Thật ra, những điều khiến bạn thoải mái thường luôn tiềm ẩn rủi ro. Còn những điều làm bạn đau khổ lại khiến bạn phải suy nghĩ và buộc bạn phải trưởng thành. Những điều chúng ta thường cho là xui xẻo, thì trên thực tế, nó có thể là khởi đầu cho những điều tốt đẹp sau đó. Bốn “niềm đau” dưới đây đáng để chúng ta chiêm nghiệm điều này.

niềm đau
Đôi khi những niềm đau lại là khởi đầu cho những điều tốt đẹp sau đó. (Ảnh: leungchopan/ shutterstock)

1. Bắt buộc phải bỏ cuộc giữa chừng 

Từ nhỏ, cha mẹ và thầy cô đã căn dặn chúng ta khi làm việc gì thì cũng phải có thuỷ có chung, không được bỏ cuộc giữa chừng. Vì vậy, mặc dù đôi khi cảm thấy bản thân không phù hợp với điều gì đó hoặc cảm thấy đã kiệt sức, nhưng bạn vẫn không dám từ bỏ.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Wrosch và Miller đã viết trên Tạp chí Tâm lý học (Psychological Review) rằng: “Khi mọi người thấy mình ở trong những tình huống mà mục tiêu của họ rất có khả năng là không đạt được thì việc từ bỏ có thể là quyết định thích hợp nhất. Bằng cách từ bỏ một mục tiêu không thể đạt được, người ấy có thể tránh được những thất bại lặp đi lặp lại và những ảnh hưởng của nó đến tinh thần và thể chất của bạn.”

Nhận ra phương hướng sai và ngăn chặn tổn thất kịp thời là một sự tiến bộ. Biết khi nào nên buông tay và làm thế nào để buông bỏ cũng là một loại trí tuệ trong cuộc sống. 

Vì vậy, khi chúng ta đối mặt với cái đích không thể đến được bằng sự kiên trì, khi nhận thấy con đường mình đang đi bị lệch hướng thì việc bỏ cuộc giữa chừng và dừng lại đúng lúc là lựa chọn sáng suốt nhất. 

2. Niềm tin tan vỡ

Khi chúng ta trải qua những điều tồi tệ nhất trong cuộc đời, bị phản bội bởi người mình tin tưởng nhất, bị tổn thương bởi người thân yêu nhất, bị bán đứng bởi người bạn thân nhất, chứng kiến sự tàn nhẫn của xã hội, nhìn thấy những người vì lợi ích mà không từ bất cứ thủ đoạn nào… Khi đó, lòng tin của chúng ta sẽ ngay lập tức bị sụp đổ.

Một thứ đã từng rất quen thuộc, như thể nó là một phần của bản thân mình, bỗng nhiên bị tách lìa thì sẽ đau đớn tột cùng. 

Tuy nhiên, một nghiên cứu tâm lý đã phát hiện ra rằng mặc dù đây sẽ là một trải nghiệm đau đớn khiến bạn không thể nào quên, nhưng sau khi niềm tin tan vỡ dẫn đến sự sụp đổ, thì sự tái thiết sau đó sẽ mang lại cho bạn những lợi ích bất ngờ. Những trải nghiệm mới sẽ khiến suy nghĩ của bạn được liên lục đổi mới và cập nhật, cho phép bạn phát triển tốt hơn trí óc và tiềm năng của mình để thích ứng với xã hội, phát triển con người mới và từ đó cuộc sống của bạn sẽ trở nên tốt đẹp hơn. 

Ngoài ra, quá trình tái tạo nhận thức cũng nâng cao khả năng phục hồi tâm lý của chúng ta. Đi kèm theo đó là khả năng chống lại những thất bại và năng lực nhìn nhận vấn đề từ một khía cạnh khác. Khi đối mặt với khó khăn một lần nữa, chúng ta sẽ có khả năng điều tiết cảm xúc tốt hơn để thích ứng với tình huống hiện tại. 

Quan trọng hơn, bạn sẽ thấy mình ngày càng mạnh mẽ hơn trước, và bạn không còn sợ hãi nếu phải một mình đối mặt với nó lần nữa.

3. Cãi vã kịch liệt

Dù là cãi nhau giữa bạn bè hay cãi nhau giữa vợ chồng, chỉ cần là cãi nhau, chúng ta đều nghĩ đó là điều xấu. 

Tuy nhiên, các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng những cuộc cãi vã không hẳn là điều xấu. Lấy tranh cãi giữa vợ và chồng làm ví dụ. Mặc dù cuộc cãi vã dường như phá hủy mối quan hệ giữa hai người. Nhưng trong suốt cuộc cãi vã, nếu cả hai có thể chân thành bày tỏ sự không hài lòng của mình và sẵn sàng đối thoại, thì đó không chỉ là vì mục đích tranh luận. Mà ngược lại, điều đó sẽ có chỗ tốt cho mối quan hệ giữa hai người. 

Mục đích của cuộc cãi vã giữa vợ và chồng hoặc giữa người yêu với nhau, bao gồm: Tìm hiểu điểm giới hạn của đối phương, bày tỏ sự không hài lòng của họ, bày tỏ sự mong đợi của họ, v.v. Thực tế, đây là một hình thức rất quan trọng để dung hòa một mối quan hệ thân mật. 

Điều tốt không phải là các cặp vợ chồng sẽ không cãi nhau, mà quan trọng là họ sẽ tự nhìn lại bản thân sau cuộc cãi vã, nhìn ra những vấn đề khi chung sống với nhau và từ đó chủ động sửa chữa. 

Một cuộc cãi vã có lợi cho mối quan hệ là có thể bày tỏ sự thất vọng và không hài lòng của bản thân trong từng trường hợp, bày tỏ quan điểm của bản thân và đưa ra yêu cầu của mình. 

Cãi nhau không phải là để trút hận thù, không phải để thêu dệt những chuyện “ăn không nói có”, cũng không phải để đào bới chuyện cũ một cách mù quáng và quát tháo để áp đảo đối phương.

Cãi nhau cũng là để giãi bày, đôi khi sau khi xảy ra cãi nhau, chúng ta mới nhìn ra được nhu cầu nội tâm của đối phương. Như vậy tình cảm vợ chồng mới bền chặt, không còn hiềm khích trong lòng.

Tất nhiên mục tiêu cuối cùng vẫn là giảm thiểu cãi vã và thay vào đó là sự quan tâm, thấu hiểu giữa hai người.

4. Đắm mình trong đau buồn mà không thể thoát ra được

niềm đau
Rồi bạn sẽ thấy mình ngày càng mạnh mẽ hơn trước, và bạn không còn sợ hãi nếu phải một mình đối mặt với nó lần nữa. (Ảnh: Mike_shots/ Shutterstock)

Khi bị thất tình, khi mất người thân yêu nhất, khi bị phản bội, khi thất bại trong sự nghiệp…, chúng ta thường thấy vô cùng đau đớn. 

Nhưng một nghiên cứu với 97 sinh viên đại học, cho thấy 30% trong số họ có cảm xúc tích cực sau khi hoàn thành “nhật ký khóc” trong 40 đến 73 ngày và khóc càng mãnh liệt thì càng có nhiều cảm xúc tích cực. Điều này có thể là do khóc lớn có thể giải tỏa những cảm xúc chất chứa trong lòng tốt hơn.

Nỗi buồn cũng nâng cao năng lực chú ý và trí nhớ của chúng ta đối với các chi tiết trong môi trường sống của bản thân. Một nghiên cứu cho thấy những người tham gia có cảm xúc tiêu cực thì có thể ghi nhớ các chi tiết ban đầu chính xác hơn và bỏ qua những thông tin sai lệch. Trong khi những người tích cực về mặt cảm xúc mắc nhiều sai lầm hơn. 

Điều này là do khi con người ta vui vẻ thì rất dễ tự mãn và chỉ đắm chìm trong niềm vui. Điều này sẽ dễ dẫn đến việc người đó không chú ý và không tập trung vào những điều đang xảy ra xung quanh mình. Do đó sẽ đưa đến một số thông tin sai lệch hoặc tạo ra sự nhầm lẫn trong tâm trí.

Vì vậy, bất kỳ việc gì cũng có mặt lợi và mặt hại, có vui thì sẽ có buồn, có mất thì sẽ có được, chúng ta cần học cách nhìn một người, một việc một cách khách quan và lý trí.