Sự khác biệt trong giáo dục từ bé sẽ giúp hình thành nên tính cách của trẻ về sau này, từ đó mở rộng thành thói quen ứng xử và văn hóa của một quốc gia. Nhật Bản là một quốc gia vô cùng khiêm nhường, họ tôn trọng người khác bất kể thân phận hay địa vị. Khi vừa mới đến nơi đây, tôi luôn mang dáng vẻ ở trên nhìn xuống, rất khó khăn để hòa nhập được với xã hội Nhật Bản. Mười năm sau mới bắt đầu có sự thay đổi.

Một người TQ nói về giáo dục Nhật Bản (P2): Một quốc gia khiêm nhường
(Ảnh minh họa: WildSnap, Shutterstock)

Ngày thứ hai sau khi đến Nhật, tôi ra ngoài đi dạo một mình trên con đường yên tĩnh trong một con ngõ nhỏ. Trước mặt tôi có một người phụ nữ tầm 60 tuổi bước đến, bà ấy thật sự rất thấp bé, có thể là cao chưa đến 1m40, vì vậy hiển nhiên là trông tôi lại càng cao hơn. Tôi ngẩng đầu ưỡn ngực đi về phía bà ấy. Bà hơi khom lưng, nhẹ nhàng mỉm cười, bước đến trước mặt tôi và nói: “Xin chào!” Nói xong, bà cúi đầu chào, tôi vô cùng bất ngờ trước hành động của bà. Tôi cũng vội vàng nói: “Xin chào” và muốn cúi chào giống như bà ấy, nhưng tôi lại không quen với việc này nên cuối cùng chỉ gật nhẹ đầu.

Đây là lần đầu tiên tôi được tôn trọng như thế kể từ khi sinh ra, trước đây chỉ thấy đồng nghiệp gập người cúi đầu trước cấp trên. Khi đến Nhật Bản, thật không ngờ được một người lớn tuổi lại cúi chào tôi. Không phải để tâng bốc, chỉ đơn thuần là chào hỏi mà thôi. Thật lòng tôi cảm thấy rất kỳ lạ: Tại sao bà ấy lại khiêm nhường chào hỏi một người lạ như vậy? Khi về đến nhà, tôi đã hỏi chồng về việc này, anh ấy cười rồi nói với tôi: “Người Nhật đều như thế! Không cần ngạc nhiên vậy đâu”. Ngày thứ ba, tôi đã gặp đồng nghiệp của chồng, người này độ 50 tuổi rồi nhưng cũng cúi đầu chào tôi: “Lần đầu tiên gặp mặt, rất vui được gặp cô.” Còn tôi chỉ ngồi trong xe gật đầu với ông ấy: “Rất vui được gặp anh”.

Con tôi đã lên tiểu học, thầy giáo đến thăm nhà. Thầy cúi chào tôi khi bước vào cửa, tôi cũng đáp lễ cúi chào lại. Tôi ngẩng đầu lên thì thấy thầy vẫn đang cúi chào, tôi đành phải cúi chào một lần nữa rồi ngẩng đầu lên cùng lúc với thầy. Tôi nghĩ thầm: Cúi chào lâu như vậy, lưng thầy ấy có đau không nhỉ? Lúc bước vào nhà, tôi ngồi đối diện với thầy, thầy luôn dùng kính ngữ để nói chuyện với tôi, thầy nói rất nhiều ưu điểm của con tôi, có một vài ưu điểm mà ngay cả tôi cũng không nhận ra. Còn khi tôi nói đến khuyết điểm của con, thì thầy lại an ủi tôi: “Vì là trẻ em nên đều như thế cả”. Tôi kinh ngạc lắm: trong mắt thầy, mọi mặt của con đều hoàn hảo, mọi thứ đều có thể bao dung. Cuối cùng thầy nói: “Năm học này, mong được cô quan tâm ạ”, rồi thầy đứng dậy ra về. Khi ra đến cửa thì quả nhiên lại cúi chào tôi.

Sống ở Nhật đã lâu, tôi nhận ra rằng người Nhật đều khiêm nhường như vậy, người có địa vị thì lại càng khiêm nhường hơn. Tôi thường hay nhìn thấy nhân viên huyện cúi chào mỗi người đi làm ở trạm xe. Ngoài ra, dịch vụ của Nhật Bản đứng đầu toàn thế giới, nụ cười ngọt ngào và cái cúi chào của người phục vụ khiến cho tất cả khách hàng cảm thấy thoải mái hơn.

Trong văn hóa trà đạo, kiếm đạo, judo cũng có phần cúi chào, có khi là quỳ gối chào. Sau khi hiểu được văn hóa Nhật Bản, tôi đã bắt đầu yêu thích sự khiêm nhường của người Nhật, bây giờ tôi cũng đã có thể cúi chào 90 độ. Hơn nữa, tôi chân thành đối xử với mọi người, dù cho đối phương không đáp lại tôi, tôi cũng không cảm thấy khó chịu, bởi vì đây là xuất phát từ sự khiêm nhường và tôn trọng.

Khi thấy Nhật Bản bị động đất, vợ chồng Thiên Hoàng, thủ tướng Nhật đến thăm hỏi người dân vùng bị nạn. Lúc Tứ Xuyên Trung Quốc bị động đất, đội cứu hộ người Nhật mặc niệm trước những người Trung Quốc bị tử nạn. Ngẫm về những điều này, tôi đã cảm nhận được rằng: Đối xử với người khác phải biết tôn trọng, không quan trọng là giàu hay nghèo, có quyền quý hay không.

Tâm Di

Xem thêm:

Mời xem video: