Trẻ sợ nhất điều gì? Câu trả lời không khỏi khiến các bậc phụ huynh phải lưu tâm. Thực ra, tất cả những khó khăn trong việc dạy dỗ con cái đều bắt nguồn từ việc đánh mất lòng tự trọng của trẻ. Vì vậy, người giáo dục trẻ nhất định phải tìm mọi cách để bảo vệ ‘bảo bối’ của trẻ – Lòng tự trọng.

Trẻ sợ nhất điều gì
(Ảnh: Shutterstock)

Đứa trẻ thi được 6 điểm bị tổn thương lòng tự trọng

Vài ngày trước, lúc đi làm về đến tầng dưới, tôi dừng chân lại bởi giọng nói lớn của mẹ Minh, cửa nhà cô ấy lúc đó đã bao quanh bởi hơn chục đứa trẻ, Minh đang quỳ trước cửa nhà mặt đầy nước mắt.

Mẹ Minh cầm một chiếc roi lại và lớn tiếng quát tháo khiến bọn trẻ hiếu kỳ chạy đến xem, thì ra Minh tự ý lấy bút sửa điểm thi từ 6 lên 9 điểm, quả là to gan lớn mật. Một số đứa trẻ bắt đầu cười to, một số đứa thì hét lên. Lúc đó tôi thấy bé Minh cúi rạp đầu xuống đất.

Minh bằng tuổi con trai tôi cũng vừa lên lớp 1, thường đến nhà tôi chơi, cũng rất lễ phép, từ xa nhìn thấy đã lớn tiếng chào. Từ ngày hôm đó, cậu bé mỗi lần thấy tôi liền luống cuống, lặng lẽ bước nhanh vào cửa, cũng không chơi cùng đám bạn trong khu phố nữa.

Tôi rất ngạc nhiên, lẩm nhẩm tự hỏi đứa trẻ này không biết đã hiểu lầm mình điều gì?

Con trai tôi bỗng từ đâu nói lên một ‘chân lý’ của thế giới của chúng: “Là nó không còn mặt mũi nhìn mẹ nữa, hôm đó mẹ nó đã khiến nó mất mặt, bây giờ cũng không muốn chơi với con nữa…haizz, những người lớn thường thích làm như thế”.

Tôi bỗng nhiên lặng lại một lúc, một cảm giác không nói nên lời. 

Trẻ nhỏ có mặt tốt của chúng, nhưng cũng rất hiếu động, lười làm bài tập, đến đâu cũng chơi đùa cùng những đứa trẻ khác, mỗi lần nhìn thấy tôi đến tìm, chúng liền chạy đi trốn. Nhưng tôi luôn nói to: “Con à, nếu con không để mẹ đứng im thì đừng trách mẹ mắng con trước mặt các bạn đấy”. Ngay lập tức nó xuất hiện và ngoan ngoãn ôm lấy chân tôi.

‘Mẹo’ này đã được tôi áp dụng nhiều lần, tôi vẫn tự mãn cho rằng mình “giáo dục có nghệ thuật”, bây giờ nghĩ lại, thật là đáng xấu hổ.

Cha mẹ lấy uy hiếp để làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ thì không thể gọi là cao minh được, thậm chí còn có chút cảm giác của kẻ tiểu nhân.

Chúng ta luôn cho rằng đánh mắng trẻ là vì để chúng tốt lên, đôi khi còn lo lắng không thể kịp thời phê bình và giáo dục trẻ, nhưng lại rất ít khi màng đến lòng tự trọng của trẻ. 

Những đứa trẻ bị mắng là ngu ngốc đều đã thành thế nào?

Trong một thực nghiệm mang tên ‘Trẻ em sợ nhất điều gì’, kết quả đã chỉ ra chúng sợ nhất là ‘mất mặt’, hơn nữa càng sợ cha mẹ lấy những sở trường của bạn cùng tuổi để so sánh với những khuyết điểm của mình. 

Trẻ sợ nhất điều gì
(Ảnh: Shutterstock)

Hầu hết bậc cha mẹ nào cũng đều đã từng lấy đứa trẻ nhà khác làm gương học tập cho con mình, có ý phóng to ưu điểm và sở trường của đối phương, mà vô tình đả kích đến con mình.

Trên mạng có một câu hỏi đáp thế này: “Khi nhỏ bố mẹ thường mắng bạn thế nào”?

Có không ít những bạn trẻ phơi bày ra những câu mắng “kinh điển”của cha mẹ, và câu thường thấy nhất là ‘sao mà mày ngu thế’, ‘đồ ngốc’, ‘vô dụng’, ‘đồ ăn hại’

Trong đó có một bạn trẻ bình luận một câu rất đáng suy ngẫm: “Khi tôi còn nhỏ thường bị cha mẹ mắng là đồ vô dụng, học hành không tốt cũng không ai dẫn dắt mà chỉ mắng chửi, càng mắng tôi lại càng muốn trốn tránh. Tính cách hiện tại của tôi thực sự có rất nhiều vấn đề, nói chuyện với người khác cũng không tự tin nhìn thẳng vào họ, có chút sợ xã hội, mất đi tự tin”.

Một khi nói ra những câu làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ cũng giống như đâm những mũi dao vào trái tim của chúng, có thể tạo thành những khoảng tối trong cuộc đời trẻ. 

Tất cả những khó khăn trong việc dạy dỗ con cái đều bắt nguồn từ việc đánh mất lòng tự trọng của trẻ. Vì vậy, người giáo dục trẻ nhất định phải tìm mọi cách để bảo vệ ‘bảo bối’ của trẻ: Lòng Tự Trọng.

Những đứa trẻ bị làm tổn thương lòng tự trọng dễ xuất hiện hai tình huống, một là càng ngày càng khó dạy bảo, hai là luôn muốn lẩn trốn, rụt rè, mất tự tin.

Yêu nhiều, trách nhiệm lớn, tổn thương càng nhiều

tầng lớp thấp, người Hoa, Trẻ sợ nhất điều gì
(Ảnh minh họa/Internet)

Từng có một tác giả thuật lại bi kịch xảy ra trong gia đình anh ở thế hệ trước: 

“Vợ chồng anh trai tôi khi còn đi học đều là những sinh viên xuất sắc. Họ đều cho rằng, cho dù là di truyền hay phương pháp giáo dục thì con cái của họ nhất định cũng phải được như họ những năm đó.

2 năm trước, con trai họ thi đại học. Họ kỳ vọng rằng ít nhất thì nó cũng phải đỗ được trường danh tiếng bậc nhất. Tuy nhiên, đứa trẻ khi thi hay bị nhầm lẫn, mãi vẫn không đạt được kỳ vọng của cha mẹ. Họ nhìn vào thành tích của con trai, tức đến không nói nên lời. Họ lấy hết khuyết điểm trước đây của cháu ra nói đi nói lại, thậm chí đem so sánh với con người khác. 

Cuối cùng, người cha tức mất kiểm soát, buột miệng nói: 

“Cùng là đi học như nhau, chuyện đơn giản thế, mày không bằng đầu móng tay con nhà người ta. Mày là đồ ăn hại, sống chỉ phí cơm phí gạo.”

Đứa trẻ bắt đầu phản bác, nghe đến câu này, đột nhiên sững lại, lặng lẽ đi về phòng.

Nửa đêm, người cha nghe thấy một tiếng động rất lớn, cảm thấy không ổn liền chạy vào phòng con trai, thì phát hiện không thấy người đâu, thì ra cậu bé đã nhảy từ lan can toà nhà xuống. 

Trên ghế có một mẩu giấy ghi: “Cha mẹ, con xin lỗi, con không phù hợp làm con của cha mẹ”.

Khi chúng ta mắng trẻ đều là những lời tức giận nên khó tránh khỏi những lúc mất kiểm soát, chỉ cần trút được tức giận chứ không màng đến hậu quả.

Chúng ta hy vọng con mình được như con nhà người khác, kiểu so sánh này càng dễ dẫn đến lo lắng và thất vọng.

Một cuộc điều tra chỉ ra: trong những người phỏng vấn vào năm 2009, có 83,4% gia đình so sánh con mình với con nhà người khác, những gia đình không làm như vậy chỉ chiếm không đến 2%.

Một phần những người được phỏng vấn cho rằng: Đây là tâm nguyện kỳ vọng của cha mẹ, một phần cho rằng đây là cách họ yêu thương con cái, một phần khác cho rằng đây là thể hiện của áp lực xã hội. Tuy nhiên, đây chính là những nguỵ biện tích cực khéo léo của các bậc cha mẹ để trút những lo lắng của mình về con cái.

Kỳ vọng quá lớn thì thất vọng sẽ càng mãnh liệt, nội tâm sẽ mất đi cân bằng và nói ra những câu không nên nói, làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. 

Giáo dục thành công nhất của cha mẹ chính là bảo vệ lòng tự trọng của trẻ

Tiến sĩ chuyên gia tâm lý học của Mỹ James Dobson nói: “Có rất nhiều cách có thể khiến trẻ mất đi lòng tự trọng, nhưng lấy lại lòng tự trọng lại là một quá trình rất chậm và gian khổ”. Rõ ràng, giáo dục thành công nhất của cha mẹ chính là bảo vệ lòng tự trọng của trẻ.

1. Không nên phê bình trẻ ở những nơi đông người 

Thông thường trẻ em khi tụ tập hoặc chơi đùa sẽ làm ra những điều khiến chúng ta đau đầu, đa số cha mẹ sẽ chọn cách lập tức trách mắng, bắt trẻ xin lỗi, khiến chúng sợ tái mặt. 

Thường trẻ em sẽ ngoan ngoãn nhận sai, nhưng nội tâm đã phần nào tổn thương. Dần dần chúng sẽ thất vọng và không còn tín nhiệm cha mẹ nữa, hoặc trở nên rụt rè, thậm chí ngày càng đi theo hướng cực đoan.

Cách giáo dục đúng đắn nhất vào thời điểm đó chính là chúng ta nên bình tâm và nói chuyện riêng với trẻ, phân tích đúng sai, khiến trẻ biết nhận lỗi từ trong tâm. 

2. Không nói những lời cay nghiệt

Trẻ thường hay quên, thậm chí dạy rất lâu mà vẫn không sửa được thói quen xấu. Vì để chúng nhớ lâu hơn, ấn tượng sâu hơn, có những bậc cha mẹ thường chọn cách nói những lời cay độc. Rất nhiều khi, trẻ tỏ ra khá bình tĩnh, thực tế thì nội tâm đã bị tổn thương rất nhiều.

Khi chúng ta giận giữ, tốt nhất nên bình tâm lại sau đó hãy tìm trẻ để nói chuyện. 

Không nên lấy tâm trạng tồi tệ của mình để trút lên trẻ, như vậy có thể trở thành ác mộng một đời cho trẻ.

3. Chấp nhận đứa trẻ không hoàn mỹ

Một nhà tâm lý học nổi tiếng cho rằng, bảo trì mối quan hệ tốt giữa cha mẹ và con cái, quan trọng nhất chính là khiến chúng trở nên tốt hơn. 

Tư chất của mỗi đứa trẻ là khác nhau, nhưng ban đầu chúng cũng đều như trang giấy trắng, cũng đều có những sở trường, sở đoản riêng. 

Chúng ta không nên lấy nhược điểm của trẻ để so sánh với ưu điểm của trẻ khác. Điều quan trọng là hãy phát hiện những sở trường của trẻ và dẫn dắt chúng. Chấp nhận những thứ chưa hoàn mỹ ở trẻ, tâm khí bình hoà đối đãi những điều chưa đạt yêu cầu trong quá trình trẻ trưởng thành.

Một khi trong tâm bạn nhận thức được như vậy, đối những khuyết điểm và sai lầm của trẻ bạn sẽ không quá bị lưu tâm hoặc cầu toàn. 

Tình yêu đối với trẻ phải được đặt trên trên nền tảng giáo dục mới có thể bồi dưỡng ra một đứa trẻ tâm thân khoẻ mạnh và có khí chất.

Ngọc Trân (theo KanZhongGuo)