Vào năm 1990, cửa sổ của một chiếc máy bay thuộc hãng Hàng không Anh Quốc bất ngờ bị rơi ra khi đang bay trên bầu trời dẫn đến tình trạng vô cùng nguy hiểm. May mắn thay máy bay đã hạ cánh khẩn cấp thành công dù trong tình trạng cơ trưởng bị treo bên ngoài cửa sổ. 87 người trên chuyến bay được cứu sống.

Tai nạn máy bay lịch sử: Cơ trưởng bị treo bên ngoài cửa sổ ở độ cao 5.300m
Trong ảnh là chiếc máy bay BAC 111-510ED One-Eleven. (Wikipedia)

Sự việc có thật xảy ra vào ngày 10/6/1990

7 giờ 20 phút sáng ngày 10/6/1990, chuyến bay 5390 của hãng hàng không British Airways cất cánh từ Birmingham của Anh bay đến Málaga của Tây Ban Nha. Cơ trưởng là ông Tim Lancaster (42 tuổi) dày dạn kinh nghiệm với 11.050 giờ bay; cơ phó là anh Alastair Atchison (39 tuổi) có kinh nghiệm bay 7.500 giờ.

Chuyến bay có số hiệu G-BJRT trên máy bay BAC 1-11528FL chở theo 81 hành khách, 4 tiếp viên hàng không cùng 2 phi công, tổng cộng có 87 người.

Buồng lái gặp sự cố trên không

Quá trình máy bay cất cánh do cơ phó thực hiện, khi đạt độ cao chỉ định thì máy bay đi vào cơ chế tự động, hai phi công tháo đai an toàn trên vai, cơ trưởng Lancaster thậm chí còn buông lỏng luôn cả đai an toàn trên hông.

Vào lúc 7 giờ 33 phút, khi máy bay đạt độ cao 5.300 m và đã bay trên bầu trời thành phố Didcot thuộc hạt Oxford, các tiếp viên hàng không chuẩn bị phục vụ bữa sáng. Lúc này, buồng lái máy bay đột nhiên phát ra âm thanh rất lớn, cửa buồng lái bị bật mở, một luồng gió thổi vào khoang hành khách, tiếp viên hàng không có tên là Nigel Odgen thấy thế nên đã xông vào buồng lái, nhìn thấy nửa thân trên của cơ trưởng Landcaster bị một luồng khí lớn hút ra khỏi máy bay, may là phần chân móc vào trên bảng điều khiển, nhờ vậy mới giữ được cả người ông khỏi bị hút ra ngoài.

Trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, anh Nigel đã chạy đến nắm chặt lấy dây lưng của ông Lancaster, cơ phó Alastair thì hoàn toàn tập trung điều khiển máy bay.

Tai nạn máy bay lịch sử: Cơ trưởng bị treo bên ngoài cửa sổ ở độ cao 5.300m, Tim Lancaster
(Ảnh: home.bt.com)

Thế nhưng không may là khi ông Lancaster bị hút ra khỏi buồng lái, chân ông đã vô tình đụng phải nút trên bảng điều khiển và tắt hệ thống lái tự động khiến máy bay bắt đầu rơi.

Càng không may hơn đó là các thứ linh tinh bị hút từ khoang hàng khách vào buồng lái đập vào bảng điều khiển và vô tuyến của máy bay, đè vào cần điều khiển trên chỗ ngồi của cơ trưởng, dẫn đến máy bay tăng tốc.

Điều tồi tệ hơn là bản hướng dẫn đáp máy bay bị gió thổi bay đi mất.

Phía sau cảnh tượng hỗn loạn trong buồng lái là tiếng kêu gào của hành khách. Tiếp viên hàng không Susan Price và những người khác chỉ dẫn hành khách giữ an toàn và giúp họ bình tĩnh lại.

Lúc này, bởi vì buồng lái bị mất kính chắn gió, dù cho máy bay đã giảm độ cao nhưng nhiệt độ trong máy bay vẫn giảm xuống còn -17 độ C, cơ trưởng Lancaster bị treo bên ngoài đã mất đi ý thức.

Sự lựa chọn khó khăn

Đối với tổ bay thì cơ phó Alastair là một người mới, anh tập trung điều khiển máy bay, điều chỉnh cho máy bay về độ cao 3.350 m, không khí ở độ cao này có nhiều oxi, có thể đảm bảo an toàn tính mạng cho cả phi hành đoàn, đồng thời ở độ cao này cũng không có máy bay khác, có thể giữ an toàn cho chuyến bay.

Anh Alastair nhanh chóng khởi động chế độ tự lái, giảm tốc độ máy bay xuống còn 300 km/h, đồng thời báo cáo tình trạng khẩn cấp với bộ phận mặt đất.

Thế nhưng tiếng gió vù vù khiến anh Alastair không thể nghe thấy rõ những gì mà phòng điều khiển nói, anh lo lắng chờ đợi không lưu đồng ý lệnh hạ cánh khẩn cấp của anh.

Lúc này, tiếp viên hàng không Nigel vẫn đang kéo ông Lancaster lại, do phải chịu sức gió nên anh nhanh chóng bị đông cứng, cơ thể cũng bị xây xát, nhưng anh hy vọng có thể bảo vệ được tính mạng của cơ trưởng nên đã không ngừng nhắc nhở bản thân phải kiên trì.

Cơ phó Alastair nhờ một tiếp viên hàng không khác thay thế Nigel để anh được nghỉ ngơi.

Vào lúc này, cơ thể của ông Lancaster lại bị trượt ra ngoài một chút, đồng thời do gió to nên phần đầu và vai của ông không ngừng bị đập vào thân máy bay, vì thế 2 mắt của ông Lancaster mở trừng trừng khiến mọi người trong buồng lái nghĩ rằng ông đã chết rồi.

Dù vậy, anh Alastair vẫn lệnh cho tiếp viên hàng không không được buông tay, bởi vì nếu buông ông Lancaster ra thì cơ thể của ông sẽ bị cuốn vào động cơ, dẫn đến việc động cơ dừng giữa không trung, từ đó gây tai nạn hỏng máy bay chết người.

Sau khi hạ cánh an toàn, may mắn lại tìm về

Cuối cùng anh Alastair đã nghe thấy chỉ thị của không lưu và có thể hạ cánh xuống sân bay Southampton (Anh).

Điều khiến mọi người trên chuyến bay thở phào là khi anh Alastair không có bản hướng dẫn hạ cánh, nhưng dựa theo kinh nghiệm bay và những gì anh nhớ về cách hạ cánh của loại máy bay này, anh đã đáp máy bay thành công trên đường băng vào lúc 7 giờ 55 phút sáng, tức phút thứ 22 sau khi cửa kính chắn gió bị vỡ, tất cả hành khách trên chuyến bay đều an toàn.

Trong tổ bay có cơ trưởng Lancaster và tiếp viên hàng không Nigel đươc đưa đến bệnh viện, Nhân viên cấp cứu nói với tổ bay rằng ông Lancaster vẫn còn sống khiến những người còn lại trong tổ bay không kìm được nước mắt. May mà anh Alastair ra lệnh cho anh Nigel và một tiếp viên hàng không khác không được buông tay, họ rất vui mừng khi đồng nghiệp của mình vẫn may mắn sống sót.

Theo chẩn đoán ban đầu, ông Lancaster bị phỏng lạnh, xây xát và gãy xương nhiều chỗ, còn anh Nigel bị phỏng lạnh ở mặt và mắt trái, mu bàn tay và trật cánh tay, v.v…

May mắn là cả 2 người đều đã khỏe lại sau khi được điều trị. Sau này khi trở về vị trí cơ trưởng, ông Lancaster làm việc đến 55 tuổi thì về hưu, sau đó tiếp tục làm việc cho Hãng hàng không giá rẻ EasyJet.

Embed from Getty Images

Cơ trưởng Lancaster may mắn sống sót sau vụ tai nạn hy hữu.

Nguyên nhân sự cố

Sau khi máy bay hạ cánh khẩn cấp thành công, hãng hàng không British Airline ngay lập tức cho điều tra và phát hiện ra thủ phạm là do đinh vít.

Chiếc máy bay BAC 1–11 528FL được thay kính chắn gió 27 giờ trước khi bay, người quản lý bảo trì xác nhận rằng trong số 90 chiếc vít cố định kính chắn gió thì có 84 chiếc có đường kính nhỏ hơn 0,66 mm so với khuôn mẫu thiết kế, còn độ dài của 6 chiếc thì ngắn hơn 2,5 mm so với khuôn mẫu. 84 chiếc vít hơi thiếu chuẩn này là thủ phạm dẫn đến việc kính chắn gió bị rơi ra khi ở trên không.

Sự cố lần này khiến các nhân viên thiết kế máy bay nhận ra sai sót trong thiết kế chính là nếu kính chắn gió được lắp bên trong máy bay thì sẽ chắc chắn hơn khi được lắp bên ngoài như trước đây, bởi vì áp lực không khí trên trời bên ngoài cao hơn bên trong. Nếu kính chắn gió được lắp bên trong thì đa phần áp lực không khí sẽ do khung cửa kính bên ngoài chịu thay cho những chiếc ốc vít nhỏ bé.

Tuy nhiên, điều đáng giá nhất cần nhắc sau tai nạn này chính là nhờ sự bình tĩnh và kỹ năng lái xuất sắc cùng sự gan dạ của mình mà cơ phó Alastair Atchison đã được nhận giải thưởng Queen’s Commendation for Valuable Service và giải thưởng cao nhất của ngành hàng không dân dụng Vương quốc Anh – Giải Bắc Cực Tinh.

Ngọc Trúc

Xem thêm: