Tại Lễ ký kết giữa Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và đại diện Tổng cục Du lịch Triều Tiên chiều 28/3, các quan chức du lịch Bắc Triều Tiên bày tỏ mong muốn có thêm nhiều khách du lịch từ Việt Nam đến thăm đất nước này sau khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai tại Hà Nội vào tháng trước.

Với một nền kinh tế tê liệt bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, Triều Tiên đang muốn thúc đẩy ngành du lịch non trẻ của mình bằng cách thu hút thêm nhiều du khách nước ngoài. Hiện phần lớn lượng du khách đến Triều Tiên là khách Trung Quốc.

Sau Hội nghị Thượng đỉnh Trump – Kim lần hai diễn ra tại Hà Nội, ông Ham Jin, Tổng giám đốc Công ty du lịch quốc tế Triều Tiên (KITC) cho biết chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Kim Jong-un là một sự kiện quan trọng, qua đó cũng khuyến khích người dân Việt Nam tìm hiểu về Triều Tiên như một điểm đến mới.

Tận dụng cơ hội này, Triều Tiên lần đầu mở gian hàng tại Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM 2019 để quảng bá hình ảnh đất nước tới người dân Việt Nam.

Khách đến Triều Tiên có thể tham quan nhiều điểm đến văn hóa, lịch sử và thiên nhiên như thành cổ Kaesong, núi Kumgang, núi Paektu, núi Myohyang, bãi biển Wonsan và nhiều trải nghiệm đa dạng như đi bộ đường dài, trượt tuyết, lướt sóng…

Triều Tiên cũng hiện đang gấp rút hoàn thiện khu nghỉ dưỡng tại bãi biển Wonsan và trên núi Chilbo, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.

Thủ tục xin vào Triều Tiên khá đơn giản khi khách được cấp thị thực sau khoảng 4-5 ngày và không cần chứng minh tài chính. Phương tiện vận chuyển hay cơ sở hạ tầng du lịch của Triều Tiên cũng đủ điều kiện phục vụ du khách.

Năm ngoái, khoảng 300 lượt du khách từ Việt Nam đã tới du lịch Triều Tiên, chủ yếu vì tò mò muốn xem đất nước được cho là bí ẩn nhất thế giới như thế nào.

Con số trên đang ở mức rất khiêm tốn, do thông tin về đất nước Triều Tiên bị hạn chế, nhiều người lo ngại vì vấn đề an toàn.

Ngoài ra, khi tới Triều Tiên, du khách thường được kèm bởi giám sát người Triều Tiên và chỉ được thăm những địa điểm có sự cho phép của Chính phủ Triều Tiên.

Thêm vào đó, sự bất tiện trong di chuyển và chi phí cao cũng là nguyên nhân khiến du lịch Triều Tiên không trở thành một lựa chọn đối với đa số người dân Việt Nam.

1280px The statues of Kim Il Sung and Kim Jong Il on Mansu Hill in Pyongyang april 2012
Người dân Bắc Triều Tiên trước tượng đài của hai nhà cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il (Ảnh: Wikipedia)

Hiện chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Triều Tiên. Du khách Việt muốn sang Triều Tiên du lịch đều phải qua điểm trung chuyển là Trung Quốc bằng tàu hoả hoặc máy bay. Hãng hàng không Air Koryo đang triển khai những chuyến bay thuê nguyên chuyến (charter) từ các thành phố Trung Quốc như Thượng Hải, Đại Liên, Đan Đông, Quảng Châu… tới Bình Nhưỡng.

Để phát triển lượng du khách đến từ Việt Nam, Đại diện du lịch Triều Tiên mong muốn sẽ có các chuyến bay thẳng từ Việt Nam tới Triều Tiên trong thời gian tới nhằm phát triển du lịch giữa hai nước.

“Chúng tôi nghĩ rằng đường bay Bình Nhưỡng – Hà Nội sẽ đóng vai trò chủ chốt để du khách di chuyển thuận tiện”, ông Ham nói và bày tỏ kỳ vọng đón lượng khách Việt gấp 10 lần năm 2018, lên tới 3.000 lượt.

Được biết, hiện một số hãng du lịch Việt Nam đang xúc tiến để thúc đẩy các tour đi Triều Tiên bằng máy bay thuê nguyên chuyến (charter) với thời gian hơn 4 tiếng, tương đương thời gian bay sang Hàn Quốc. Dự kiến trong tháng 6/2019 sẽ có đường bay thẳng charter đầu tiên. Giá tham khảo cho tour 5 ngày đến Triều Tiên khoảng từ 27 – 30 triệu đồng.

Trong một diễn biến khác, vào tháng 7/2017, Hoa Kỳ đã cấm người Mỹ đến Bắc Triều Tiên sau cái chết của sinh viên Otto Warmbier, người đã bị bỏ tù sau khi bị cáo buộc ăn cắp poster cổ động từ một khách sạn. Warmbier được Triều Tiên trả về Mỹ sau 15 tháng giam cầm, nhưng trong tình trạng chết não, và qua đời không lâu sau khi về nhà.

Công dân Mỹ muốn tới Triều Tiên vì mục đích nhân đạo nhất định hoặc vì mục đích khác sẽ phải nộp đơn xin lên Bộ Ngoại giao Mỹ để được cấp phép đặc biệt.

Xuân Lan (t/h)

Xem thêm: