Làm vườn đối với nhiều người là sở thích, nhưng đối với một số người lại là một sứ mệnh. Thông qua việc thúc đẩy việc làm vườn trong cộng đồng và trường học, công việc cô Lorna Wanyama ở Busia, Kenya có một ý nghĩa nhân văn cao cả.

Dưới đây là chia sẻ của cô Lorna Wanyama qua kênh Facebook Human who grows food:

Bố mẹ tôi là nông dân nên việc làm vườn là kế sinh nhai của gia đình tôi. Sau khi học xong, tôi tham gia một tổ chức nông nghiệp. Hiện tại, tôi là một nhân viên khuyến nông cộng đồng với nhiều kinh nghiệm.

Sứ mệnh của chúng tôi là thúc đẩy trồng trọt để đảm bảo an ninh lương thực, tạo thu nhập và cải thiện dinh dưỡng. Cộng đồng của tôi có tình trạng suy dinh dưỡng – thiếu máu, nhẹ cân, thấp còi và tỉ lệ tử vong ở trẻ em cao nên chúng tôi tập trung vào trẻ em dưới 5 tuổi, bà mẹ trong độ tuổi sinh sản và người già.

Tôi làm việc vì lợi ích tốt nhất cho cộng đồng, và sự chăm chỉ của người dân đã tạo động lực cho tôi tiếp tục bất chấp những thách thức về lượng mưa ít và hạn hán kéo dài. Tôi đã hoàn thành chương trình đào tạo TOT-training về về suy dinh dưỡng vi chất dinh dưỡng và thấp còi nên tôi cung cấp các khóa đào tạo làm vườn cũng như hướng dẫn cách chuẩn bị và sử dụng thực phẩm cho các trường học và cộng đồng. 

Chúng tôi đa dạng hóa cây trồng và trồng các loại cây chịu hạn tốt như lúa miến (cao lương), kê chân vịt, đậu đũa, đậu xanh, lạc, khoai lang, sắn, v.v… Chúng tôi sử dụng các kỹ thuật giữ nước hiệu quả như trồng trong bao tải, thùng chứa, chậu, trồng kiểu vườn dọc, vườn lỗ khóa, vườn giữ ẩm…

Tôi kiên trì đào tạo cộng đồng về an ninh lương thực, nỗ lực chống lại nạn đói và suy dinh dưỡng bằng việc trồng khoai lang nghệ và các loại rau ăn lá của Châu Phi. Điều này có tác động lan tỏa đến từng hộ gia đình. Bất chấp hạn hán và điều kiện khí hậu khắc nghiệt, hiện tại chúng tôi đã đã thu hoạch được bằng cách tưới nước cho cây.

Trong quá trình làm việc, tôi đã gặp những em gái phải nghỉ học trong kỳ kinh nguyệt vì không có có tiền mua băng vệ sinh, vì vậy tôi đã tham gia một khóa học và trở thành đại sứ vì sức khỏe phụ nữ cho tổ chức quốc tế Days for girls. Tôi đào tạo trẻ em gái ở độ tuổi đến trường và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản về giữ gìn vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt. Và nếu may mắn gặp được nhà hảo tâm, tôi sẽ cung cấp cho phụ nữ và trẻ em ở đây băng vệ sinh, quần lót và xà phòng.

Tôi cũng thúc đẩy việc dùng các loại bếp tiết kiệm năng lượng gọi là bếp hỏa tiễn và hệ thống chiếu sáng sạch bằng đèn năng lượng mặt trời nhằm giảm các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà. 

Mục tiêu của tôi là thấy cộng đồng của mình được đảm bảo về lương thực và dinh dưỡng với tỷ lệ thấp còi và suy dinh dưỡng thấp. Tôi cũng muốn thấy các cô gái có thể tiếp cận với các đồ dùng vệ sinh để họ trải qua những ngày kinh nguyệt mà không phải xấu hổ và bị kỳ thị, từ đó tập trung tốt hơn vào việc học để đạt được ước mơ của mình.

Ngọc Chi/ Theo Human Who Grows Food

  • Mời xem video: Thực vật có cảm xúc hay trí nhớ không?