Người Trung Quốc có thông minh hay không?

Chắc hẳn rằng nhiều người đều sẽ nói là có. Người Trung Quốc quả thật là rất thông minh, chẳng qua là có nhiều lúc “quá khôn lỏi” nên sẽ khiến người khác chịu thiệt. Có lẽ cũng có người nói rằng người khác chịu thiệt thì mặc kệ họ chứ, miễn mình được lợi là được. Nhưng người Trung Quốc xưa còn có một câu rằng: “Thông minh ngược lại bị thông minh hại.”

Người Mỹ ngốc hay người Trung Quốc quá “khôn”?

Ngày 22/5, một tờ báo tiếng Trung ở nước ngoài có đăng tải một bài viết: “Bạn nói xem người Mỹ có phải là bị ngốc hay không!”

Một người bạn đã lâu không gặp vừa mới quay về từ Mỹ, trong lúc trò chuyện phiếm khó tránh sẽ nhắc đến những gì anh ấy từng mắt thấy tai nghe khi ở Mỹ.

Ở Mỹ có rất nhiều siêu thị phát hành thẻ thành viên có thời hạn, hơn nữa còn có rất nhiều nơi quy định lần đầu tiên mở thẻ sẽ được miễn phí, nhưng khi hết hạn mà muốn tiếp tục thì phải nộp một khoản phí duy trì.

Hầu như tất cả người Mỹ đều sẽ tiếp tục duy trì thẻ mà không hề do dự nhưng anh bạn này thì lại phát hiện ra một cách khôn lỏi khác, anh ấy yêu cầu hủy chiếc thẻ trước đó, rồi làm lại thẻ mới.

Nhân viên siêu thị không biết phải nói gì trước yêu cầu “thông minh” này của anh bạn nọ. Họ hoàn toàn không hiểu nổi anh này, cứ như nhìn thấy người ngoài hành tinh vậy, nhưng cũng không biết phải làm sao. Cuối cùng, người nhân viên bất đắc dĩ đành phải tự mình bỏ tiền túi ra để gia hạn thẻ cho anh ấy.

Anh bạn tôi kể xong câu chuyện này, tay vừa vỗ đùi vừa cười bồi thêm một câu: “Các cậu nói xem có phải là người Mỹ rất ngốc hay không!”

khôn lỏi
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Nhân viên người Mỹ gốc Hoa “khôn lỏi” cuối cùng bị cho thôi việc

Tại một công ty nọ có một công dân Mỹ tên là ABC, nhân viên người Mỹ gốc Hoa này làm việc rất xuất sắc, được đánh giá cao trong công ty. Thường thì nhân viên gốc Hoa luôn rất siêng năng, dễ có chỗ đứng, có rất nhiều nhân viên gốc Hoa rất ưu tú.

Còn người này thì khá đặc biệt, bởi vì mỗi ngày đi làm trông anh ta dường như đều rất thoải mái, trò chuyện, uống cà phê đều là công việc thường ngày của anh ta, hơn nữa còn chưa từng thấy anh này tăng ca bao giờ, nhưng công việc thì tháng nào cũng đứng đầu. Việc mà người khác phải mất cả ngày mới xong thì anh này chỉ làm trong vài giờ đồng hồ, chẳng lẽ đây là thiên tài trong truyền thuyết hay sao?

Cuối cùng có một ngày, “sự khôn lỏi” của anh chàng này đã bị vạch trần, công ty tăng cường kiểm tra an ninh thì phát hiện mỗi tối đều có một tài khoản bí ẩn từ Trung Quốc đăng nhập từ xa vào mạng công ty, ban đầu công ty nghĩ là bị hack, kết quả phát hiện ra tài khoản bí ẩn này mỗi lần đăng nhập đều dùng tên tài khoản và mật mã của anh nhân viên gốc Hoa ưu tú này.

Sau khi tra hỏi thì mới biết được thì ra người này giao tất cả công việc của anh ta cho một công ty phần mềm ở Trung Quốc, anh này chỉ nhận 1/5 mức lương từ công việc, mỗi ngày không cần phải làm gì cả.

Sau khi sự việc bị bại lộ, anh này đã bị sa thải.

Lo lang 4
(Ảnh minh họa/Storyblock)

Kế “khôn lỏi” của người Trung Quốc ở châu Úc

Những trường hợp khôn lỏi của người Trung Quốc không hề hiếm, có một người bạn từng đi du lịch châu Âu cũng kể rằng: cảnh sát châu Âu thường có ý thức phục vụ người dân rất mạnh. Lâu dần, một số du khách Trung Quốc nghĩ ra một mánh khóe: chỉ cần bạn cầm bản đồ, hỏi đường cảnh sát, sau đó tròn mắt nhìn cảnh sát, tỏ ra như thể nghe không hiểu tiếng Anh và có vẻ đang rất ngỡ ngàng, không biết gì cả. Cảnh sát sẽ chở bạn đến tận nơi bằng xe cảnh sát.

Du khách được lần đầu “nếm trải” lợi ích từ sự khôn lỏi này cảm thấy rất tự hào, lại còn viết thành kinh nghiệm chia sẻ với mọi người.

Và rồi các du khách khác cũng lần lượt noi theo…

Không ít người Trung Quốc cho rằng những lời trong bài viết “Học thuyết đen-dày” là chân lý

Tại Trung Quốc có một “nhân vật tinh anh” tên là Lý Tông Ngộ, người này có viết một bài viết có tiêu đề là “Học thuyết đen-dày” nhằm chia sẻ kinh nghiệm thành công của mình được tổng kết trong hai điều: da mặt phải dày và tâm hồn phải đen tối. Cảnh giới cao nhất là: da mặt dày đến mức không có da mặt, tâm hồn đen tối đến mức không có màu sắc. Vậy mà khi vừa được đăng tải lại có không ít người xem học thuyết này là chân lý.

Và thế là có những ngôn từ vốn dĩ mang nghĩa tốt, nhưng trong suy nghĩ của rất nhiều người Trung Quốc thì lại mang hàm nghĩa khác. Ví dụ như, “biết thân biết phận” vốn có nghĩa khen ngợi. Nhưng hiện nay nếu nói biết thân biết phận, e là người nghe sẽ trở mặt với bạn đấy. Bởi vì hiện nay khi nghe nói “biết thân biết phận”, người ta sẽ liên hệ đến nghĩa “ngu xuẩn, đần độn, vô dụng”.

Lấy một ví dụ, vốn dĩ bạn đang xếp hàng đợi lên tàu điện ngầm để đi làm, nhưng luôn có những “kẻ khôn lỏi” lấn lên phía trước ngay khi cửa mở. Còn những người nghiêm túc xếp hàng như bạn thì mất chỗ, không kịp lên xe, bị trễ giờ rồi bị sếp mắng, trừ tiền lương.

Lâu dần, bạn cũng dần “khôn” lên. Thế là trên tàu điện ngầm vào giờ cao điểm luôn có những tiếng la hét, tiếng chửi mắng, thậm chí còn có động tay động chân… Nghĩ kỹ lại thì nếu mọi người đều nghiêm túc xếp hàng, vậy thì cảnh tượng gây khó chịu sẽ không xảy ra mỗi ngày nữa. Đây chẳng phải là hậu quả do “khôn lỏi” gây ra hay sao?

Theo SecretChina
Minh Ngọc

Xem thêm: