Ám ảnh bởi cuộc sống “sang chảnh” khiến nhiều người trẻ Trung Quốc lún sâu vào nợ nần và thậm chí tìm đến cái chết vì áp lực từ các ứng dụng cho vay.

Sự bùng nổ của kinh tế Trung Quốc suốt 3 thập niên khiến mức sống của người dân nước này gia tăng nhanh chóng. Nhiều video đăng tải trên các nền tảng trực tuyến như Youku, Tiktok, Baidu… với nhà cửa lộng lẫy, quần áo hàng hiệu, siêu xe, những bữa ăn sang chảnh phần nào miêu tả điều này. Nhưng không phải ai cũng có đủ khả năng tài chính và để theo đuổi cuộc sống mơ ước đó, nhiều người trẻ đã không ngần ngại đi vay.

“Hãy sống như cách bạn muốn”, lời quảng cáo từ app vay tiền từng được Zhang Meng coi là chân lý.

“Thuê nhà không đắt nhưng tôi muốn trang trí nó thật đẹp. Tôi phải mua thảm, ghế sô pha và đèn màu. Mỹ phẩm chăm sóc da tôi cũng chọn những loại tốt nhất như Estee Lauder và Aquamarine Mystery. Mỗi ngày tôi đều mua một ly Starbucks để uống trong văn phòng. Nếu cuối tuần muốn đi biển, tôi sẽ mua ngay một vé và lên đường”, cô Zhang kể.

phu nu giau trung quoc 1 e1633516145459
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Vì khao khát một cuộc đời tươi đẹp như ý mình nhưng lương chỉ có 5.000 tệ/tháng, cô Zhang đã mang món nợ 150.000 nhân dân tệ, vay từ các ứng dụng Huabei, Boraibe, Weixindai, Meituandai, Jingdong Baitiao.

Khi quá hạn mức vay, cô liền đổi sang app khác và nợ tiếp. Cuối cùng, khi số tiền vay quá lớn, cô không thể trả lãi đúng hạn và rơi vào danh sách đen. Không thể tiếp tục vay tiền đảo nợ, giấc mơ về cuộc sống màu hồng của Zhang Meng vỡ vụn và cô phải cầu cứu bố mẹ để trả hết số tiền nợ khổng lồ.

Theo The Paper, rất nhiều người trẻ tại Trung Quốc và nhiều quốc gia châu Á đang rơi vào trường hợp như Zhang Meng. Thay vì tận hưởng thanh xuân tươi đẹp ở đại học hoặc chịu khó lao động để xây dựng sự nghiệp, họ chạy theo những thứ hào nhoáng, rơi vào vực thẳm của nợ nần, lưu vết hồ sơ tín dụng xấu và thậm chí bị xã hội đen truy lùng đòi nợ.

Trên các nền tảng mạng xã hội, không khó để tìm ra nhóm người này. Họ lập ra các group, thành viên tham gia là những người trẻ mắc nợ tiêu dùng và tương tác với nhau để mong tìm được sự an ủi.

Một số người đã chịu áp lực nợ quá hạn và bị đòi nợ trong thời gian dài, một số khác đang phải gánh những khoản nợ khổng lồ và thậm chí nghĩ đến chuyện tự tử để thoát khỏi nó.

nợ nần
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

“Báo cáo tiêu dùng của thanh niên đương đại” chỉ ra rằng thế hệ sinh sau năm 1990 chiếm một nửa tỷ lệ phân bổ cho vay tiêu dùng theo độ tuổi. Trong 175 triệu người thuộc nhóm này, chỉ có 13,4% thanh niên không có nợ và 86,6% đã tiếp xúc với các ứng dụng vay nợ.

Axue lần đầu tiếp cận với các khoản vay tiêu dùng vào tháng 11/2018. Khi đó cô vẫn còn là sinh viên của một trường cao đẳng ở Nam Kinh.

Thời điểm đó, gia đình mất rất nhiều tiền do kinh doanh thua lỗ, vì vậy cứ nửa tháng, cha sẽ đưa cho Axue 500 nhân dân tệ sinh hoạt phí. Tính ra, mỗi ngày cô không được tiêu quá 30 tệ.

“Mùa đông năm đó rất lạnh, nên tôi muốn mua một chiếc áo khoác dày, nhưng tình hình ở nhà khó khăn như vậy nên tôi không thể xin tiền thêm được”, Axue kể.

Một người bạn cùng lớp đã giới thiệu cho cô vay từ Huabei. Cô đã điền thông tin của mình mà không do dự, định sẽ làm thêm bán thời gian vào cuối tuần để trả nợ cho chiếc áo.

Khoản vay đầu tiên sau đó được hoàn trả thành công, điều đó khiến cô gái trẻ cảm thấy app vay tiêu dùng thực sự có thể giải quyết vấn đề cấp bách của mình. Cô tiếp tục vay để chi cho các khoản “cần thiết”, ví dụ mua mỹ phẩm.

Mức tiêu dùng của Axue ngày càng tăng, chỉ trong một năm, tổng các chi phí không phải nhu cầu thiết yếu của cô đã lên đến hàng chục nghìn tệ. Cô bắt đầu lâm vào cảnh phải trả nợ hàng tháng.

Kỷ lục vay tiêu dùng của Axue là 100.000 nhân dân tệ từ các app tín dụng của Huabei, Borrowe, Meituan, Jingdong Baitiao. Tiền phải trả hàng tháng có lúc lên tới 10.000 tệ.

nợ nần
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Túng quẫn trong nợ nần, Axue tiếp tục trở thành miếng mồi ngon cho các app đầu tư lừa đảo.

Lần đó, Axue gặp một anh chàng trên Zhihu, và hai người đã có một cuộc trò chuyện rất vui vẻ. Trong cuộc trò chuyện, chàng trai liên tục khoe rằng anh đã kiếm được rất nhiều tiền nhờ làm quản lý tài chính, hỏi cô có muốn kiếm ít tiền không.

Đó là lần đầu tiên Axue đầu tư 500 nhân dân tệ vào một trang web đầu tư dưới sự hướng dẫn của anh ta. Đêm đó, cô lãi được 50 nhân dân tệ và rút tiền một cách suôn sẻ.

Lóa mắt vì tiền, cô đã nhanh chóng lên nhiều app để vay 50.000 nhân dân tệ đưa cho anh ta đầu tư. “Đến khi biết mình không thể rút tiền mặt nữa, tôi sốc khi phát hiện đã bị lừa”.

Tháng 8/2020, Axue tìm được một công việc toàn thời gian với mức lương 7.000 tệ/tháng. Trừ đi các chi phí thuê nhà, ăn uống, cô chỉ dư ra 1.000 tệ, trong khi phải gánh 80.000 tệ tiền vay.

Áp lực lớn khi phải trả lãi hàng tháng, cô đã quyết định vay tiền từ bạn bè và gia đình để thanh toán. Nó trước mắt giúp cô nhẹ nhõm nhưng đón đợi cô phía trước là những ngày làm việc tăng cường, thắt lưng buộc bụng để có tiền trả nợ người thân.

Nhiều doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc đang nuôi tham vọng bước vào ngành cho vay tiêu dùng. Douyin (Tiktok Trung Quốc) mới đây ra mắt “DOU Installment”, tung ra sản phẩm tài chính tiêu dùng trực tuyến “mua trước, trả tiền sau” trên sàn thương mại điện tử. Nhiều người nghĩ rằng chỉ đang lướt xem để giết thời gian, nhưng thực ra họ đang đi trên mép của vực thẳm nợ nần.

Hoài Anh

Xem thêm: