Nếu mùa Xuân có Tết Nguyên Đán, mùa Hạ có Tết Đoan Ngọ, mùa Đông có Tết Đông Chí thì tết Trung Thu chính là một dịp quan trọng không thể không nhắc đến trong mùa Thu. Ngày rằm tháng Tám âm lịch hàng năm đã trở thành một dịp lễ thật đặc biệt đối với một số quốc gia châu Á, đây chính là thời khắc để mọi người trong gia đình sum họp, quây quần bên nhau.

bánh trung thu
Trung thu ăn bánh thưởng nguyệt, bánh tròn tượng trưng cho sự đoàn viên. (Ảnh: Connect world/ Shutterstock)

Nguồn gốc của ngày Tết Trung Thu được nhiều người nhắc đến nhất có lẽ từ tích xưa vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng.

Tương truyền rằng, vua Đường Minh Hoàng của Trung Hoa (vào khoảng đầu thế kỷ thứ tám năm 713–741) vào đêm rằm tháng Tám dạo chơi vườn Ngự Uyển, với không khí mát mẻ và ánh trăng chiếu sáng khắp nơi khiến ông rất yêu thích cảnh sắc đêm rằm. Sau đó hữu duyên gặp được vị đạo sĩ Diệu Pháp Thiên, ngỏ ý muốn mời nhà vua lên cung trăng để dạo chơi.

Lên đến cung trăng, cảnh trí lại càng đẹp hơn. Nhà vua hân hoan thưởng thức cảnh tiên với âm thanh du dương và ánh sáng huyền diệu cùng các nàng tiên tha thướt trong những xiêm y đủ màu khoác dải lụa trắng thật xinh đẹp gọi là Nghê thường vũ y, đang múa hát. Trong cảnh sắc tuyệt vời ấy nhà vua đã quên cả thời gian. Vị đạo sĩ phải nhắc nhở, nhà vua mới ra về nhưng trong lòng vẫn luyến tiếc.

Về lại nhân gian, vua Đường Minh Hoàng vì quá yêu thích nên đã mang điệu múa thần tiên được xem trên cung trăng kia dạy lại cho các cung nữ để biểu diễn tại hoàng cung. Và ông cũng đã ban lệnh cho dân gian tổ chức lễ rước đèn, bày tiệc ăn mừng, uống rượu dưới trăng, thưởng thức ca múa để nhớ lại kỷ niệm lần du nguyệt điện kỳ diệu của mình. Kể từ đó, việc tổ chức rước đèn và bày tiệc trong ngày rằm tháng Tám đã trở thành phong tục của dân gian.

Cũng có người cho rằng tục treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng Tám âm lịch là vì ngày này là sinh nhật của vua Đường Minh Hoàng nên triều đình nhà Đường đã ra lệnh cho dân chúng khắp nơi trong nước treo đèn và bày tiệc ăn mừng. Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng Tám trở thành tục lệ.

Còn ở Việt Nam, rằm tháng Tám được xem là ngày trăng tròn đẹp nhất sáng nhất trong năm, tiết trời trong mát, dễ chịu. Đây cũng là thời điểm nông nhàn, thư thả, chính vì thế mọi người trong gia đình có thể dành thời gian cho nhau, từ trẻ con cho đến người lớn. Theo người xưa đây cũng là dịp để những người nông dân tạ ơn trời đất đã mang mưa tới cho mùa màng bội thu.

Tết Trung Thu Việt Nam gắn liền với hình ảnh của chú lân nhảy múa, của những chiếc bánh trung thu nướng vàng ruộm, và của tục lệ phá cỗ và rước đèn chơi trăng của trẻ nhỏ. Từ xưa, đây là dịp để mọi người cùng nhau quây quần thưởng thức trà ngon bánh ngọt, họp mặt hàn huyên và ngắm trăng sáng giữa tiết trời thu mát mẻ trong lành. Có lẽ chính vì vậy mà Tết Trung Thu còn  được gọi là “Tết đoàn viên”.

bánh trung thu
Bánh Trung thu đã trở thành món quà ý nghĩa mà mọi người dành tặng nhau để tăng thêm tình cảm thân thiết. (Ảnh: Dragon Images/ Shutterstock)

Dần dà, Tết Trung Thu đã trở thành một dịp đặc biệt dành riêng cho trẻ em với những trò chơi vui nhộn như lễ rước đèn, bày cỗ-phá cỗ, hát trống quân, múa lân dưới trăng… Trẻ nhỏ lúc nào cũng háo hức chờ đợi đến ngày Trung Thu. Chờ đợi từ hơn một tháng trước khi đến Trung Thu, khi ngoài phố bắt đầu bán những chiếc đèn lồng rực rỡ sắc màu.

Trong ngày Trung Thu, mọi người sẽ chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, cúng trăng với đầy đủ các loại bánh nướng, bánh dẻo và bày mâm hoa quả với những loại quả mùa thu như bưởi, quýt, hồng… Sau khi cúng xong cả nhà sẽ quây quần bên nhau cùng trải qua một buổi tối thật ấm áp.

Chắc hẳn trong lòng mỗi người chúng ta đều có một Trung Thu ngọt ngào, đong đầy kỷ niệm thời thơ ấu. Với hình ảnh cha mẹ tất bật chuẩn bị mâm cỗ cúng trăng, xóm nhỏ lại rộn ràng hơn thường ngày vì trẻ con tíu tít với đủ loại lồng đèn, trống, lân… Nhớ ông bà ngồi trong sân hóng mát, uống trà nhìn con cháu chơi đùa. Cái cảm giác nôn nao chờ đến ngày Trung Thu để được đốt đèn lồng đi khắp xóm, chờ mâm cỗ cúng xong để được ăn miếng bánh thơm lừng chắc không ai có thể quên được.

Bao nhiêu năm đã trôi qua, dù cho cuộc sống này có thay đổi đến đâu đi nữa, vẫn còn rất nhiều gia đình giữ được nếp xưa, hàng năm đến rằm tháng Tám, con cháu lại quây quần, đoàn tụ. Sau khi trẻ con theo đoàn múa lân rước đèn khắp phố trở về, cả đại gia đình lại bên nhau, thưởng trà, ăn bánh, ngắm trăng và ôn chuyện cũ dưới ánh trăng bàng bạc phủ khắp nơi nơi.

Tết Trung Thu là khoảng thời gian dành cho tình thân, dành cho sự báo hiếu, biết ơn của con cái đối với cha mẹ, là sự gắn kết trong gia đình. Và điều này đã trở thành nét văn hóa đặc trưng và đáng trân trọng của văn hóa Châu Á truyền thống.

Minh Nguyệt
(Ảnh: Internet)

Xem thêm: