Từ giữa thập niên 1990, khoảng 3/5 học sinh trung học phổ thông ở Mỹ tin rằng, “sống thử là ý kiến hay trước khi kết hôn, để xem 2 người có thực sự hòa hợp với nhau hay không.” [1] Tuy quan niệm sống thử, sống chung đang trở nên phổ biến và xuất hiện nhan nhản trên truyền thông và phim ảnh, nhưng chúng ta nên nhớ rằng không có bằng chứng khoa học vững chắc ủng hộ cho luận điểm này. Trái lại, có nhiều bằng chứng rõ ràng hơn cho thấy luận điểm ngược lại mới là đúng đắn.

Sống thử sống chung trước hôn nhân, làm tăng nguy cơ hôn nhân tan vỡ
(Ảnh: Shutterstock)

Sống thử mang tới những kết quả gì?

Trong nghiên cứu tâm lý học, một trong những khám phá bất ngờ nhất là: sống chung với nhau trước hôn nhân, hay còn gọi là “sống thử”, làm tăng nguy cơ hôn nhân sóng gió và ly dị. Xu hướng này khá rõ ràng, nhất là trong các nghiên cứu trước năm 2007.

Tiến sĩ tâm lý Scott M. Stanley nhận định trong một bài viết trên trang Psychology Today: “Chúng tôi đã dự báo và phát hiện – lặp lại nhiều lần trong vô số mẫu – rằng việc một cặp đôi đã từng sống chung trước khi có ràng buộc hôn nhân đóng vai trò quan trọng trong hạnh phúc hôn nhân sau này.”

Cũng có những học giả trong lĩnh vực khoa học gia đình cho rằng sự bền vững của hôn nhân chẳng có liên quan gì tới việc sống chung, sống thử. Nhưng có những nghiên cứu rất chắc chắn cho thấy điều ngược lại.

Một nghiên cứu trên tạp chí Hôn nhân và Gia đình cho thấy “hiệu ứng sống thử” vẫn kéo dài nhiều năm sau đó.

Nhiều nghiên cứu, trải dài trong nhiều thập kỷ, đã kết luận rằng những người sống chung trước hôn nhân có xu hướng tan vỡ cao hơn.

Điển hình và mới đây nhất là nghiên cứu của Michael Rosenfeld và Katharina Roesler. Họ phát hiện rằng sống chung trước hôn nhân chỉ làm giảm tỷ lệ ly hôn trong năm thứ nhất sau khi kết hôn, nhưng làm tăng tỷ lệ ly hôn trong tất cả các năm sau đó.

do thi song thu va hon nhan image
Cả 2 đường trong đồ thị thể hiện mối liên hệ giữa sống chung trước hôn nhân và ly hôn qua các năm. Mối liên hệ này rất ổn định trên số liệu của họ. (Ảnh: Michael Rosenfeld và Katharina Roesler)

Nghiên cứu này đáng chú ý bởi họ theo dõi một bộ dữ liệu lớn trong gần 40 năm, lâu hơn so với rất nhiều các nghiên cứu từng tiến hành. Nhiều nghiên cứu không phát hiện thấy mối liên hệ giữa sống chung và ly hôn sau này, có thể là do họ sử dụng khung thời gian theo dõi quá ngắn.

Sống thử sống chung trước hôn nhân, làm tăng nguy cơ hôn nhân tan vỡ
Đồ thị số cặp đôi sống chung ở Mỹ qua các năm

17,1% phụ nữ và 15,9% nam giới ở Mỹ đang sống chung trước hôn nhân (theo số liệu năm 2018 của Trung tâm Quốc gia về Thống kê Y tế (NCHS) của Mỹ)

Một tỷ lệ rất cao trong dân số Mỹ sống chung mà không kết hôn. Điều này đã trở thành “bình thường”. Nhà nghiên cứu Wendy Manning ước tính rằng “tỷ lệ phụ nữ tuổi 19-44 đã từng sống chung với bạn trai đã tăng 82% trong 23 năm qua.” Đối với phụ nữ tuổi từ 30-34 trong năm 2009 và 2010, 73% đã từng sống chung với ban trai. Nếu bạn kết hợp các con số này với tỷ lệ ngày càng tăng người trung niên, cao niên ở Mỹ sống chung (sau khi ly hôn hoặc người phối ngẫu qua đời) từ nghiên cứu của Susan Brown [2], sẽ dễ thấy rằng tổng số người sống chung ở mọi lứa tuổi sẽ dễ dàng vượt quá 80% hoặc hơn.

ty le phu nu song thu theo nam image
Tỷ lệ phụ nữ tuổi 15-44 đang kết hôn (ở bên trái), so với tỷ lệ đang sống thử (bên phải) trong giai đoạn 1995-2017 (Nguồn: CDC)

Khi ngày càng nhiều người sống chung hết cuộc tình này tới cuộc tình khác, sự ổn định của gia đình sẽ giảm và ly hôn ngày càng cao. [3]

Các nghiên cứu trước đây cho thấy việc sống chung nhiều lần có quan hệ mật thiết với tình hình kinh tế khó khăn hơn đối với các cặp đôi không kết hôn [4] giảm khả năng đi tới hôn nhân và tăng khả năng hôn nhân tan vỡ, nhưng tình trạng này đang gia tăng ở nhiều nhóm dân số Mỹ.

Ngoài ra, báo cáo của NCHS còn cho thấy kết quả kém hơn ở các mặt văn hóa, giáo dục và kinh tế đối với việc sống chung. Cụ thể:

  • 47,9% phụ nữ sống thử có thu nhập ít hơn 1,5 lần so với mức trung bình nghèo đói của liên bang, so với tỷ lệ 25,6% ở phụ nữ đã kết hôn.
  • 36,1% đàn ông sống chung có thu nhập ít hơn 1,5 lần mức trung bình nghèo đói của liên bang, so với 21,2% ở đàn ông đã kết hôn.
  • 25,2% phụ nữ sống chung có thu nhập cao hơn 3 lần mức trung bình nghèo đói của liên bang, so với 48,1% ở phụ nữ đã kết hôn.
  • 32,4% đàn ông sống chung có thu nhập hơn 3 lần mức trung bình nghèo đói của liên bang, so với ở đàn ông đã kết hôn là 52,4%.

Những số liệu đáng chú ý này cho thấy rất nhiều phụ nữ và đàn ông sống chung thường có xu hướng nghèo hơn so với những người đi thẳng tới hôn nhân. Dữ liệu về giáo dục cũng cho thấy xu hướng tương tự. Những người đã kết hôn leo lên cao nhất trong bậc thang giáo dục, sau đó tới người chưa kết hôn và thấp nhất là những người sống chung. Ví dụ:

  • 25,3% phụ nữ sống chung có bằng cử nhân, so với 43% ở phụ nữ đã kết hôn.
  • 16,2% đàn ông sống chung có bằng cử nhân, so với 36,5% ở đàn ông đã kết hôn.

Mặc dù trình độ giáo dục của nhiều người sống chung trong mẫu nghiên cứu sẽ tăng lên theo thời gian, kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc sống chung (nhất là những mối quan hệ không dẫn tới hôn nhân) nhìn chung sẽ dẫn tới nhiều thua thiệt hơn. Dữ liệu này là thống nhất với dữ liệu về phân bổ địa vị xã hội cao hơn ở nhóm kết hôn và thấp hơn ở nhóm sống chung. (Tuy nhiên, cần lưu ý rằng dữ liệu này không thể phân biệt giữa người sống chung sẽ chuyển sang kết hôn với người yêu hiện tại hoặc tương lai, và những người sống chung sẽ không kết hôn)

Dưới đây là một số lý giải vì sao sống thử, sống chung lại mang tới những hiệu ứng tiêu cực đối với hôn nhân.

Ảnh hưởng tâm lý của việc sống thử

Nhiều nghiên cứu tâm lý đã cho thấy con người học hỏi từ kinh nghiệm sống, và kinh nghiệm sẽ thay đổi niềm tin của chúng ta. Sống chung nhiều lần sẽ thay đổi niềm tin của người ta vào hôn nhân, làm cho hôn nhân mất đi ấn tượng trang nghiêm và quan trọng. [5]

Đồng thời, sống chung tự bản thân nó làm cho các cặp đôi trong mối quan hệ khó chia tay hơn. Bởi vì quán tính của việc sống chung cùng một nơi, một số người sẽ mắc kẹt lâu hơn so với các mối quan hệ tình cảm thông thường. Thậm chí, tiến sĩ Scott Stanley tin rằng một số người rốt cuộc vẫn cưới người mà họ đáng lẽ đã chia tay, bởi vì việc sống chung làm cho việc tách ra trở nên quá khó khăn. Tuy rằng rủi ro không cao, nhưng xu hướng này được hỗ trợ bởi ít nhất 7 nghiên cứu với 6 mẫu dữ liệu khác nhau, cho thấy những người sống chung trước khi quyết định hôn nhân báo cáo chất lượng hôn nhân thấp hơn so với trung bình và khả năng ly hôn cao hơn. Điều này bắt nguồn từ thực tế rằng nhiều cặp đôi dọn vào sống chung mà không hiểu điều đó nghĩa là gì và tương lai họ mong chờ điều gì.

Ngoài ra, sống chung còn mang tới vấn đề trong việc nuôi con. Bởi vì các cặp cha mẹ kết hôn sau khi sống thử có mối quan hệ bất ổn hơn so với trung bình, số lượng cha mẹ chia tay trong các mối quan hệ đó ngày càng tăng, đồng nghĩa với ngày càng nhiều trẻ em phải trải nghiệm gia đình tan vỡ và phải chuyển tiếp theo các mối quan hệ mới của cha/mẹ chúng. Dưới đây là một số đồ thị cho thấy rõ điều này:

tre em duoc diem a image
Tỷ lệ các học sinh nhận được nhiều điểm A nhất trong trường ở Mỹ, chia theo loại gia đình: gia đình hôn nhân bình thường, gia đình bố/mẹ kế, gia đình sống chung, gia đình sống chung có bố/mẹ kế, ở với bố/mẹ đã ly hôn, ở với bố/mẹ đơn thân (Nguồn: Marripedia)
ty le tre em bi bao hanh image
Tỷ lệ bạo hành trong các gia đình sống chung có cha/mẹ kế cao nhất, (Nguồn: Marripedia)
tre em bi roi loan chu y image
Trẻ em trong các gia đình hôn nhân truyền thống cũng có xu hướng thấp nhất mắc chứng rối loạn tập trung (Nguồn: Marripedia)

Ảnh hưởng sinh lý của việc quan hệ trước hôn nhân

Trong cuốn sách Bộ não của phụ nữ (The Female Brain), Tiến sĩ Louann Brizendine khuyên phái đẹp đừng quá vội vàng trong việc gần gũi với nam giới: “Nếu mức độ của Oxytocin tăng cao và chất “Dopamine” – chất gây hưng phấn do cơ thể phóng thích, lan truyền thì khả năng phán đoán và đánh giá của bạn sẽ bị hỏng.”

Đầu tiên khi người nữ cảm nghiệm âu yếm, gần gũi về thể xác, nhất là tình dục, não của họ liền phóng thích hormone Oxytocin. Khi sinh đẻ và khi cho con bú người nữ cũng cảm nghiệm sự tăng mức Oxytocin trong cơ thể mình. Hormone này giúp họ kết nối với đứa trẻ, khiến họ yêu thương con cái của mình hơn, vì vậy nhiệm vụ của hormone Oxytocin là nối kết giữa người với người, nó không chỉ đúng với những đứa trẻ, nó còn đúng với bạn tình của họ.

bo nao phu nu image
(Ảnh qua Amazon)

Ngoài khả năng “kết nối” thì những hormone này sẽ khiến khả năng phán đoán và trí nhớ của phụ nữ suy giảm. Tức là trong trường hợp này nó sẽ làm họ quên đi những điểm tiêu cực ở bạn tình và gợi nên những điểm tích cực ở họ. Tóm lại, phụ nữ sẽ bị giảm đi khả năng phán đoán, phân tích rạch ròi tốt xấu về nửa kia của họ. Lúc này họ sẽ muốn gắn kết thật nhiều với nửa kia, họ nghĩ về tương lai của cả hai và có xu hướng thích làm nửa kia vừa lòng. Như vậy quy luật nam giới theo đuổi, chinh phục nữ giới đã dần thay đổi sau khi họ quan hệ tình dục.

Các hormone này sẽ có ích với các cặp đôi đã kết hôn vì nó giúp vợ chồng gắn kết với nhau qua những thời gian thử thách. Nhưng nó là thảm họa trong trường hợp ngoài quan hệ hôn nhân vì như các lập luận bên trên, phụ nữ bị mất đi khả năng xét đoán và dễ bị trói buộc trong mối quan hệ này.

Đây cũng là câu trả lời cho việc nữ giới cảm thấy rất khó để rời bỏ những mối quan hệ không lành mạnh, họ không đủ mạnh mẽ và luôn cảm thấy muốn quay trở lại, mặc dù bạn trai đã làm nhiều điều khiến họ tổn thương như lạnh nhạt, ngoại tình, thậm chí có hành động bạo lực.

Còn nam giới thì sao? Nam giới cũng phóng thích Oxytocin trong thời gian gần gũi, nhưng mức độ của nó không cao như nữ giới. Thay vì thế, não người nam phóng chất gọi là “Vasopressin” đây là hormone giúp tăng cảm giác trách nhiệm của nam giới đối với người yêu. Hormone này rất tốt đối với trường hợp đã lập gia đình nhưng sẽ sinh ra tác động tiêu cực với trường hợp chưa kết hôn.

Với trường hợp chưa kết hôn: sau khi quan hệ tình dục, hormone này sẽ làm người nam dừng lại và suy nghĩ: “Dừng lại chút nào, tôi đã sẵn sàng cho những điều này chưa? Nếu cô ấy có thai thì sao? Tôi đã sẵn sàng làm cha chưa? Liệu tôi sẽ cưới cô ấy một ngày nào đó?”

Điều này một phần nào đó giải thích tại sao một số chàng trai tránh gặp mặt và lạnh nhạt với bạn gái của mình ngay sau khi họ quan hệ tình dục. Và đặc biệt, cả nam giới cũng không biết rõ ràng tại sao họ lại muốn tránh mặt bạn gái của mình, họ chỉ cảm thấy họ cần một không gian riêng tư cho bản thân.

Còn với trường hợp đã kết hôn: người chồng thường không sợ những trách nhiệm của người trưởng thành. Hóa chất thần kinh này chỉ gây ra sự sợ hãi với người nam chưa vợ nhưng lại làm cho người chồng càng tận tụy hơn với vợ và gia đình.

Hy vọng những thông tin này sẽ giúp phụ nữ và cả nam giới ra các quyết định tốt hơn trước khi vượt quá giới hạn trước hôn nhân.Nếu điều bạn muốn là một cuộc hôn nhân nghiêm túc và hạnh phúc, cùng những đứa con với tình thương gia đình đầy đủ nhất, thì sống thử không phải là con đường tối ưu.

Thực tế có rất nhiều cô gái không thực sự muốn vượt quá giới hạn với bạn trai của mình, họ thấy không thực sự hứng thú chuyện chăn gối hay khao khát, nhưng bởi ảnh hưởng của truyền hình và phim ảnh, họ nghĩ rằng hành động này bình thường, “ai cũng làm thế” hay cho rằng nó là một phần của tình yêu, không có nó thì không có tình yêu, thậm chí tin rằng tình dục có thể cải thiện những rạn nứt trong mối quan hệ của họ. Nhưng không phải vậy.

Quan niệm về hôn nhân đã đảo lộn chỉ trong 60 năm qua

Ngày nay, tỷ lệ ly hôn ở Hoa Kỳ cao đến mức đáng kinh ngạc, lên tới hơn 50% và sự hoàn thiện của gia đình chỉ là một mớ hỗn độn.

divorce image
Tỷ lệ ly hôn ở Mỹ – Nguồn: Monthly Vital Statistic Reports

Một số người nghĩ rằng điều này là do Hoa Kỳ là xã hội cởi mở tự do, nên tỷ lệ ly hôn cũng tăng. Kỳ thực trong nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ, các nhà lập quốc đã cho rằng gia đình là cốt lõi quyết định sự ổn định của toàn bộ xã hội, vì vậy chính phủ nên khuyến khích và bảo vệ sự toàn vẹn của gia đình.

>> Đạo đức hôn nhân và gia đình thời Hoa Kỳ lập quốc

Hoa Kỳ đã từng là một quốc gia coi trọng hôn nhân và tín ngưỡng vào loại bậc nhất, tuy nhiên, nền tảng hôn nhân đã bị suy yếu từ những năm 60 của thế kỷ 20, khi phong trào “Tự do yêu đương” bùng nổ tại Mỹ. Tạp chí Playboy được xem là thành quả quan trọng cho phong trào này, khi đưa những chủ đề yêu đương và tình dục vốn bị coi là thô tục, hạ lưu trong quan niệm truyền thống vào xã hội thượng lưu, biến nó trở thành một tờ tạp chí giải trí “cao cấp”.

Cùng với sự thịnh hành của văn hóa Hippie, các quan niệm “Tự do yêu đương” được chấp thuận rộng rãi. Cuộc cách mạng tình dục (giải phóng tình dục) cũng chính thức xuất hiện. Trong giới thanh thiếu niên, quan hệ tình dục bừa bãi được coi là “bình thường”.

Thống kê cho thấy, từ năm 1954 đến năm 1963, trong số người Mỹ đủ 15 tuổi (cũng là những thanh niên trong những năm 60), có 82% số người đã có kinh nghiệm về tình dục trước hôn nhân trước 30 tuổi. Đến năm 2010, các cô dâu vẫn còn trinh trước khi kết hôn chỉ chiếm tỷ lệ 5%; 18% các cô dâu trước khi kết hôn đã có trên 10 bạn tình. “Tình dục” trở thành chủ đề thịnh hành trong văn hóa đại chúng, các “tác phẩm văn học” thu hút độc giả bởi những đoạn miêu tả về tình dục tràn ngập thị trường, những bộ phim hạng ba “không dành cho trẻ em” được hâm mộ trên khắp các rạp chiếu phim lớn.

Chỉ mới hơn 100 năm trước thôi, nền tảng gia đình tại Mỹ vẫn còn chưa bị phá vỡ. Sức mạnh và sự ổn định của nó là cột trụ căn bản cho sự tồn tại của văn hóa Hoa Kỳ chân chính, cũng là nền tảng cho sức mạnh kinh tế. Chỉ tiếc là sự tuột dốc của người dân và chính phủ, cùng quá trình tả hóa của nước Mỹ đã hủy diệt nền tảng quan trọng này, khiến cho vấn đề gia đình trở thành vết thương ngầm có sức đe dọa mãnh liệt nhất đối với xã hội Mỹ.

>> Nguồn gốc sự nở rộ phong trào giải phóng tình dục trên thế giới

Phong Trần tổng hợp

Tài liệu tham khảo:

[1] Thornton, A., & Young-DeMarco, L. (2001). Four decades of trends in attitudes toward family issues in the United States: The 1960s through the 1990s.Journal of Marriage & Family, 63, 1009-1037. doi:10.1111/j.1741-3737.2001.01009.x

[2] Brown, S. L., Bulanda, J. R., & Lee, G. R. (2012). Transitions into and out of cohabitation in later life. Journal of Marriage & Family, 74(4), 774-793. doi:10.1111/j.1741-3737.2012.00994.x

[3] Lichter, D. T., Turner, R.N., & Sassler S. (2010). National estimates of the rise in serial cohabitation. Social Science Research, 39, 754 – 765.

[4] ibid Lichter et al. (2010); Lichter, D., & Qian, Z. (2008). Serial cohabitation and the marital life course. Journal of Marriage & Family, 70, 861-878.

[5] Axinn, W. G., and Barber, J. S. (1997). Living arrangements and family formation attitudes in early adulthood. Journal of Marriage & Family 59, 595-611.