Vì sao canh tác hữu cơ lại có thể giúp chúng ta trị bệnh? Đây có phải là hy vọng duy nhất để bảo vệ nhân loại tương lai và duy trì sự ổn định của Trái Đất? Hãy nghe chia sẻ của Tiến sĩ Hari Nath ở Chennai, Ấn Độ trên Humans Who Grow Food: 

“Tôi từng là một nhà khoa học nghiên cứu về thuốc của Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng DRDO (Ấn Độ). Tôi từng làm việc ở Mỹ trong một thập kỷ để phát minh ra các loại thuốc về tim mạch đã được cấp bằng sáng chế. Tuy nhiên, tôi cảm thấy có lỗi vì thực tế là hầu hết các nghiên cứu của tôi bằng cách nào đó không đến được với công chúng; thay vào đó, nó đem lại lợi nhuận cho các công ty dược phẩm đa quốc gia. Thứ hai, tôi nhận ra rằng kiểu phương pháp nghiên cứu giản hóa này không giải quyết được nguyên nhân thực sự gây ra bệnh tật, nó chỉ giúp giảm nhẹ hoặc giảm đau tạm thời cho bệnh nhân, đồng thời cũng gây ra các tác dụng phụ không mong muốn.

Do đó, tôi quyết định sử dụng kinh nghiệm và kiến ​​thức khoa học của mình trong một lĩnh vực mà trực tiếp mang lại lợi ích cho xã hội trong việc tìm ra phương pháp chữa trị lâu dài cho các căn bệnh của con người. Nguyên nhân gốc rễ của tất cả các bệnh hiện đại của con người là do chất lượng và loại thực phẩm mà chúng ta đang ăn cũng như cách mà chúng ta đang sống.

Mẹ tôi bị đau khớp nhiều năm không thể chữa khỏi. Tình trạng của bà đã thúc đẩy tôi chuyển sang sử dụng thuốc thảo dược truyền thống và canh tác hữu cơ. Tôi trồng lúa thơm truyền thống, đậu, các loại hạt có dầu, nhiều loại thảo mộc và cây gia vị bản địa. Tôi cũng đã phát minh ra một loại thuốc thực phẩm (Moringa Bullet) làm từ nước ép lá chùm ngây tươi với các loại thảo dược truyền thống khác.

Canh tác hữu cơ không phải là trồng trọt, đúng hơn là chăm bón đất và khuyến khích các sinh vật sống trong đất phát triển mạnh trong khu vực trồng trọt. Một khi hệ sinh thái này của đất được thiết lập, đất sẽ tự nuôi dưỡng cây và đảm bảo năng suất của cây trồng mà không cần đầu vào bên ngoài đắt tiền.

Hiện tại tôi đã phát triển một vài phương pháp đơn giản để canh tác thành công mà không cần sử dụng bất kỳ loại phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu và chất kích thích tăng trưởng nhân tạo nào.

Tôi chuẩn bị phân hữu cơ bằng cách sử dụng phân bò, nước tiểu, chất tươi và chất khô từ cánh đồng của tôi và sử dụng nó làm chất cấy vi sinh vật cho đất để thúc đẩy hoạt động sinh học trong đất và tăng cường khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất.

Tôi cũng làm thuốc trừ sâu hữu cơ bằng cách sử dụng gừng, tỏi, ớt xanh và lá cây neem (một loại cây của Ấn Độ thường được sử dụng để làm thuốc chữa bệnh hoặc làm đẹp) được ngâm trong nước tiểu bò trong một tuần và phun 1/10 nồng độ vào cây lúc hoàng hôn để tránh sâu bệnh.

Tôi cũng pha một loại hỗn hợp của lá chùm ngây với buttermilk đã lên men (là phần chất lỏng còn lại của sữa sau quá trình sản xuất bơ) và phun lên cây vào buổi tối để cung cấp tất cả các chất dinh dưỡng cần thiết một cách trực tiếp thông qua rễ cây.

Rào cản lớn nhất tôi gặp phải ban đầu là sự thiếu hiểu biết về đất. Sau nhiều lần đến thăm các trang trại hữu cơ và làm tình nguyện viên, tôi đã hiểu được ý nghĩa của đất. Sau đó, mọi thứ đã trở nên tốt đẹp. Trong canh tác hữu cơ truyền thống, chúng tôi tuân theo chu kỳ nông nghiệp tự tái tạo của tự nhiên. Nó là 100% bền vững. Nó bảo toàn sức khỏe tổng thể của hệ sinh thái.

Tôi cùng với các thành viên trong gia đình tiếp cận cộng đồng nông nghiệp địa phương để truyền bá nhận thức về canh tác hữu cơ, giới thiệu lại những hạt giống bản địa, dạy họ cách tự làm phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu, v.v…

Nông nghiệp hữu cơ là một loại hình nông nghiệp không tốn kém, bền vững, là loại hình nông nghiệp duy nhất có thể giúp chúng ta trong tương lai. Nó vừa có thể giúp nuôi sống thế giới bằng thực phẩm lành mạnh – thực phẩm an toàn, vừa bảo vệ sức khỏe tổng thể của hệ sinh thái. Tất cả chúng ta hãy cùng nhau xây dựng niềm tin vào loại hình nông nghiệp này, vì sự tốt đẹp của thế giới. Và, chúng ta cũng phải hiểu rằng canh tác hữu cơ là một loại khoa học, là một hình thức nghệ thuật và là văn hóa; đó là một cách để nhận ra ‘Vasudeva Kutumbakam’ – có nghĩa là cả thế giới như một gia đình.”

 

Ngọc Chi

Xem thêm: