Thời kỳ mạng xã hội phát triển cũng là lúc chúng ta phải tiếp cận với nhiều nguồn tin sai lệch. Không khó để bạn tìm ra hàng loạt chế độ ăn kiêng được quảng cáo là “hiệu quả tuyệt vời” nhưng chúng có thực sự phù hợp với cơ thể và lối sống của bạn không thì lại là câu chuyện khác.

1. Chế độ ăn kiêng không thích ứng được với cơ thể đang thay đổi của bạn

Có rất nhiều trường hợp mọi người giảm được một số cân nặng rồi sau đó vẫn giữ nguyên chế độ ăn kiêng nhưng lại không giảm tiếp được nữa. Đó là bởi cơ thể bạn lúc đó yêu cầu lượng calo khác so với lúc bắt đầu.

Chuyên gia dinh dưỡng Fatimah Fakhoury trả lời tờ Insider: “Nếu bạn thừa cân một cách tự nhiên (không phải do bệnh tật), bạn có thể giảm từ 20 đến 30 pound (9 đến 14kg) trong vài tháng bằng cách nạp vào lượng calo hợp lý. Nhưng hiệu quả sẽ không kéo dài mãi mãi”.

Thông thường, một số người phải ăn ít calo hơn nữa nếu tiếp tục muốn giảm cân. Nhưng cũng có người giữ nguyên chế độ ăn uống và tăng cường tập thể dục vẫn giảm được cân như mong muốn.

ăn kiêng
(Ảnh: Shutterstock)

2. Chế độ ăn không đủ calo

Ăn quá ít (ví dụ: 1.000 calo mỗi ngày) cũng làm bạn khó giảm cân. Chuyên gia Fatimah Fakhoury giải thích rằng khi bạn ăn không đủ thì cơ thể sẽ bị đói, do đó phát sinh nhu cầu dự trữ năng lượng để duy trì sự sống, và bạn cũng không giảm thêm được cân nào.

Kiêng khem quá mức cũng sẽ khiến bạn không đủ sức để thực hiện các hoạt động thể chất, chưa kể còn khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và không vui.

ăn kiêng
(Ảnh: Shutterstock)

3. Dồn nhiều calo vào một bữa ăn

Tập trung nạp một lượng lớn calo vào một bữa ăn thay vì chia bữa đều cho cả ngày sẽ làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể bạn, cản trở việc giảm cân. Đặc biệt nếu nhịn đói cả ngày để chỉ ăn bữa tối, bạn sẽ có xu hướng ăn các món đồ chế biến nhiều dầu mỡ.

an kieng 2
(Ảnh: Shutterstock)

Nghiên cứu cho thấy nếu đang trong quá trình ăn kiêng mà bạn muốn ăn một bữa đầy đủ hơn so với các bữa khác trong ngày, bạn nên chọn bữa sáng.

4. Ngủ không đủ giấc

Một nghiên cứu cho thấy, so với người ngủ 8 tiếng vào ban đêm thì người ngủ 4 tiếng sẽ ăn nhiều hơn 559 calo vào ngày hôm sau. Một nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng nếu bạn ngủ ít đi 3 tiếng mỗi đêm trong 10 ngày sẽ làm lượng chất béo giảm đi ít hơn.

Điều này một phần là do việc thiếu ngủ sẽ kích hoạt các hormone gây đói bụng và việc thức lâu hơn khiến bạn có thời gian để ăn nhiều hơn.

Có khoảng 60-65% lượng calo bị đốt cháy trong khi bạn ngủ, 35-40% lượng calo còn lại bị đốt cháy khi bạn tỉnh táo. Do đó, nếu ngủ ít, cơ thể bạn có thể đốt cháy ít calo hơn so với những người ngủ đủ giấc. Lượng calo bị đốt cháy ít có thể là nguyên nhân khiến bạn tăng cân.

ngu ngon
(Ảnh: Shutterstock)

5. Tình trạng cơ thể không tốt

Chuyên gia Fakhoury đã gặp rất nhiều trường hợp người ta ăn uống đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, ngủ ngon, nhưng cân nặng vẫn cao ở mức báo động. Theo cô, đó là do trong cơ thể chúng ta đang có sẵn bệnh mà không biết. 

Theo CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh), tiền tiểu đường có ảnh hưởng đến cân nặng của hơn 1/3 người Mỹ. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến tuyến giáp, thay đổi nội tiết tố (như tiền mãn kinh) cũng gây ảnh hưởng đến quá trình giảm cân của bạn.

tỳ vị kém
(Ảnh: Shutterstock)

6. Tính toán sai mức calo cần thiết

Các chế độ ăn uống được hướng dẫn bởi chuyên gia và các công cụ giúp bạn đo lượng calo trong thực phẩm chỉ mang tính tương đối. 

Bạn có thể không giảm cân được bởi “hai cốc yến mạch” hướng dẫn trên mạng khác với cốc yến mạch trong bếp của bạn. Nếu thấy chế độ ăn không mang lại hiệu quả, bạn nên tự điều chỉnh lại khẩu phần ăn.

an uong
(Ảnh: Shutterstock)

7. Chế độ ăn uống không cân bằng

Muốn giảm cân, bạn phải quan tâm đến cả hai phía: ăn bao nhiêu và ăn những gì. Chế độ ăn uống cân bằng với nhiều thực phẩm nguyên chất sẽ giúp bạn giảm cân và duy trì sức khỏe sau này.

Protein là thành phần đặc biệt quan trọng trong các chế độ ăn kiêng bền vững. Theo Healthline, 25% đến 30% lượng calo từ protein có thể tăng cường trao đổi chất từ 80 đến 100 calo mỗi ngày. Protein cũng ảnh hưởng đến các hormone điều chỉnh sự thèm ăn của bạn, giúp bạn bớt cảm giác thèm ăn, hạn chế các bữa ăn vặt.

An uong
(Ảnh: Shutterstock)

Một sai lầm khác khi ăn kiêng là bạn hoàn toàn bỏ qua chất béo. Nghe có vẻ vô lý nhưng không ăn chất béo sẽ làm bạn tăng cân. Loại bỏ chất béo khỏi thức ăn sẽ khiến chúng ta thèm ăn hơn, kết quả dẫn đến tình trạng ăn quá nhiều. Hơn nữa, loại bỏ chất béo từ các sản phẩm sữa sẽ làm giảm khả năng hấp thụ canxi, vitamin A, D của bạn. Ví dụ: Quả bơ là loại thực vật rất giàu chất béo. Bơ chứa axit oleic giúp làm giảm lượng cholesterol, ổn định mức độ glucose trong máu và tăng cường hệ miễn dịch. Thêm bơ vào chế độ ăn sẽ là nguồn bổ sung chất béo an toàn cho bạn.

8. Không tuân theo chế độ ăn kiêng một cách nhất quán 

Nếu trong tuần bạn nỗ lực kiêng khem được 4 ngày rồi 3 ngày sau lại ăn uống “thả ga” thì bạn không những không giảm cân mà còn có thể tăng cân. 

Các chế độ ăn kiêng giúp bạn đột ngột giảm rất nhiều cân lúc ban đầu có thể làm bạn tăng cân lại về sau. Cách tốt nhất để giảm cân và duy trì mức cân nặng như ý là bạn phải lên một kế hoạch lâu dài, bền vững. Tập thói quen ăn uống lành mạnh (bỏ đồ ăn nhanh, không uống nước có ga, tự ý thức ăn nhiều hoa quả, rau xanh…) mỗi ngày sẽ giúp bạn giảm cân an toàn, hiệu quả hơn.

Người bệnh tiểu đường nên ăn uống như thế nào là tốt nhất?
(Ảnh: Shutterstock)

9. Chế độ ăn kiêng khiến tinh thần mệt mỏi

Trong việc ăn uống, chúng ta không chỉ cần quan tâm đến thực phẩm mà còn phải chú ý đến tinh thần của mình. Đây là cách giúp bạn ổn định cân nặng ở mức hợp lý, đồng thời xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các loại thực phẩm. 

Bí quyết là bạn hãy ăn trong tình trạng không bị phân tâm, thưởng thức từng món ăn, tự điều chỉnh cảm giác no đói tự nhiên của mình. 

Đôi khi các siêu mẫu thế giới vẫn ăn bánh hamburger sau những ngày ăn kiêng, tập luyện miên liên. Tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh là rất quan trọng, nhưng nếu bạn không chú ý chăm lo cho cảm xúc của mình thì trong tương lai cơ thể sẽ gặp phải rất nhiều tác động xấu.

Met moi lo do vi an khong du
(Ảnh: Shutterstock)

10. Thực ra cơ thể bạn vẫn luôn khỏe mạnh

Ăn kiêng để có được một hình thể phù hợp với “tiêu chuẩn” của xã hội dễ làm chúng ta bị kiệt sức. Cơ thể mỗi người có ưu nhược điểm riêng, tùy vào thể trạng, bạn nên có chiều cao, cân nặng phù hợp với riêng mình. 

Có thể chế độ ăn của bạn không hề có vấn đề nhưng bạn lại đang tự tạo áp lực cho mình rằng bạn cần phải ăn kiêng. Cách bạn sinh hoạt hằng ngày như thói quen tập thể dục, thói quen ăn uống, tạo dựng mối quan hệ với mọi người, cách bồi dưỡng sức khỏe tinh thần… quan trọng hơn những con số trên bàn cân.

Giam can
(Ảnh: Shutterstock)

Chuyên gia dinh dưỡng Christy Harrison chia sẻ rằng thực phẩm là một phần trong cuộc sống của chúng ta, giúp chúng ta khỏe mạnh hơn. Nhưng sẽ thật sai lầm nếu bạn dành toàn bộ thời gian của mình để lo lắng về chúng. Điều này làm bạn không còn tâm trí để suy nghĩ về những việc quan trọng khác trong cuộc sống.

Theo Insider
Minh Minh

Xem thêm: