ông bị chẩn đoán mắc ALS – Bệnh xơ cứng teo cơ một bên. Ông buộc phải nghỉ học, còn bác sĩ dự đoán rằng ông chỉ có sống thêm được chưa đầy 3 năm nữa.

Nhưng rốt cuộc, bằng cách nào đó ông đã sống sót như một kỳ tích! Hiện ông đã 75 tuổi và vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu, giảng dạy và truyền đi những thông điệp tốt đẹp cho thế giới này. Khi bị chẩn đoán mắc ALS, ông đã mất hết niềm tin vào cuộc sống. Đó là lý do tại sao ông luôn trân quý mỗi ngày được sống như một phần thưởng quý giá mà Thượng Đế đã ban tặng!

Embed from Getty Images

Ông Stephen Hawking trong một buổi thuyết trình về Breakthrough Starshot – sáng kiến mới phục vụ cho việc thăm dò vũ trụ.

Stephen Hawking đã không từ bỏ, cũng như không để cho những khó khăn làm ông nản chí và chùn bước. Thay vào đó, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu và học tập chăm chỉ, và cuối cùng đạt được 12 tấm bằng danh dự. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình để tìm kiếm câu trả lời về vụ nổ lớn Big Bang, về vũ trụ và các lý thuyết khoa học khác. Điều xúc động nhất là ông vẫn luôn tìm cách để khích lệ và truyền cảm hứng cho mọi người xung quanh, bất chấp việc ông vẫn phải ngồi xe lăn, không thể nói hay đi lại.

“Hãy ngẩng đầu lên nhìn các vì sao trên bầu trời thay vì cúi đầu xuống nhìn bàn chân của bạn. Đừng bao giờ ngừng làm việc, bởi làm việc khiến cho cuộc sống của bạn có ý nghĩa và có mục đích hơn, và nếu không có nó cuộc sống sẽ trở nên trống rỗng. Nếu bạn may mắn có được tình yêu thì hãy nhớ trân trọng nó”, ông nói.

Embed from Getty Images

 Stephen Hawking trong Hội nghị Thượng đỉnh Web thường niên của các chuyên gia công nghệ trên thế giới.

Gần đây, ông đã có một bài giảng ở Viện Hoàng gia tại London, trong đó ông so sánh hố đen vũ trụ với sự chán nản tuyệt vọng của con người. Cuối cùng, ông kết luận, dù là hố đen vũ trụ hay sự chán nản tuyệt vọng của con người, cũng đều có lối thoát.

Stephen Hawkin chia sẻ: “Qua bài giảng này, tôi muốn gửi đến các bạn một thông điệp là, hố đen vốn không đen như người ta tô vẽ. Nó không vĩnh viễn là một nhà tù như người ta vẫn nghĩ. Người ta có thể thoát ra khỏi hố đen để ra ngoài và có thể là sang một vũ trụ khác. Vậy nên nếu bạn cảm thấy rằng mình đang ở trong một hố đen thì đừng bỏ cuộc; luôn có một lối ra.”

Khi được hỏi về các chứng khuyết tật của mình, ông trả lời: “Nạn nhân có quyền kết liễu cuộc đời mình nếu anh ta muốn. Nhưng tôi nghĩ đó là một sai lầm lớn. Cho dù cuộc sống có tồi tệ đến đâu bạn vẫn luôn có thể làm gì đó và thành công. Chỉ cần còn sống thì vẫn còn hy vọng.

“Nếu bạn bị khuyết tật, đó có thể không phải là lỗi của bạn, nhưng đổ lỗi cho thế giới và kỳ vọng họ thương hại bạn thì cũng không có tác dụng gì. Chúng ta nên giữ một thái độ tích cực và làm tốt nhất trong khả năng của mình. Nếu ai đó bị khiếm khuyết về thể chất thì càng không nên để cho tâm hồn của mình bị khuyết tật theo. Theo tôi, người đó có thể tập trung vào các công việc hay hoạt động nào đó mà nó không chịu ảnh hưởng của những khiếm khuyết trên cơ thể.”

Ông dẫn chứng: “Tôi nghĩ rằng Olympic Games dành cho người khuyết tật sẽ không bao giờ gọi tôi, nhưng dù sao tôi cũng không thích điền kinh. Mặt khác, khoa học là một lĩnh vực rất tốt cho người khuyết tật vì chủ yếu sử dụng đầu óc. Tất nhiên, các công việc thực nghiệm có lẽ là ngoại lệ, nhưng các công việc lý thuyết thì xem ra rất thích hợp.”

Bị khuyết tật chưa bao giờ là lý do cản trở Stephen Hawking ngừng nghiên cứu và làm việc. Trên thực tế, ông lại cho rằng nó có tác dụng lớn trong việc giúp ông tránh không phải làm các việc hành chính mà ông vốn không mấy thích thú. Bạn bè và gia đình là nguồn động viên lớn nhất, giúp ông cảm thấy mình đáng giá!

“Nói chung, tôi thấy rằng mọi người đều sẵn lòng giúp đỡ, nhưng bạn nên cho họ thấy rằng sự giúp đỡ của họ là hữu ích bằng cách gắng sức làm mọi việc tốt nhất có thể”, ông nhấn mạnh.

Theo Seize Positivity
Thành Đô

Xem thêm: