Nhịp điệu êm dịu của mưa khiến nội tâm con người trở nên ôn hòa. Dần dần, toàn bộ cơ thể và tâm trí sẽ ở trong trạng thái thư giãn, cuối cùng là chìm vào giấc ngủ một cách nhẹ nhàng. Vậy tại sao khi trời mưa chúng ta lại có tâm trạng tuyệt vời và một giấc ngủ ngon đến vậy? Bật mí với bạn 6 lý do mà bạn có thể không ngờ tới.

ngày mưa
(Ảnh: Anna Nikonorova/ Shutterstock)

1. Tiếng mưa rơi là một loại tiếng ồn trắng

Tiếng ồn trắng là một loại âm thanh tương đối đồng nhất, chẳng hạn như âm thanh phát ra từ tiếng mưa, tiếng chim hót líu lo, tiếng máy điều hòa mà chúng ta thường nghe. Chúng đều được coi là tiếng ồn trắng.

Vậy tại sao trời mưa ngủ lại thấy rất thoải mái? Đó là bởi vì tiếng mưa sẽ lọc bỏ tất cả những tạp âm xung quanh, cho nên sẽ mang đến cho bạn một loại cảm giác yên bình, dễ chịu, khiến con người được trở về với sự tĩnh lặng. Lúc này nội tâm trở nên ôn hòa, tâm trạng vui vẻ và tinh thần đặc biệt tốt nên chất lượng giấc ngủ sẽ được cải thiện. 

Trong cuộc sống hiện đại, chất lượng giấc ngủ của một số người không thật sự tốt, đặc biệt là khi bị bệnh mất ngủ kéo dài. Nhưng khi trời mưa, họ sẽ thấy rằng chứng mất ngủ đã biến mất, và đã ngủ rất ngon. Trên thực tế, ở nhiều quốc gia trên thế giới, người ta đã quen với phương pháp sử dụng tiếng ồn trắng để điều chỉnh chứng mất ngủ và các vấn đề về cảm xúc, v.v.

2. Tăng hàm lượng ion âm

Khi trời mưa, độ ẩm của không khí và hàm lượng ion âm trong không khí cũng tăng lên. Điều này là do sét có thể tạo ra một số lượng lớn các ion âm, kết hợp với sự ma sát giữa mưa và không khí cũng sẽ đồng loạt tạo ra các ion âm này.

Sự gia tăng của các ion âm sẽ cải thiện đáng kể các chức năng của hệ thần kinh, hệ tim mạch, hệ máu và hệ hô hấp của cơ thể. Từ đó giúp con người dễ chịu hơn. Đồng thời, ion âm còn có tác dụng an thần, thôi miên và dễ đi vào giấc ngủ.

3. Hàm lượng oxy trong không khí giảm

Tất cả chúng ta đều biết rằng trong môi trường thiếu oxy, khả năng phản ứng của con người sẽ bị giảm sút. Điều này là do oxy có thể kích thích não bộ và khiến chúng ta cảm thấy sảng khoái.

Khi trời mưa, độ ẩm trong không khí cao, hàm lượng phân tử nước tăng, trong khi áp suất không khí lại giảm nên hàm lượng oxi cũng sẽ giảm xuống theo. Lúc này não sẽ không nhận được nhiều oxy, điều đó khiến cơ thể uể oải và cảm thấy mơ màng buồn ngủ. Nếu bạn nằm xuống và nghỉ ngơi một lúc vào thời điểm này, bạn có thể giảm tiêu thụ oxy và dễ dàng chìm ngay vào giấc ngủ.

4. Tăng tiết melatonin

Những ngày mưa luôn đi kèm với những ngày nhiều mây và ánh sáng u ám hơn nhiều so với những ngày nắng. Trong môi trường tối, tuyến tùng trong não người sẽ tiết ra một loại hormone “ngủ” là melatonin. Melatonin này có thể giúp chúng ta đi vào giấc ngủ và cải thiện chất lượng giấc ngủ một cách tuyệt vời. Ngoài ra trời mưa còn khiến người ta dễ buồn ngủ và sau khi chìm vào giấc ngủ thì sẽ ngủ ngon hơn bình thường.

5. Giảm serotonin

Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ làm tăng mức độ chất dẫn truyền thần kinh hưng phấn 5-hydroxytryptamine (serotonin), tức là làm tăng tiết serotonin trong cơ thể. Đặc biệt chất dẫn truyền thần kinh này có liên quan đến hạnh phúc. Khi trời mưa, nồng độ serotonin trong cơ thể con người sẽ giảm xuống, điều này đưa đến một tình trạng chính là tâm trạng sẽ bị ảnh hưởng và dẫn đến cảm giác uể oải, buồn ngủ.

6. Lý do tâm lý

shutterstock 377568859
(Ảnh: Irina Kozorog/ Shutterstock)

Vào những ngày mưa, đường trơn trượt, đi lại bất tiện. Nếu không cần thiết, đa số mọi người sẽ chọn ở trong nhà, và ngắm mưa qua ô cửa sổ. Sự khác biệt lớn giữa môi trường tự nhiên và môi trường làm việc sẽ hình thành cảm giác tách biệt, khiến chúng ta vô thức được chìm vào trạng thái thư giãn và được tận hưởng giây phút bình yên tĩnh lặng.

Bên cạnh đó, khi trời mưa, các hoạt động trong nhà bị giới hạn, điều này cũng tạo ra một loại cảm tính không muốn làm những việc khác. Một số người chỉ đơn giản là dành cả ngày để xem TV trên giường. Trong trường hợp này, nó cũng dễ dàng khiến bạn cảm thấy buồn ngủ hơn.

Tiểu Thiên, Vision Times

  • Mời xem video: SOS: “Dâm thư” nguy hiểm đang núp bóng sách dành cho trẻ em