Lấy cảm hứng từ việc “nằm ngửa” (thảng bình) của thanh niên Trung Quốc Đại Lục, John Mac Ghlionn mô tả về việc thanh niên Mỹ ngày nay cũng chọn cách sống này. Ghlionn là một nhà nghiên cứu và là nhà bình luận, có các tác phẩm được đăng trên những trang như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US và nhiều kênh truyền thông khác. Ông cũng cộng tác với The American Conservative.

Nằm ngửa
(Ảnh ghép minh họa: Shutterstock)

Phong trào “nằm ngửa” của thanh niên Trung Quốc

Ghlionn nói rằng từ kinh nghiệm của bản thân, ông cho rằng Trung Quốc không phải là một quốc gia thú vị để sống. Bị giám sát liên tục 24/7, người dân cảm thấy họ là nạn nhân của một hệ thống tín dụng xã hội tồi tệ.

“Dân nằm ngửa” gần đây rất phổ biến tại Đại Lục. Họ làm tự do và các công việc được trả lương theo ngày. Điều này đã hình thành nên một mô hình xã hội mới. Tác giả cuốn “Nằm ngửa là chính nghĩa” nói rằng anh ấy không có việc làm ổn định trong 2 năm qua, và phải duy trì trạng thái “tự do” bằng cách làm những công việc lặt vặt và giảm chi phí sinh hoạt. Điều này đã khơi dậy sự cộng hưởng và đồng tình của nhiều bạn trẻ. Sau đó, họ đưa ra thuyết “Nằm ngửa học” để ám chỉ những người trẻ tuổi không mua nhà, hay xe hơi, không kết hôn, không sinh con, không chi tiêu và chỉ duy trì mức sống tối thiểu.

Theo Tiến sĩ Tạ Điền, giảng sư tại Trường Kinh doanh Aiken, Đại học Nam Carolina, “nằm ngửa” tại Trung Quốc là khi người ta thấy mình vẫn không thể thay đổi cuộc sống sau khi đã chăm chỉ làm việc và vắt kiệt sức. Tâm lực kiệt quệ đến mức họ dứt khoát không nỗ lực nữa, mà chỉ duy trì một cuộc sống với những mong muốn thấp nhất. Trên thực tế, đây là một lời buộc tội về sự phân cực giữa người giàu và người nghèo dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), và là sự châm biếm về việc tuyên truyền thoát nghèo của Đảng này.

Do vậy, phong trào “nằm ngửa” của người Trung Quốc kỳ thực là một sự phản kháng “tích cực” nhằm chống lại ĐCSTQ một cách bất bạo động. Điều này không giống với phong trào này của thanh niên Mỹ.

Phong trào “nằm ngửa” của người trẻ Mỹ

Theo Alison Schrager, một thành viên cấp cao tại Viện Manhattan và là một biên tập viên cộng tác tại City Journal, “nằm ngửa” của thanh niên Mỹ không phải là điềm báo tốt cho nền kinh tế Hoa Kỳ và dĩ nhiên là Schrager đã đúng. Những người thuộc thế hệ Millennial hay còn gọi là gen Y (được sinh ra từ năm 1980 đến 1995) và gen Z (được sinh ra từ sau thế hệ Y đến năm 2010) đang rời khỏi hàng ngũ lực lượng lao động với số lượng kỷ lục. Vì sao? Theo Schrager, đó là bởi vì “trợ cấp thất nghiệp cao và các khoản chi kích thích [tiêu dùng]”. Hơn nữa, bởi vì Mỹ về cơ bản đã đóng cửa 18 tháng qua, nhiều người đột nhiên nhận ra họ có một “khoản tiền lớn trong tài khoản”. Schrager viết, rốt cuộc, họ không có nơi nào để tiêu hết số tiền “từ trên trời rơi xuống” này.

Cũng không hẳn là không có nơi nào để tiêu. Theo một cuộc thăm dò của Yahoo-Harris, các “nhà đầu tư trẻ” đang đặt hy vọng vào các canh bạc vì 11% những người thuộc thế hệ gen Z đã sử dụng các khoản trợ cấp kích thích tiêu dùng của họ để mua tiền điện tử. Đồng thời, 15% thế hệ Millennial, tức là những người trong độ tuổi từ 25 đến 40, đã đầu tư vào tiền điện tử. Đây liệu có phải là sử dụng tiền “miễn phí” một cách khôn ngoan?

Tại Hoa Kỳ, những người chọn “nằm ngửa” nên nhận ra rằng người Mỹ “chưa bao giờ làm việc ít như vậy”, Schrager viết, một tuyên bố được hỗ trợ bởi một nghiên cứu khá thú vị. Kể từ năm 2003, đàn ông Mỹ có thêm trung bình 28 giờ giải trí mỗi tháng, phụ nữ thì có 24 giờ.

Với nhiều thời gian rảnh rỗi như vậy, vì sao thế hệ Millennial và thế hệ gen Z lại chọn “nằm ngửa”? Có phải vì họ lười biếng và vô ơn? Ghlionn nói không hẳn là như vậy. Họ là bị mất phương hướng, nhiều người trong số họ cực kỳ lạc lối.

Là người thuộc ngành tâm lý học, Ghlionn tin rằng vấn đề có nguồn gốc sâu xa hơn nhiều. Tình trạng “nhảy việc” và từ chối làm việc đã vẽ nên một bức tranh đáng lo ngại cho tương lai của nước Mỹ. Tại đây có tồn tại một tình trạng mất kết nối với những văn hóa truyền thống căn bản mà không thể thông qua lập pháp để tiêu trừ được.

Ghlionn nói rằng mặc dù không thích thuật ngữ này, nhưng ông vẫn là một người thuộc thế hệ Millennial. Tiếp nữa, các luận điểm được đưa ra dưới đây không nhằm mục đích mô tả tất cả những người thuộc thế hệ gen Z hay Millennial. Chúng chỉ nhằm vẽ nên một bức tranh toàn cảnh về những khó khăn mà nước Mỹ và người dân phải đối mặt. Việc từ chối đi làm thực sự là một triệu chứng sâu xa hơn của một xã hội suy đồi.

Ghlionn cho rằng quyết định “nằm ngửa” của thanh niên Mỹ liên quan nhiều đến lòng tự luyến và quyền lợi hơn là sự lười biếng. Thế hệ Millennial được cho là cực kỳ tự luyến. Thế hệ gen Z thậm chí còn bị nặng hơn.

Theo nhà tâm lý học Karyl McBride, quyền lợi này được định nghĩa là “những kỳ vọng vô lý rằng bản thân phải được đối xử đặc biệt hoặc [xã hội phải] chủ động phù hợp với kỳ vọng của họ”. McBride viết, trong thế giới của những người tự luyến, họ phải luôn là người đứng đầu. Điều này được gọi là quyền tự luyến.

McBride cảnh báo rằng những người có quyền tự luyến thường thiếu khả năng “cảm thông đối với người khác”. Do đó, họ bị chi phối bởi ham muốn bốc đồng và điên cuồng, hoặc như Freud đã nói, họ mệt mỏi vì cái gọi là thân phận hay địa vị của mình. Khi một người tự luyến nói, những người khác phải lắng nghe, tất cả phải phục tùng. Họ tự cho mình là đặc biệt, thậm chí là xuất chúng, vì vậy họ phải được đối xử như người của hoàng gia.

Những người như vậy cảm thấy cực kỳ khó khăn để thiết lập hoặc duy trì giao tiếp tốt với người khác. Trong “thời đại selfie” này thì [nhu cầu] cá nhân được đặt lên hàng đầu, rồi sau đó mới tới cộng đồng. Theo một nghiên cứu liên quan trên “Scientific American”, trong hơn 30 năm qua, mức độ tự luyến của sinh viên Mỹ tăng hơn 30%. 30 năm tiếp theo, tình hình dự kiến sẽ xấu đi 30% nữa.

Ghlionn nói trong xã hội nguyên tử hóa và con người ngày càng ít coi trọng mối quan hệ một vợ một chồng chung thủy lâu dài, những thanh niên Mỹ có xu hướng cuộn vào trong. Các giá trị truyền thống không còn hấp dẫn họ, thay vào đó là chủ nghĩa hư vô. Xã hội ngày càng trở nên ích kỷ.

Ở Hoa Kỳ, việc duy trì một công việc, nghe thì thấy dễ dàng, nhưng thực hiện lại rất khó khăn. Theo Gallup, 85% người Mỹ không thích công việc của mình. Ghlionn cho rằng là một người Mỹ, phải kiên trì được như sự kiên trì của nhân vật thần thoại Hy Lạp Sisyphus, ít nhất đây là cách mà những người Mỹ các thế hệ trước đã từng như vậy. So với các thế hệ trước đó, các nhân sự trẻ ngày nay dường như ít kiên cường hơn, ít có khả năng thích nghi với hoàn cảnh mới và vượt qua khó khăn để tiến lên. Đối với họ, sự kiên trì quá ngắn ngủi. Ít cam kết hơn với hôn nhân, với cộng đồng, tôn giáo, hàng triệu người Mỹ cũng mất dần cam kết với ý tưởng về việc đi làm. Theo Ghlionn, đây là một xu hướng rất đáng lo ngại mà chưa có biện pháp hữu hiệu nào.

Tuyết Mai (t/h)

Ghi chú:Bệnh tự luyến có tên tiếng anh là Narcissistic Personality Disorder hay còn gọi với tên khoa học khác là rối loạn nhân cách ái kỷ. Đây là một dạng hội chứng rối loạn nhân cách, những người mắc bệnh này thường thổi phồng tầm quan trọng của bản thân đối với những người xung quanh và tự xem mình là cái rốn của vũ trụ.

Xem thêm: