Ngôn ngữ có sức mạnh vô cùng đặc biệt. Một câu nói vô tình của cha mẹ khi con còn nhỏ có thể sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời con. Nếu nói đứa trẻ sinh ra là một trang giấy trắng thì mỗi lời nói, việc làm của cha mẹ đều là những nét bút đầu tiên được vẽ trên trang giấy trắng ấy. 

nguoi Nhat day con 4
Trẻ em giống như những thiên thần tinh nghịch, giao tiếp giữa cha mẹ và con cái nên sử dụng ngôn ngữ tích cực. (Ảnh: Shutterstock)

Lời nói tích cực của cha mẹ sẽ truyền cảm hứng cho cuộc sống của trẻ

Những lời nói ấm áp của cha mẹ, hoặc một câu ủng hộ, động viên có thể khích lệ gia tăng sự cầu tiến và sức sáng tạo của đứa trẻ.

Ở Mỹ vào thế kỷ 19, trong lớp học nọ, có một cậu bé cư xử rất kỳ quặc, cậu đưa ra những câu hỏi lệch khỏi nội dung với sách giáo khoa khiến tất cả giáo viên phải đau đầu, cho rằng cậu cố tình gây rối.

Cuối cùng, một ngày nọ, giáo viên đưa cho cậu bé một tờ thông báo và nói với cậu: Hãy mang nó về nhà và đưa cho mẹ của con, nhưng chỉ có người mẹ mới có thể được phép đọc thông báo. 

Sau khi mẹ của cậu bé mở tờ thông báo, bà đã đọc cho con trai mình nghe trong nước mắt: “Con trai của bà là một thiên tài. Ngôi trường này và giáo viên của chúng tôi không đủ khả năng để đào tạo cậu bé. Bà hãy tự dạy dỗ con trai mình”. 

Nhiều năm sau, cậu bé đã phát minh ra đèn điện và tạo ra những đóng góp cho nhân loại. Ông ấy là nhà phát minh vĩ đại nhất thế giới – Edison.

Khi mẹ của Edison qua đời, ông đã tìm thấy một mảnh giấy khi dọn dẹp tủ quần áo của mình, đó là thông báo mà giáo viên đã gửi cho mẹ ông năm ấy. Ông mở ra và nhìn thấy dòng chữ được viết trên đó: “Kính thưa quý phụ huynh, thật xin lỗi, con của bà có khiếm khuyết về trí tuệ. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, nhà trường đã quyết định chính thức đuổi học cậu ấy.” 

Edison đã bật khóc nức nở, ông viết vào nhật ký của mình: “Mẹ của Edison đã biến một đứa trẻ khiếm khuyết trí tuệ thành một thiên tài của thế kỷ.”

Lời nói của mẹ đã thôi thúc Edison thể hiện tài năng và đảo ngược số phận. 

Edison chắc hẳn là một người may mắn, nhưng không phải đứa trẻ nào cũng có trải nghiệm may mắn như vậy.

Một số tổn thương thời thơ ấu đến từ những lời nói không phù hợp của cha mẹ

Một giám đốc kinh doanh căng thẳng đến mức dùng rượu để giải sầu. Nhưng những điều anh phàn nàn khi say rượu không liên quan gì đến công việc: Khi anh còn nhỏ, bầu trời nội tâm của anh xám xịt trong vài năm, bởi vì mẹ nói với anh rằng “con là được nhặt trong thùng rác”.

Vợ anh bối rối hỏi: “Sao mẹ lại nói thế?” Anh ngơ ngác nói: “Anh hỏi làm sao đứa bé được sinh ra, chắc mẹ anh ngại giải thích kiến ​​thức sinh lý cho anh. Lúc đó anh thực sự tin đó là sự thật, anh vô cùng sợ hãi mỗi khi đi ngang qua thùng rác.”

Có một đứa trẻ học tiếng Anh không tốt, sau khi chăm chỉ học tập, cuối cùng cậu bé đạt được 90 điểm. Cậu bé rất vui mừng và báo với cha mẹ, kết quả người cha nghiêm nghị nói: “Sao con không so mình với người có điểm cao hơn? Vẫn có những người đạt điểm 100 trong kỳ thi mà.” Cậu bé chuyển sang học tiếng Pháp sau khi học đại học, và cậu ấy không bao giờ tỏ ra thích thú với tiếng Anh trong suốt cuộc đời của mình.

Khi một đứa trẻ vô cớ gây rối trên đường phố, cha mẹ có thể nói: “Vẫn còn gây rối à? Mẹ không cần con nữa, để chú cảnh sát đưa con đi”. Có đứa trẻ kén ăn, cha mẹ có thể nói: “Con không ăn thịt mà chỉ ăn rau, mẹ sẽ gọi cô bác sĩ đến tiêm cho con.”

Có một cô gái nhớ lại thời thơ ấu, trên bàn ăn mẹ cô nói đùa rằng: “Con gái tôi kén ăn nên lớn lên không lấy được người chồng ưng ý”. Đến nay cô gái vẫn độc thân, bây giờ kén ăn đã không phải là chuyện quan trọng với cô nữa, nhưng câu nói đùa “không lấy được người chồng ưng ý” luôn ảnh hưởng đến sự tự tin trong tình yêu của cô. Sau mấy lần chia tay rồi lại tái hợp, cô quyết định theo chủ nghĩa độc thân.

Những ví dụ trên rất thường phổ biến trong cuộc sống, cha mẹ xem đó là những câu nói nửa đùa nửa thật, những lời nhận xét mỉa mai, hóm hỉnh. 

Bởi vì, trên đời làm gì có người mẹ nào coi con như đồ nhặt được? Làm gì có cha mẹ nào có thể thực sự bỏ mặc con mình chỉ vì nó khóc lóc không nghe lời? Làm gì có cha mẹ nào không tự hào khi con đạt được điểm cao trong kỳ thi? Làm gì có cha mẹ nào không trông mong con mình có cuộc hôn nhân hạnh phúc? 

Nhưng trên thực tế, vì rất nhiều nguyên nhân, do vô tình hay cố ý mà cha mẹ nói ra những lời khó nghe, tại sao lại như vậy? Những điều này sẽ có ảnh hưởng không tốt như thế nào với con cái?

shutterstock 2040448676
Cha mẹ sử dụng những từ ngữ không phù hợp có thể đem lại rất nhiều hậu quả cho đứa trẻ trong tương lai. (Ảnh: My Life Graphic/ Shutterstock)

Vì sao cha mẹ nói những lời khó nghe?

Trong cuộc sống, người ưa hài hước thường có đầu óc linh hoạt, năng lực tư duy mạnh. Họ thích dùng hình thức châm biếm để phá vỡ các khái niệm đã có để đạt được mục đích cảnh tỉnh người khác thông qua sự khiêu khích, châm chọc.

Tuy rằng, người hài hước rất thú vị, nhưng họ cần phải chia đối tượng giao tiếp phù hợp. Khi làm cha mẹ, nếu thường xuyên sử dụng cách hài hước lạnh lùng này thì sẽ có hại nhiều hơn. Cha mẹ nói những lời không thành thật, hay để thử kiểm tra con cái, hoặc là trốn tránh những vấn đề khó khăn, hoặc là cách nói khích tướng, hoặc là để giải thích ngắn gọn, hiệu quả. Có những đứa trẻ sẽ sợ hãi vì tin rằng đây là sự thật, nghe cảnh sát bắt người, bác sĩ tiêm… liền ngoan ngoãn nghe lời. Cha mẹ sẽ cảm thấy chiêu này hiệu quả, lần nào cũng linh nghiệm.

Rất nhiều gia đình lựa chọn phương pháp tương tác giữa cha mẹ và con cái theo kiểu giáo dục “thức ăn nhanh”, hoặc giáo dục đơn giản và thô bạo, hoặc giáo dục mơ hồ trốn tránh vấn đề … Trong các tương tác giữa cha mẹ và con cái kiểu này, cha mẹ rất dễ sử dụng những từ ngữ không phù hợp, đem lại rất nhiều hậu quả cho đứa trẻ trong tương lai.

Tại sao con cái lại canh cánh trong lòng những lời nói không phù hợp của cha mẹ?

Đứa trẻ trời sinh bản tính vốn đơn thuần trong sáng, nhu cầu sinh tồn cơ bản của chúng đến từ cha mẹ, theo bản năng chúng tin tưởng cha mẹ một cách tuyệt đối, thể xác và tinh thần đều dựa vào cha mẹ. Cho nên, cho dù một câu nói của cha mẹ thì chúng đều cho là quan trọng, hơn hết thảy uy quyền nào khác. Hơn nữa, đứa trẻ không có bất cứ kinh nghiệm xã hội nào, nên không cách nào phân biệt được đúng sai, vì vậy chúng tiếp thu tất cả lời nói của cha mẹ. Lời nói của cha mẹ sẽ để lại dấu vết không thể phai mờ trong tâm hồn của trẻ thơ.

Dù cha mẹ là kiểu người hài hước lạnh lùng, hay nửa đùa nửa thật hay mỉa mai châm chọc, những lời nói của họ thường không chân thành, hoặc cách xa so với sự thật và ít nhiều có sự “giễu cợt, châm chọc”. Trong trường hợp này, đứa trẻ sẽ cảm thấy bị lừa dối, mà sự lừa dối này lại đến từ người mà đứa trẻ tin tưởng nhất, do đó tổn thương gây ra sẽ rất lớn.

Ngoài ra, những ngôn từ không phù hợp sẽ vô tình hay cố ý mang đến cho trẻ khái niệm đúng sai một cách mơ hồ. Ví dụ, sau khi đạt điểm cao trong một kỳ thi, thay vì khen ngợi và động viên, cha mẹ lại châm chọc con rằng: “Tại sao con không so với người đứng đầu?” Trẻ sẽ cảm thấy rằng, giá trị của sự chăm chỉ không cao bằng giá trị của sự so sánh. Sau khi bước vào xã hội với quan niệm giá trị như vậy, đi đến đâu đứa trẻ cũng gặp phải trắc trở và thống khổ, người đó sẽ trở nên hoài nghi về sự trưởng thành của bản thân.

Cuối cùng, điểm cơ bản của sức khỏe thể chất và tinh thần của một người là không thể tách rời khỏi cảm giác an toàn. Người có cảm giác an toàn có mức độ cân bằng tâm lý cao, có thể bình tĩnh đối phó với lo lắng và áp lực trong cuộc sống. Gia đình là nơi quan trọng nhất để trẻ hình thành cảm giác an toàn, sự quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ của cha mẹ có thể giúp trẻ hình thành lòng tin và sự phụ thuộc vào gia đình, từ đó có được cảm giác an toàn. Nếu trẻ cảm thấy bị chế giễu, đả kích, mỉa mai dù ít hay nhiều từ lời nói của cha mẹ, trẻ sẽ có cảm giác không được sự thừa nhận và chấp nhận, điều này sẽ làm giảm đi rất nhiều việc hình thành cảm giác an toàn của trẻ. 

Không thể đánh giá thấp ảnh hưởng của ngôn ngữ và hành vi của cha mẹ đối trong quá trình trưởng thành và phát triển của trẻ. Cha mẹ muốn nắm được biện pháp, phương pháp giáo dục phù hợp thì trước hết cần chú ý ngôn từ lời nói của bản thân. Với sự tôn trọng, các bậc cha mẹ cần nói chuyện với con cái bằng thái độ chân thành để giúp trẻ xây dựng lòng tự trọng và hoàn thiện nhân cách, thay vì gây tổn thương tâm lý của con cái bằng những lời nói mỉa mai, chế giễu.

Cha mẹ thể hiện tình yêu bằng lời nói, điều đó quan trọng hơn mọi tài sản quý giá nào trong gia đình. Như Madeleine Hunter, nhà giáo dục nổi tiếng người Mỹ đã nói: “Trẻ em học cách yêu thương, cách sống và cách được tôn trọng. Nếu chúng học được điều này trong gia đình, chúng sẽ có thể thích ứng tốt với toàn bộ thế giới.”