Móng tay vốn là nơi ẩn náu của vi khuẩn, trẻ thường xuyên cắn móng tay tạo điều kiện cho vi khuẩn đi vào miệng và gây ra các bệnh lý. Vậy đâu là “gốc bệnh” và cha mẹ nên làm gì để giúp trẻ sửa thói quen xấu này? 

can mong tay
(Ảnh: Xiebiyun/ Shutterstock)

Bé Nam Khánh năm nay mới 12 tuổi nhưng từ nhiều năm trước bé đã thích cắn móng tay. Hành vi này thường trực đến nỗi, trước khi ăn sáng, trên đường đi học, khi làm bài tập và xem TV vào ban đêm…, cả 10 ngón tay đều bị cắn đến trơ trụi. Khi phát hiện ra, mẹ của Nam Khánh nói với con trai rằng không nên cắn móng tay vì nó rất mất vệ sinh, cha của bé cũng nhiều lần đánh con vì chuyện này nhưng kết quả đều vô ích.

Nghe đồng nghiệp mách rằng việc trẻ thích cắn móng tay có thể do cơ thể trẻ thiếu một số nguyên tố vi lượng, cha mẹ đã đưa Nam Khánh đến bệnh viện khám. Tuy nhiên, kết quả lại cho thấy lượng canxi, sắt, kẽm của bé đều bình thường. Cuối cùng, bác sĩ đề nghị đưa bé đến gặp chuyên gia tâm lý.

Chuyên gia đã áp dụng một số bài kiểm tra tâm lý và thấy rằng bé Nam Khánh không chỉ mất tập trung, thiếu tự tin mà còn rất bất an, sợ hãi. Sau khi tìm hiểu mới biết cậu bé đã xa cha mẹ từ khi còn nhỏ, cho đến khi đi học tiểu học mới được ở cùng cha mẹ, điều này khiến cậu bé có cảm giác xa lạ với người thân trong gia đình.

Khi phát hiện bé Nam Khánh cắn móng tay, bố mẹ không những chỉ trích mà còn đánh chửi càng khiến cậu bé trở nên căng thẳng, trong vô thức lại tiếp tục cắn móng tay để tự an ủi mình.

Những đứa trẻ hay cắn móng tay, nhẹ thì có thể bị ảnh hưởng đến sức khỏe do “bệnh từ miệng vào”, nặng thì có thể bị trầm cảm do căng thẳng.

1. Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cơ thể

Móng tay vốn là nơi ẩn náu của vi khuẩn, trẻ thường xuyên cắn móng tay tạo điều kiện cho vi khuẩn đi vào miệng và gây ra các bệnh lý như bệnh tiêu hoá, hôi miệng, ngón tay bị nhiễm trùng, biến dạng do vi khuẩn xâm nhập vào các chỗ xước; biến dạng răng; đau đầu kinh niên…

Năm 2007, các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ đã thực  hiện một nghiên cứu tìm vi khuẩn gây tiêu chảy hoặc nôn mửa thông qua việc thử mẫu nước bọt của 59 học sinh. Kết quả thử nghiệm cho thấy trong số trẻ có kết quả dương tính với các loại vi khuẩn này, chiếm đến 76% trẻ là thích cắn móng tay và chỉ có 26,5% trẻ là không thích cắn móng tay.

Có thể thấy, việc cắn móng tay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ, qua so sánh với những trẻ cùng tuổi thì những trẻ hay cắn móng tay có thể chất kém hơn và dễ mắc bệnh hơn.

2. Ảnh hưởng về tâm lý

can mong tay
Trẻ cắn móng tay có thể do ảnh hưởng tâm lý. (Ảnh: Good dreams – Studio/ Shutterstock)

Trong một khoá học về nuôi dạy con, có đoạn nói về một bé gái liên tục cắn móng tay khi mẹ dạy bé làm bài tập về nhà. Theo phân tích của chuyên gia, điều này là do trong quá trình dạy con học người mẹ liên tục chỉ trích, la mắng hoặc so sánh con với những đứa trẻ khác, khiến trẻ trở nên hồi hộp, lo lắng và thường cắn ngón tay để giải tỏa căng thẳng.

Nếu cha mẹ không để ý đến lời nói và hành động của mình có thể sẽ khiến tâm lý của trẻ bất an. Theo thời gian, các vấn đề tâm lý sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến việc hình thành tính cách trong tương lai của trẻ.

Trước tình trạng này, có nhiều bậc cha mẹ đã bôi nước hoàng liên hoặc nước mướp đắng lên móng tay của con. Tuy nhiên, kết quả mang lại không mấy khả quan. Vậy đâu là “gốc bệnh” và cha mẹ nên làm gì để giúp trẻ sửa thói quen xấu này?  

Tìm nguyên nhân, giải quyết tận gốc bệnh

Khi trẻ cắn ngón tay thường xuyên, cha mẹ phê bình hay mắng chửi sẽ không hiệu quả. Lúc này, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để khám xem đó là nguyên nhân về thể chất hay tâm lý, từ đó tìm hướng giải quyết tận gốc.

Nếu cơ thể trẻ thiếu một nguyên tố vi lượng nào đó thì có thể bổ sung qua đường ăn uống hàng ngày. Ví dụ, nếu thiếu canxi, bạn nên cho bé ăn nhiều rong biển và tôm khô giàu canxi, nếu thiếu sắt thì nên ăn thêm các sản phẩm từ đậu nành và gan động vật, sau một thời gian cơ thể sẽ cân bằng.

Nếu nguyên nhân là tâm lý, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là tạo cảm giác an toàn cho trẻ, cùng trẻ nghe nhạc hoặc chơi trò chơi mà trẻ thích, thường xuyên ôm trẻ vào lòng để trẻ biết rằng sự hiện diện của trẻ là niềm hạnh phúc của cha mẹ. Ngoài ra, cha mẹ có thể thông qua các phim hoạt hình và tranh ảnh có liên quan, để trẻ nhận ra tác hại của việc cắn móng tay.

Những thói quen xấu của trẻ không phải chỉ hình thành chỉ trong một hai ngày, vì vậy việc sửa chữa cũng cần phải được thực hiện từng bước. Trong quá trình giúp con thay đổi, cha mẹ không nên trách mắng thái quá sẽ khiến trẻ càng căng thẳng khiến cho mọi nỗ lực sửa chữa trở nên bị phản tác dụng.

Liệu pháp hạn chế

Trước tình trạng trẻ hay cắn ngón tay, việc khắc phục không chỉ trong một ngày, cha mẹ có thể thử liệu pháp hạn chế dần dần theo thời gian. Ví dụ, ban đầu hạn chế cho trẻ cắn ngón tay ở nhà, sau đó là nơi công cộng, thời gian đầu hạn chế trẻ cắn ngón tay không quá 2 ngón, sau đó chuyển sang 1 ngón cho đến khi trẻ ngừng thói quen này.

Đồng thời, vào mỗi buổi sáng và tối, cha mẹ có thể dùng ngón tay cái để xoa bóp xung quanh môi trẻ để làm dịu cơn thèm cắn móng tay của trẻ.

Ỷ Thiên/ Vision Times

Mời xem video hay: Nhận biết sự lo lắng ở trẻ và cách giúp đỡ chúng