Rất nhiều bạn trẻ muốn khởi nghiệp nhưng thiếu ý tưởng? Cô Tina Seelig – giáo sư dạy môn sáng tạo tại đại học Stanford – đã chia sẻ một bài tập mang tên “Thử thách 5 đôla” đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả trong việc rèn luyện khả năng quan sát và giải quyết vấn đề trong thế giới kinh doanh ngày nay.

Thử thách 5 đôla
(Ảnh chụp: TED/Youtube)

Bạn sẽ làm gì để kiếm tiền nếu bạn chỉ có 5 đôla và hai giờ đồng hồ? Đây là bài tập tôi đưa ra cho sinh viên của mình tại đại học Stanford, là một phần trong chương trình đầu tư mạo hiểm trong ngành công nghệ của Standford: mỗi nhóm gồm 14 sinh viên sẽ nhận được một bao thư với 5 đôla “tiền hạt giống”, các em lên kế hoạch bao lâu cũng được. Tuy nhiên, một khi đã mở bao thư, các em chỉ có 2 giờ đồng hồ để kiếm tiền sinh lợi nhiều nhất có thể.

Tôi ra bài tập này vào chiều thứ tư và cho hạn nộp bài vào tối chủ nhật. Khi đến hạn nộp, mỗi nhóm sẽ gửi tôi một bài dạng power point trình bày những gì các em đã làm được, sau đó vào chiều thứ hai, mỗi nhóm sẽ có 3 phút trình bày về cách thực hiện của mình trước cả lớp.

Qua bài tập này, các em được khuyến khích trở thành nhà khởi nghiệp thông qua cách nhận biết các cơ hội, các giả định khó khăn, và tận dụng sáng tạo nguồn lực hạn chế mà các em có.

Nếu là bạn, bạn sẽ làm gì? Khi tôi đưa câu hỏi này ra cho một số nhóm, vài người trong số đó sẽ đưa ra ngay ý kiến như “đến Las Vegas”, hay “mua vé số”. Mọi người sẽ cười ồ lên. Những phương án như thế thường mang nhiều rủi ro nhưng lại có rất ít cơ hội đạt được kết quả lớn. Tiếp sau câu trả lời trên sẽ là những đề nghị kiểu như: mở dịch vụ rửa xe, mở quầy bán nước chanh, dùng 5 đôla đó để mua các vật dụng cần thiết. Đáp án đó tạm ổn cho nhưng ai muốn kiếm thêm vài đồng lẻ trong vòng 2 giờ.

Nhưng đa phần các sinh viên của tôi cuối cùng cũng tìm ra lời giải hay hơn cho đề bài đó. Các em đã thực hiện thử thách một cách nghiêm túc, đặt câu hỏi cho các giả định truyền thống thông thường, đưa ra nhiều khả năng khác nhau để tìm cách sinh lợi nhiều nhất có thể.

Các sinh viên đã làm thế nào? Gợi ý: những nhóm kiếm được nhiều tiền nhất lại không hề đụng gì đến 5 đôla đó cả. Các em nhận ra nếu cứ chăm chăm vào số tiền ban đầu đó thì chỉ càng tự giới hạn các giải pháp cho bài toán này mà thôi.

Các em hiểu 5 đôla không là gì cả và quyết định phân tích vấn đề một cách tổng thể hơn: chúng ta có thể làm gì để kiếm tiền với hai bàn tay trắng? Chúng bắt đầu quan sát cặn kẽ, vận dụng tài năng của mình và giải phóng năng lực sáng tạo để nhận biết các vấn đề phát sinh với bản thân hay người khác – những vấn đề mà chúng đã thấy nhưng chưa nghĩ đến việc giải quyết. Đó là các vấn đề hiện hữu từ lâu nhưng không được người ta ưu tiên giải quyết.

Bằng cách nhận biết vấn đề và đưa ra các phương án giải quyết, nhóm thắng cuộc mang về hơn 600 đôla, lợi nhuận trung bình đạt 4000% trên số vốn 5 đôla ban đầu. Nếu bạn còn nhớ thì đa phần các nhóm không sử dụng số vốn, tỷ lệ lợi nhuận mang về là vô hạn.

Vậy các em đã làm gì? Tất cả chúng đều sáng tạo vô cùng. Trong đó có một nhóm thấy rằng ở các thành phố nơi có nhiều trường đại học, thường có tình trạng thực khách phải xếp hàng dài ở các nhà hàng nổi tiếng vào tối thứ bảy. Nhóm này đã quyết định sẽ giúp những vị khách không muốn chờ đợi bằng cách: chia nhau ra thành từng cặp, đến một số nhà hàng trong thành phố đặt bàn trước. Khi đến giờ đặt, chúng sẽ bán lại chỗ của mình với giá lên đến 20 đô cho những vị khách không muốn chờ đợi kia.

Buổi tối chậm rãi trôi qua, các em quan sát được một số điều thú vị: đầu tiên là việc sinh viên nữ bán “đắt hàng” hơn sinh viên nam, có lẽ là do thực khách sẽ thấy thoải mái hơn khi tiếp xúc với một phụ nữ trẻ. Sau đó, nhóm này đã thay đổi chiến lược một chút, các bạn nam sẽ dạo quanh thành phố đặt bàn trước ở các nhà hàng khác nhau, còn bạn nữ sẽ là người bán chỗ đặt trước đó.

Các sinh viên còn nhận thấy kế hoạch mang lại hiệu quả cao nhất ở những nhà hàng có thiết bị rung, báo cho thực khách biết đã có bàn trống. Khi đồng ý với việc mua bán chỗ, thực khách trả tiền và nhận được thẻ báo rung – một thứ hữu hình giúp họ cảm thấy ổn hơn với quyết định mua chỗ của mình. Ở đây còn một điểm cộng thêm nữa đó là: nhóm sinh viên này có thể bán lại thẻ báo rung của vị khách kia cho vị khách tới sau đó nữa.

Một nhóm khác có cách thức đơn giản hơn: nhóm sẽ dựng quầy trước văn phòng hội sinh viên, đo áp suất khí trong bánh xe đạp cho các sinh viên miễn phí. Nếu bánh xe cần được bơm, nhóm sẽ bơm với giá 1 đôla. Thoạt đầu, nhóm có cảm giác như họ đang lợi dụng các sinh viên, vì người ta hoàn toàn có thể đến trạm xăng gần đó để bơm xe.

Nhưng sau vài vị khách đầu tiên, nhóm này nhận thấy khách hàng tỏ ra rất biết ơn họ, dẫu rằng các sinh viên có thể bơm xe miễn phí ở cách đó không xa, và cũng rất dễ dàng. Sự biết ơn cho thấy dịch vụ mà nhóm cung ứng vừa tiện lợi, vừa có giá trị.

Thật ra, sau 1 giờ, nhóm đã thay đổi chiến lược, ngừng việc tính phí bơm xe cố định mà thay vào đó, kêu gọi khách hàng tùy tâm quyên góp. Doanh thu của nhóm tăng vọt. Nhóm đã kiếm thêm được rất nhiều khi khách hàng có thể tự định giá trước dịch vụ miễn phí (hơn là khi chốt ở một mức giá nhất định).

>> Câu chuyện khởi nghiệp và công thức bí mật của giáo sư John Vũ

Cả nhóm sinh viên này và nhóm đặt bàn ở các nhà hàng đều đạt được kết quả rất tốt. Trong suốt quá trình thực hiện, dựa trên phản hồi của khách hàng mà các nhóm đã có những thay đổi từng chút từng chút một, theo đó chiến lược hoạt động được tối ưu hóa một cách nhanh chóng.

Mỗi dự án này mang về vài trăm đôla, khiến cho các nhóm sinh viên khác vô cùng ấn tượng. Tuy nhiên, nhóm kiếm được lợi nhuận nhiều nhất có cái nhìn hoàn toàn khác biệt, nhóm này đã kiếm được 650 đôla. Các sinh viên trong nhóm này cho rằng cái giá trị nhất mà chúng có không phải là 5 đôla hay 2 giờ đồng hồ. Thay vào đó, thứ giá trị nhất là 3 phút thuyết trình vào ngày thứ hai. Nhóm đã quyết định nhượng 3 phút quý báu này cho một công ty đang có nhu cầu tuyển dụng sinh viên trong lớp. Nhóm đã tạo ra một “quảng cáo” dài 3 phút cho công ty kia và trình chiếu cho cả lớp khi đến lượt họ phải thuyết trình kết quả bài tập. Thật quá xuất sắc. Các em đã nhận thấy giá trị tuyệt vời mà mình sở hữu trong khi nhóm khác thậm chí không hề mảy may thấy được cơ hội to lớn đó.

Đây là một dự án tôi đã cho thực hiện tại học viện thiết kế Hasso Plattner ở Stanford. Nó được mô tả trong vài trang đầu của cuốn sách Nếu tôi biết được khi còn 20 (đã được dịch sang tiếng Việt). Dự án này không những mở rộng mà hiện nay còn được biết đến dưới tên gọi Giải đấu Sáng tạo Toàn cầu.

Theo Tina Seelig,
Thúy Anh biên dịch