Có lẽ bạn nhìn thấy một số điều chưa phù hợp, và bạn muốn thay đổi được những người xung quanh. Nhưng tại sao bạn không thể thay đổi họ? Đọc xong bạn sẽ hiểu.

thay đổi những người xung quanh
Trong khi vội vã, người ta thường rơi vào trạng thái tập trung hoàn toàn vào bản thân, họ bỏ qua những thông tin không liên quan, trong đó bao gồm cả những người xung quanh đang cần giúp đỡ. (Ảnh: Rawpixel.com/ Shutterstock)

Ông Robert Cialdini là giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Arizona, cũng là một nhà tâm lý học nổi tiếng. Có một câu chuyện đặc biệt đã xảy ra vào một ngày nọ, khi ông đang đi tàu điện ngầm đến ga Quảng trường Thời đại ở New York. Lúc đó là giờ cao điểm, hành khách tấp nập đi dọc theo các bậc thềm như thường lệ.

Đột nhiên, ông nhìn thấy một người đàn ông mặc quần áo rách rưới nằm bất tỉnh giữa bậc thềm, mắt nhắm nghiền. Nhưng để bắt kịp chuyến tàu điện ngầm trở về nhà, các hành khách vội vã lướt qua, thậm chí có người còn bước qua người anh như không nhìn thấy.

Trước cảnh tượng này, ông Robert Cialdini rất bất ngờ. Vì vậy, ông dừng lại để xem chuyện gì đang xảy ra với người đàn ông này. Ngay khi ông dừng lại và quan sát, thì một điều gì đó hấp dẫn đã xảy ra, một số hành khách cũng bắt đầu dừng lại theo ông.

Chẳng bao lâu, người đàn ông rách rưới được bao quanh bởi những người quan tâm đến mình, sự đồng cảm của mọi người đồng loạt lan ra. Có người mua đồ ăn, có người mua nước cho anh, thậm chí có người còn thông báo cho nhân viên tuần tra tàu điện ngầm và gọi xe cấp cứu. Sau vài phút, người đàn ông tỉnh dậy, anh vừa ăn thức ăn mà mọi người mua vừa chờ đợi xe cấp cứu đến.

Sau khi tìm hiểu mọi người mới biết rằng người đàn ông này chỉ nói được tiếng Tây Ban Nha. Vì không có tiền, anh ấy đã trải qua nhiều ngày lang thang trên đường phố Manhattan mà không có thức ăn, vì thế mà đã bất tỉnh trên bậc thang của ga tàu điện ngầm vì quá đói.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao lúc ban đầu mọi người lại nhắm mắt làm ngơ và thờ ơ với người đàn ông này?

Ông Robert Cialdini cho rằng một trong những lý do quan trọng nhất là: Trong dòng người đến và đi vội vã, người ta thường rơi vào trạng thái tập trung hoàn toàn vào bản thân, họ bỏ qua những thông tin không liên quan, trong đó bao gồm cả những người xung quanh đang cần giúp đỡ.

Trong xã hội học, hiện tượng này được gọi là “thôi miên thành thị”, giống như đi trên đường phố ồn ào mà mắt như không thấy, tai như không nghe.

Câu hỏi thứ hai là tại sao thái độ của mọi người đối với người đàn ông này sau đó lại thay đổi nhiều như vậy?

Theo ông, lý do quan trọng là một khi ai đó bắt đầu chú ý đến người đàn ông đã gục ngã trên bậc thang, tình huống sẽ thay đổi.

Vì khi nhìn thấy những hành động tử tế của người khác, nó sẽ tác động đến tâm lý của chính mình, từ đó nảy sinh mong muốn thực hiện những hành động tử tế.  Các nhà tâm lý học gọi sự thay đổi này là “thăng hoa”.

Lúc đó, ông dừng lại chỉ để xem người đàn ông này đang gặp rắc rối gì. Nhưng mọi người xung quanh bỗng tỉnh dậy khỏi cơn “thôi miên thành thị” bởi hành động của ông. Vì vậy, họ cũng nghĩ rằng người đàn ông cần sự giúp đỡ từ người khác. Khi mọi người nhận thấy cảnh ngộ của anh, họ bắt đầu giúp đỡ anh bằng những hành động thiết thực.

Nghiên cứu của các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, việc giúp đỡ người bệnh, người nghèo hay người gặp nạn là việc làm dễ gây “thăng hoa” nhất cho con người. Mặc dù những hành động tử tế hữu ích này không nhất thiết phải là những điều quá lớn lao.

Từ câu chuyện trên của nhà tâm lý học Robert khiến người ta nhớ đến câu chuyện của một vị giám mục người Anh:

Khi còn trẻ, ông ấy mang một trái tim đầy nhiệt huyết và hoài bão, ông mơ ước có thể thay đổi thế giới.

Nhưng khi lớn lên và cùng với những trải nghiệm, ông nhận ra rằng mình bất lực trong việc thay đổi thế giới. Vì vậy, ông suy nghĩ và quyết định rằng sẽ thay đổi đất nước của mình trước. Nhưng trên thực tế, mục tiêu này vẫn còn quá lớn.

Sau đó, khi bước vào tuổi trung niên với nhiều biến cố và tuyệt vọng, ông đã thu nhỏ ước mơ của mình lại, ông sẽ chỉ cố gắng thay đổi những người thân yêu nhất trong gia đình.

Nhưng mọi thứ đã không diễn ra, và tất cả vẫn như cũ. Khi già đi, cuối cùng ông cũng đã hiểu ra một quy luật:

“Trước tiên, tôi nên thay đổi bản thân mình, lấy bản thân làm khuôn mẫu cho những người thân trong nhà.”

 “Nếu tôi có thể là một tấm gương cho gia đình trước, có lẽ bước tiếp theo tôi sẽ cải thiện đất nước, và sau này, tôi thậm chí có thể thay đổi cả thế giới,” vị giám mục nói.

Khi bạn thay đổi bản thân trước tiên, một số người xung quanh bạn sẽ có thể thay đổi. Nếu một số người thay đổi, nhiều người khác cũng có thể thay đổi. Nếu nhiều người khác cũng thay đổi, thì nhiều người hơn nữa cũng có thể thay đổi. 

Vậy thì nếu muốn thay đổi thế giới, trước tiên chúng ta hãy tự thay đổi bản thân mình.