Nhà bình luận kinh tế và tài chính của Trung Quốc, ông Lưu Qua có đăng một bài viết trên mạng có tựa đề là “Tan ca lúc 3 giờ chiều, vì sao năng suất của công nhân Mỹ lại cao hơn Trung Quốc?” thu hút sự chú ý của nhiều cư dân mạng.

Tác giả viết rằng, không lâu trước đây ông có quay lại thành phố Springfield ở tiểu bang Massachusetts, Mỹ và đã đến tham quan nhà máy lắp ráp tàu điện ngầm Boston.

Hơn 3 giờ chiều ngày hôm đó, ông nhìn thấy vùng đất mà một năm trước hoàn toàn trống đã được xây dựng một nhà máy vô cùng khang trang. Khi đi vào bên trong, các thiết bị máy móc đã được bố trí, nhưng cả nhà máy rộng lớn lại chẳng có ai cả. Hỏi ra mới biết thì ra là các công nhân đều đã tan ca rồi.

Điều này khiến ông cảm thấy hơi “mất hứng”. Tuy trước đây ông từng được biết nếu muốn đến nơi làm việc của người Mỹ thì hãy đến sớm một chút. Thế nhưng ông chưa từng nghĩ đến việc 3 giờ chiều mà công nhân đều đã tan ca cả rồi.

Tác giả cho biết trong chuyến du lịch ở Mỹ của mình, ông thường xuyên có cảm giác rằng ở đó có rất nhiều người rảnh rỗi. Dù trong công viên vào buổi chiều ngày đi làm nhưng khắp nơi đều có từng nhóm người phơi nắng, chạy bộ, “Những người này thật sự không cần đi làm ư?”

Ban đầu ông không hiểu những người Mỹ này làm thế nào vừa kiếm nhiều tiền vừa tan sở vào lúc 3 giờ chiều. Thế nhưng sau khi trò chuyện cùng người quản lý công trường, ông mới hiểu được hóa ra là mình đang suy nghĩ dựa theo tư duy quán tính của bản thân.

“Tắm nắng” được đổi bằng làm việc với năng suất cao

Trong bài viết, tác giả có nói sở dĩ công nhân Mỹ tan ca vào lúc 3 giờ chiều là bởi vì 7 giờ sáng họ đã đi làm rồi, “sáng 7 chiều 3”, một ngày 8 giờ đồng hồ, không hơn không kém một phút nào. Các công nhân thông qua hợp tác tập thể, cuối cùng phải đàm phán thương lượng với phía chủ quản mới giành được thời gian làm việc như thế này, điều này có nghĩa là đa phần công nhân đều phải thức dậy vào lúc hơn 5 giờ sáng.

Vì sao họ lại vất vả lựa chọn thời gian làm việc như vậy?

Lợi ích của việc đi làm sớm là để sau khi tan sở họ có thể dùng thời gian nửa ngày để phơi nắng, đón con, dắt thú cưng đi dạo, uống bia, tóm lại là các hoạt động vui chơi giải trí đều có cả.

Theo người quản lý công trường, tuy tiền lương theo giờ của công nhân trong công hội cao đến mức khiến phía chủ quản đau đầu, nhưng họ nhanh chóng ý thức được rằng mức lương cao như vậy là xứng đáng. Những công nhân này ai nấy đều là những người có tay nghề, làm việc dứt khoát tuyệt đối không lười biếng, sự liên kết giữa các khâu hoàn toàn không cần phải lo lắng, bữa trưa họ chỉ dùng thời gian rất ít, thậm chí có người còn không hề ăn trưa, uống một ly cà phê là làm việc tiếp.

Chuyến tham quan này đã giải đáp được câu hỏi tồn tại nhiều năm trong lòng tác giả: nếu các công hội ở Mỹ “ham ăn lười biếng” theo lời miêu tả của một nhóm “các nhà kinh tế học chính thống” thì vì sao một quốc gia coi trọng cạnh tranh tự do như Mỹ lại tồn tại được lâu dài như thế?

Trên thực tế, sự sàng lọc và ràng buộc của một số công hội đối với công nhân của họ khiến họ có năng suất làm việc cao hơn những công nhân không có công hội, do đó khiến cho các công nhân đề ra những điều kiện làm việc nghe có vẻ rất mạnh mẽ, nhưng đối với các chủ sử dụng lao động thì hoàn toàn không hề khó chấp nhận được. Lại thêm các công nhân của công hội dùng sự chuyên nghiệp và năng suất cao của mình để đổi lấy nhiều thời gian rỗi rãi hơn.

Sau này tác giả đã hỏi một số người và phát hiện ra rằng có rất nhiều người Mỹ hoặc chủ động hoặc bị động lựa chọn thời gian làm việc “sáng 7 chiều 3”, thậm chí còn có người sớm hơn. Một số thành phố ở Mỹ, vào lúc hơn 5 giờ sáng trên đường cao tốc đã có xe qua lại, thậm chí bắt đầu xảy ra kẹt xe.

“Tắm nắng” buổi trưa có vẻ rất nhàn rỗi, nhưng được đổi bằng việc thức dậy sớm cộng với làm việc với năng suất cao suốt cả ngày.

Mọi vấn đề về năng suất làm việc đều do “thời gian biểu”

Tác giả cho rằng, trong xí nghiệp Trung Quốc, có rất nhiều ông chủ và công nhân đều có thời gian làm việc rất dài, buổi tối và cuối tuần tăng ca từ lâu cũng đã trở thành việc thường tình. Có vẻ như công việc chiếm quá nhiều thời gian, thế nhưng nếu nghiên cứu kỹ thì hiệu suất thấp là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thời gian làm việc không ngừng kéo dài ra.

Theo tác giả quan sát thấy, có một số ông chủ vô cùng ‘thoáng’ trong việc quản lý thời gian, có những người quản lý xí nghiệp chưa từng xuất hiện ở văn phòng vào cùng một thời điểm. Vì bản thân là chủ, nên hoàn toàn không hề có thói quen tuân thủ thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Thời gian làm việc luôn được điều chỉnh theo nhu cầu cá nhân.

Còn có những người chủ không hề đề ra thời gian họp, luôn thông báo gấp, làm gián đoạn nhịp làm việc của công nhân bất cứ lúc nào. Có những công nhân nắm rõ được ‘quy luật bắt tăng ca’ của ông chủ nên cũng cố ý lên mạng chơi vào ban ngày, khi sắp tan ca thì mới giả vờ làm việc chính.

Với sự “nỗ lực” của ông chủ và các công nhân, tất cả mọi người đều cảm thấy mệt mỏi, cứ luôn tăng ca, thực tế thì năng suất làm việc vô cùng thấp.

Một người bạn của tác giả vừa mới thuê một vài căn nhà ở Thượng Hải và kinh doanh Airbnb (dịch vụ cho thuê phòng), điều khiến người này ngạc nhiên là thông tin nhà vừa đăng lên mạng, đơn đặt hàng đầu tiên lại là đặt vào một ngày nào đó nửa năm sau, tiếp đó lại không ngừng nhận được đơn đặt trước cho vài tháng sau. Người này nhận thấy rằng tất cả những đơn đặt hàng trước này đều đến từ những nước Âu Mỹ. Còn đa phần đơn đến từ trong nước là đặt vào ngày hôm sau.

Tác giả còn được nghe trải nghiệm của một một cô gái rằng: có một lần cô sống cùng nhà với một cô gái người Đức trong công ty. Trước khi đi ngủ, người Đức kia mở một quyển sổ tay nhỏ, rất nghiêm túc hỏi cô định thức dậy lúc mấy giờ, dùng nhà vệ sinh trong bao lâu. Vài ngày sau đó, tuy cô bị cô gái kia “hành hạ” đến mức dở khóc dở cười, thế nhưng sau khi chú ý sắp xếp thời gian biểu thì quả thật cả hai người đều có nhiều thời gian để ngủ hơn.

Mọi vấn đề về năng suất làm việc có thể quy thành một trang thời gian biểu, lên kế hoạch trước và sắp xếp thời gian là bí quyết để nâng cao năng suất.

Đôi khi sự nhàn rỗi của những người nước ngoài mà chúng ta nhìn thấy là một sự giả tưởng, sự cân bằng trong công việc và cuộc sống của họ được thay bằng việc sắp xếp thời gian và không ngừng nâng cao năng suất.

Ngọc Trúc

Xem thêm: