Văn hoá Nhật Bản có những nét độc đáo riêng, được hình thành từ văn hóa truyền thống của nước này. Trong đó giáo dục đóng vai trò tối quan trọng và điều này rất khác so với nước Mỹ ngày nay.

(Bài viết của nhà văn, nhà phê bình người Mỹ gốc Hoa Tào Trường Thanh – Cao Changqing, thể hiện quan điểm riêng của tác giả.)

新建项目 14
Ngày 6/11/2017, Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Melania đã đến thăm một trường tiểu học của Nhật Bản (Ảnh cắt từ video)

Làn sóng cánh tả Hoa Kỳ không chỉ được hình thành trong một sớm một chiều. Một trong những lý do quan trọng là vì phe cánh tả đã kiểm soát nền giáo dục Mỹ. Từ nhỏ, trẻ em đã thấm nhuần tư tưởng của phe cánh tả và hàng loạt các “Hồng vệ binh kiểu Mỹ”, những người kế thừa và sùng bái phe cánh tả, đã được đào tạo ra.

Gần đây, Đảng Dân chủ phe cánh tả ở Hoa Kỳ đã đề xuất “Đạo luật cải cách bầu cử” tại Quốc hội, đề cập đến việc giảm độ tuổi bỏ phiếu xuống còn 16 tuổi. Bởi người càng trẻ càng dễ bị tẩy não và lừa gạt. Do đó, họ sẽ trở thành kho phiếu và sức mạnh của phe cánh tả. Hoa Kỳ thậm chí còn truyền bá nền giáo dục hoang đường rằng “chuyển giới” “sự lựa chọn tự do” của trẻ từ độ tuổi mẫu giáo. Thậm chí họ còn muốn thay đổi cách xưng hô giữa nam và nữ.

Những người thuộc phe bảo thủ ở Mỹ chắc chắn hiểu rõ tầm quan trọng của việc đấu tranh trong chuyện học hành của con cái. Nhưng họ khó đánh bại phe cánh tả vì 3 yếu điểm lớn như sau:

Thứ nhất, ngay cả khi cha mẹ giáo dục con cái tại nhà bằng các giá trị truyền thống, thì bao vây trẻ là giới giáo dục, báo chí, điện ảnh và truyền hình được kiểm soát bởi phe cánh tả, con số lên đến hàng ngàn, hàng vạn người. Hai bậc phu huynh phải đối phó với hàng triệu người cánh tả, tỷ lệ này quá chênh lệch.

Thứ hai, ngoài việc ngủ ở nhà ra, trẻ chỉ dành thời gian ở với cha mẹ vào buổi sáng và tối. Về cơ bản, ban ngày chúng đều dành thời gian học ở trường và các hoạt động ngoại khóa, được hướng dẫn bởi các giáo viên cánh tả. (Đa số giáo viên đều thiên tả. Hiệp hội Giáo viên Mỹ là một trong những tổ chức thiên tả nhất.) Vậy nên, xét về sức ảnh hưởng đến các em về mặt thời gian, cha mẹ đều yếu thế.

Thứ ba, các kênh truyền thông phe cánh tả có mặt khắp mọi nơi: Ngoài trường học, sân bay, khách sạn, trung tâm mua sắm và CNN, đài truyền hình công cộng thiên tả nghiêm trọng, v.v. , quyền phát biểu đều bị phe cánh tả áp đảo.

Vậy nên, chỉ xét về số lượng người, thời gian và truyền thông, các bậc phụ huynh đã gặp bất lợi rất lớn. Việc giáo dục giá trị truyền thống của các bậc phụ huynh phe bảo thủ cho con cái của họ ở nhà rất dễ bị nhấn chìm trong đại dương rộng lớn của những người cánh tả bên ngoài.

Chưa kể đến chuyện, bản thân nhiều bậc cha mẹ cũng khá thiên tả. Thậm chí có nhiều phụ huynh còn không thể phân biệt được đâu là phe cánh tả và phe cánh hữu, đặc biệt là những người nhập cư. Trước hiện trạng này, đối với phe cánh tả, việc bắt cóc trẻ em dễ như trở bàn tay.

Cha mẹ Nhật hiểu rõ nhất rằng “3 tuổi đã lớn, 7 tuổi đã già”

Về giáo dục, Nhật Bản đã đi một con đường độc đáo của riêng họ, nhằm đảm bảo tính kế thừa các giá trị truyền thống. Có một câu thông dụng phổ biến ở Trung Quốc ngày nay là “Đừng để trẻ thua ngay từ vạch xuất phát” có ý nghĩa rất hay. Cha mẹ muốn đặt nền móng vững chắc cho trẻ, giúp chúng có được những điều kiện giành ưu thế trong “cuộc đua” trên đường đời ngay từ nhỏ.

Tuy nhiên, mục tiêu chiến thắng của người Trung Quốc, về cơ bản chỉ giới hạn ở “kỹ năng”, chứ không phải bằng phẩm chất, trình độ học vấn và nhân sinh quan tích cực. Hơn nữa, người Trung Quốc cũng nuông chiều con cái của họ (hậu quả của chính sách 1 con). Họ so bì với nhau (xem ai giàu hơn và quyền lực hơn). Trên thực tế, cộng thêm sự đầu độc chính trị trong việc giáo dục “lòng yêu nước” (thực tế là yêu Đảng Cộng sản Trung Quốc và các nhà lãnh đạo độc tài), trẻ em Trung Quốc đã “thua” ngay từ vạch xuất phát.

Trẻ em Nhật Bản thực sự “chiến thắng” ngay từ vạch xuất phát. Trước hết, chúng thắng ở nhân phẩm đạo đức và cách được nuôi dạy. Đó là nhân cách và sự giáo dục theo các giá trị truyền thống được nhân loại công nhận từ cổ chí kim mà không cần đến ý thức hệ. Kiểu chiến thắng này bắt nguồn từ triết lý và thực tiễn giáo dục độc đáo của Nhật Bản.

Có câu trẻ “3 tuổi đã lớn, 7 tuổi đã già”, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục và nuôi dưỡng trẻ trước 3 tuổi. Giáo dục ở giai đoạn này chỉ có thể đến từ cha mẹ.

Tại Nhật Bản, nhiều phụ nữ đã nghỉ việc khi sinh con và về nhà làm mẹ toàn thời gian, nhằm hỗ trợ tối đa việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái trong giai đoạn “trẻ lên 3”. Trong một xã hội ngày càng cạnh tranh khốc liệt, muốn bỏ việc cần phải có một quyết tâm rất cao. Bởi họ vừa mất đi một phần lương, đồng thời lại có thêm một em bé, khiến gánh nặng tài chính sẽ gia tăng đột biến.

Các bậc cha mẹ Nhật Bản tin rằng tiền “mất đi” có thể kiếm lại được trong tương lai, nhưng việc học hành của trẻ trong giai đoạn 3 tuổi không thể bỏ qua. Nếu không đặt định một nền tảng tốt trong độ tuổi quyết định “3 tuổi đã lớn”, sau này trẻ lớn lên nếu có xảy ra vấn đề gì thì bao nhiêu tiền cũng không thể “mua” lại được. Theo nghĩa này, các bậc cha mẹ Nhật Bản là những người có đầu óc “toán học” nhất, có tầm nhìn “sâu rộng” nhất và hiểu rõ nhất về đầu tư giá trị trên thế giới.

Các nhà giáo dục Nhật Bản cho rằng những đứa trẻ được mẹ dành nhiều thời gian hơn trong vòng 3 tuổi sẽ cảm thấy an tâm hơn. Chúng sẽ được mẹ nuôi dưỡng và giáo dục tỉ mỉ hơn, nên sau này sẽ ít có tâm lý và tính cách nổi loạn hơn.

Các cuộc điều tra tâm lý cho thấy, những đứa trẻ không nhận được tình mẫu tử trọn vẹn khi còn nhỏ, dễ phát triển thành nhân cách bạo loạn, chống đối xã hội hơn, thậm chí trở thành tội phạm. Một bà mẹ Trung Quốc từng bình luận trên Internet về cách giáo dục giữa trẻ em Trung Quốc và Nhật Bản rằng: “Nhiều người trẻ nổi loạn mà tôi biết đã không được cha mẹ nuôi dưỡng từ khi còn nhỏ.”

Trẻ em Nhật Bản được cha mẹ dạy cho sự lễ phép, lòng biết ơn, v.v. từ khi 3 tuổi. Thậm chí những “từ kính trọng, khiêm nhường” độc đáo trong tiếng Nhật, cũng củng cố văn hóa lễ nghi này ngay từ khi trẻ còn nhỏ.

Trước và sau bữa ăn, trẻ em đều được giáo dục lòng biết ơn. Ngay từ khi còn nhỏ, các em đã phải cư xử tự giác, đúng mực như câu tục ngữ của người Trung Quốc: “Đứng có tướng đứng, ngồi có tướng ngồi”, thay vì để trẻ em tự do phát triển, khiến chúng sa vào nhiều tệ nạn khác nhau, như người Mỹ vẫn làm.

Trẻ sinh ra như một trang giấy trắng và thiếu hiểu biết. Nếu trẻ tự quyết định thì việc vẽ nhăng vẽ cuội lên trang giấy trắng đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Người Nhật đã hoàn thành việc vượt cạn đầu tiên cho trẻ em trong vòng 3 tuổi, và đặt nền móng cho nhân phẩm quan trọng cần có trong cuộc đời chúng.

Sau khi được 3 tuổi, chúng có thể được gửi đến nhà trẻ. Cách giáo dục ở đó về cơ bản giống như các bậc cha mẹ Nhật Bản. Họ tiếp tục rèn luyện lễ nghi, phép lịch sự, sự thành tín và lòng biết ơn. Đồng thời cũng giáo dục nhiều hơn về tinh thần phối hợp, làm việc nhóm, chăm sóc và quan tâm đến cảm xúc của người khác.

Sau đó tại lớp mẫu giáo, họ sẽ tăng cường hơn nữa việc giáo dục những phẩm chất nói trên. Bắt đầu từ giai đoạn tiểu học, trẻ được giáo dục thêm về những phẩm chất cơ bản để vươn lên trong xã hội sau này, như tính tự lập, tự lực, tự cường, không ích kỷ. Tính cách này được vun đắp trên nền tảng của sự lễ phép, lòng biết ơn, và biết quan tâm đến người khác ngay từ khi còn nhỏ.

“Bữa trưa tại trường học Nhật Bản” nổi danh toàn cầu

Khi học sinh tiểu học Nhật Bản đến trường, nhà trường đều cấm cha mẹ lái xe đưa đón trừ trường hợp đặc biệt và phải xin phép trước. Trẻ em 6 hoặc 7 tuổi đến trường một mình với những chiếc cặp sách lớn. Tất cả trẻ em ở Nhật đều như vậy. Giới truyền thông từng chụp được ảnh công chúa nhỏ của hoàng gia Nhật Bản tự tay xách cặp đến trường một mình. Trong khi trẻ em Trung Quốc lại so sánh xem ô tô mà cha mẹ đưa đón chúng đến trường cái nào cao cấp hơn.

Trẻ nhỏ đi học một mình, lỡ gặp sự cố trên đường thì phải làm thế nào? Nhật Bản đã thiết kế rất tỉ mỉ trong vấn đề này:

  1. Trước khi khai giảng, phụ huynh được nhà trường sắp xếp để làm quen với tuyến đường đi học của trẻ. Có quy định nghiêm ngặt về việc đi tuyến nào, nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra tai nạn giao thông.
  1. Trẻ phải đi học theo tuyến. Trên đường đi học về không được la cà vào các cửa hàng, quán xá, mà phải đi thẳng về nhà. Sau khi cởi bỏ đồng phục mới được hoạt động tự do.
  1. Nếu có tình huống xảy ra, sẽ có một nút báo động trên cặp sách của trẻ.
  1. Có “Đội hỗ trợ tình nguyện 110″, do người dân và doanh nghiệp tổ hợp thành. Đội 110 luôn sẵn sàng hỗ trợ trẻ em trên đường đến trường. Riêng tại Osaka, đã có 140.000 doanh nghiệp và người dân tham gia vào kế hoạch của Đội 110 này.

Toàn bộ xã hội Nhật Bản đã hình thành một mạng lưới bảo vệ trẻ em khổng lồ và dày đặc. Vì vậy, dưới tiền đề là sự an toàn, học sinh tiểu học đến trường phải tự mình trau dồi những tố chất tâm lý như tự lực, tự cường và tự giác.

Bữa trưa tại các trường tiểu học của Nhật Bản cũng là một phần quan trọng để rèn luyện tính độc lập và tự chủ cho trẻ. Theo quy định, thầy hiệu trưởng và giáo viên phải ăn cơm chung với trẻ và thức ăn đều giống nhau. Hơn nữa, thầy hiệu trưởng phải “ăn trước”, để tránh thức ăn bị nhiễm độc.

Các em tự đi lấy hộp cơm của mình. Trước khi ăn các em phải cảm ơn đầu bếp, thầy giáo và thầy cô hiệu trưởng. Dù muốn hay không, trẻ đều phải ăn hết, không được lãng phí. Sau bữa ăn, các em tháo rời các hộp đồ ăn, phân loại rác, sau đó rửa bát đũa và đánh răng. (Trẻ em Nhật đều có bàn chải đánh răng trong cặp sách.) Sau đó các em cùng nhau dọn dẹp bàn ăn và sàn nhà, cảm ơn và tri ân lẫn nhau, thì bữa trưa mới kết thúc.

Việc lặp đi lặp lại như vậy từ ngày này qua ngày khác, khiến trẻ em Nhật Bản hình thành thói quen tôn trọng giáo viên, lễ phép, tôn trọng lẫn nhau, siêng năng, và làm việc theo nhóm, v.v. Một phóng viên Úc từng phỏng vấn và ghi hình “Bữa trưa ở trường học Nhật Bản” dài 8 phút, được 33 triệu người theo dõi.

Người Trung Quốc nhìn thấy đã thốt lên: “Họ đang bồi dưỡng công dân, còn chúng ta đang bồi dưỡng nên các công chúa!”

Văn hóa “Đừng gây phiền hà cho người khác” ngày càng tiên tiến hơn

Trẻ em Nhật Bản không chỉ được dạy về lễ nghi, phép tắc, tính tự giác, sự trung thực và lòng biết ơn, … mà còn được dạy rằng “không được gây phiền hà cho người khác.” Đây không chỉ là quy tắc ứng xử mà còn là đạo đức tu dưỡng của toàn dân, là văn hoá truyền thống đặc biệt nhất, khiến Nhật Bản khác biệt so với bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới.

Ở những nơi công cộng, trẻ em Nhật thường im lặng, không làm ồn, quấy khóc, hay chạy nhảy lung tung. Bởi chúng được cha mẹ dạy “không được gây phiền hà cho người khác.” Nếu trẻ quên, cha mẹ sẽ nhắc nhở ngay, bảo với chúng rằng như vậy sẽ “làm phiền” người khác, đồng thời nói “xin lỗi” với mọi người xung quanh.

Nhật Bản có dân số hơn 100 triệu. Cụm từ “Tôi xin lỗi” có thể được nói hàng tỷ lần mỗi ngày. Từ này đã trở thành một biểu tượng cho thấy Nhật Bản được công nhận là quốc gia lịch sự nhất trên thế giới!

Phóng viên người Anh David Pilling của tờ “Financial Times” ở Tokyo đã viết cuốn sách “Nhật Bản: Sinh tồn và Nghệ thuật”. Trong đó có viết: “Người Nhật bị ám ảnh bởi sự đúng giờ, lịch sự, sạch sẽ và sự nghiêm túc tuyệt đối trong mọi việc họ làm, khiến tôi rất ngạc nhiên.”

Người Nhật được giáo dục về sự lễ phép, phép tắc, lòng biết ơn, đúng giờ, tận tụy, liêm khiết, danh dự, nhân nghĩa … Những điều này được đặt nền móng từ khi là trẻ sơ sinh, từ tuổi ấu thơ và thời kỳ thanh thiếu niên, giúp người Nhật nhìn mọi thứ khác với quan điểm của người Mỹ, người Anh, đặc biệt là phe cánh tả phương Tây.

Ví như cuốn “Nhân phẩm của quốc gia” (cuốn sách bán chạy với 2 triệu bản) do giáo sư toán học, nhà tản văn Masahiko Fujiwara, tại Đại học Ochanomizu ở Tokyo, xuất bản. Cuốn sách nhấn mạnh giá trị của văn hóa truyền thống Nhật Bản.

Ông cho biết khi đang nghiên cứu ở Anh, ông đã rất ngạc nhiên khi thấy một giáo sư nổi tiếng của Cambridge đang húp trà sùm sụp trong một chiếc cốc bị nứt.

Ở Nhật, chuyện giáo sư dùng cốc bị nứt là điều không được phép, chứ đừng nói đến chuyện uống trà mà “húp sùm sụp” như vậy. Ngay cả trẻ em Nhật Bản cũng không làm vậy. Ông nói: “Ở Nhật Bản có những chỗ ngồi uống trà riêng, và chúng tôi biến mọi thứ thành nghệ thuật.” Mặc dù hơi khắc nghiệt nhưng nó phản ánh yêu cầu về sự quy củ.

Tỷ lệ tội phạm ở Nhật Bản chỉ bằng 1% so với Hoa Kỳ

Giáo sư Fujiwara có lẽ ít gặp nên thấy lạ. Nếu nhìn thấy ông Barack Obama, đường đường là một Tổng thống Hoa Kỳ, lại gác chân lên bàn làm việc trong Nhà Trắng, hay nằm ngửa trên ghế sô pha và nghe cấp dưới báo cáo công việc, hẳn ông sẽ kinh ngạc hơn nữa. Những hành vi phóng túng và thiếu kỷ luật này đã trở thành mốt đối với phe cánh tả của Mỹ. Trong các trường đại học danh tiếng, còn có giáo sư mặc quần đùi, để lộ lông chân đến dạy sinh viên.

Có người quan sát thấy rằng trong các cuộc đàm phán quốc tế, phái đoàn mặc vest, đi giày da chắc chắn là đến từ Nhật Bản. Họ tin rằng việc ăn mặc chỉnh tề, sạch sẽ thể hiện sự tôn trọng với người khác. Cũng giống như phụ nữ Nhật, khi ra ngoài phải trang điểm, ăn vận chỉnh tề, xinh đẹp. Chủ yếu không phải để thể hiện bản thân, mà là tôn trọng người khác. Tôi đã cảm thấy rất rõ điều này khi đến Nhật Bản lần đầu tiên cách đây hơn 30 năm. Họ không chỉ ăn mặc đẹp mà còn cư xử rất thanh lịch.

Nền giáo dục đạo đức độc đáo mà trẻ em Nhật Bản nhận được là kế thừa truyền thống và văn hóa truyền thống của Nhật Bản. Điều này đã làm nên một đất nước Nhật Bản, không chỉ thịnh vượng, mà còn là quốc gia văn minh nhất trên thế giới!

Trong những năm gần đây, nền kinh tế của Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản, nhưng dân số của Trung Quốc lại gấp 10 lần Nhật. Nhật còn là nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới và là sự kết hợp giữa nền kinh tế của Anh và Pháp. Chưa kể so với Trung Quốc hay Châu Âu và Hoa Kỳ, Nhật Bản đều vượt trội hơn họ về an ninh và dịch vụ với tỷ lệ tham nhũng, chuyên quyền thấp hơn nhiều.

Dân số Nhật Bản gấp 5 lần Úc, nhưng tỷ lệ tội phạm chỉ bằng 1/5 Úc và 0,5% so với Mỹ! Điều này chắc hẳn là có mối quan hệ trực tiếp với cách nuôi dưỡng và giáo dục trẻ của người Nhật “3 tuổi đã lớn, 7 tuổi đã già” ngay từ khi chúng còn nhỏ.

Tào Trường Thanh / Vision Times
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm ​​cá nhân của tác giả.)

Xem thêm: Tại sao Nhật Bản không có cơn bão cánh tả kiểu Mỹ?