Nhật Bản vốn nổi tiếng thế giới là một quốc gia coi trọng giáo dục con người. Trường học luôn đề cao xây dựng nhân cách tốt và phát triển học sinh theo hướng toàn diện. Chính phủ thường ra những chính sách nhằm nâng cao cả về thể chất và tinh thần cho thế hệ tương lai của đất nước.

Nhật Bản rất chú trọng đến việc đầu tư bữa ăn giàu dinh dưỡng cho học sinh. Đặc biệt, bữa trưa ở nhiều trường học Nhật Bản được khéo léo tổ chức thành một tiết học bổ ích thay vì đơn thuần chỉ là ăn và thư giãn.

Truong hoc nhat ban 1, Trường học Nhật Bản

Một bài viết đăng tải trên trang City Lab của The Atlantic có tiêu đề “Chương trình ăn trưa ở trường học của Nhật Bản khiến các nước khác phải hổ thẹn” đã khám phá ra lý do làm nên thành công rực rỡ của chương trình mang tính quốc gia này.

Hơn 10 triệu học sinh tiểu học và trung học của 94% số trường học trên toàn Nhật Bản được đầu tư bữa ăn theo chương trình này.

Khác với các bữa ăn với đồ ăn được chế biến sẵn đem hâm nóng lại nhiều dầu mỡ như của một số quốc gia khác, bữa trưa ở trường học Nhật Bản được một đội ngũ nhà bếp của trường chuẩn bị hàng ngày với thực phẩm tươi được trồng trong vườn trường, do các em học sinh của trường tự trồng và chăm sóc.

truong hoc nhat ban

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ em Nhật đã hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, bữa ăn chuẩn mực như vậy cũng được các bậc phụ huynh và người lớn tuổi quan tâm. Bởi vậy người dân Nhật thường thanh mảnh, cân đối, và tỷ lệ béo phì ở mức thấp nhất thế giới.

>> Người Nhật và bí quyết cho thân hình mảnh mai

Tuy nhiên, điều độc đáo hơn cả ở Nhật Bản là việc các trường học biến bữa ăn trưa dành cho học sinh thành một tiết học về cuộc sống chứ không chỉ đơn giản là để “xả hơi”.

Nhat ban

Trong thời gian ăn trưa, nhà trường sẽ lồng ghép giáo dục kỹ năng sống cho trẻ từ cách chuẩn bị bày biện đồ ăn, phép tắc trong khi ăn, và dọn dẹp bàn ăn – điều này đối lập hoàn toàn với cảnh tượng lộn xộn, mất trật tự và bữa bãi trong giờ ăn trưa ở nhiều trường học trên thế giới.

Chính phủ Nhật Bản luôn đề cao trách nhiệm dạy dỗ để trẻ nhỏ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. Trong bài viết trên trang City Lab, Mimi Kirk cho biết:

“Có một thuật ngữ tiếng Nhật nói về ‘giáo dục thực phẩm và dinh dưỡng’ là Shokuiku. Năm 2005, trước thực trạng trẻ em bị rối loạn tiêu hóa, chính phủ Nhật đã ban hành một điều luật Shokuiku nhằm khuyến khích các trường học trong cả nước giáo dục trẻ nhỏ về kỹ năng lựa chọn thực phẩm tốt. Năm 2007, chính phủ chủ trương thuê giáo viên chuyên môn về dinh dưỡng để giảng dạy trong các trường học. Đội ngũ này tuy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ ở các trường tiểu học và trung học, nhưng nghiên cứu cho thấy rằng những hiệu quả tích cực mà chương trình giảng dạy của họ mang lại cho các em học sinh là không hề nhỏ và giảm thiểu lãng phí”.

Đoạn video sau đây là minh chứng cho tác dụng “kỳ diệu” của Shokuiki:

Video cho thấy quá trình từ chuẩn bị đồ dùng, tổ chức, phục vụ đến kết thúc bữa ăn của các em học sinh Nhật Bản.

>> 10 nét đặc trưng trong giáo dục khiến Nhật Bản cường thịnh

Mỗi bữa ăn, một nhóm học sinh được phân công nhiệm vụ “phục vụ” cho bữa ăn ngày hôm đó sẽ đến nhà bếp để lấy thức ăn. Sau khi được giao đồ ăn, các em cúi đầu và đồng thanh nói lời cảm ơn với nhân viên nhà bếp đã chuẩn bị bữa ăn rồi dùng xe đẩy mang cơm về lớp học.

Các em học sinh rửa tay, mặc đồng phục phù hợp (áo khoác, mũ chụp đầu, khẩu trang chuyên dụng), và “nhóm phục vụ” vui vẻ bưng đồ ăn để phục vụ cho các bạn cùng lớp với cá nướng sốt phi-lê, khoai tây nghiền, canh rau, bánh mì và sữa. Dường như là không có ai phàn nàn về đồ ăn.

truong hoc nhat ban 2

Giáo viên dùng bữa cùng học sinh, ăn mặc gọn gàng đúng mực và khởi xướng cho các em một cuộc thảo luận về nguồn gốc của thực phẩm.

Trong video trên, thầy giáo đã hướng dẫn các em thảo luận về khoai tây nghiền, một loại thực phẩm được trồng ngay trong vườn trường. Anh nói với cả lớp: “Các em sẽ trồng chúng vào tháng Ba và thu hoạch rồi thưởng thức chúng vào tháng Sáu”.

MimiKirk cho hay cuộc thảo luận có thể sẽ chuyển sang chủ đề khác như lịch sử hay văn hóa ẩm thực của Nhật Bản. Và bởi vậy, khoảng thời gian này đã trở thành một tiết học lý thú.

truong hoc nhat ban 3

Toàn bộ học sinh đều chuẩn sẵn một số đồ dùng cho bữa trưa như: đũa, khăn trải bàn và khăn ăn, bàn chải đánh răng. Kết thúc bữa ăn, các em ngồi nghỉ ngơi rồi chải răng, sau đó tích cực dọn dẹp trong 20 phút, vệ sinh lớp học, hành lang, lối vào và nhà tắm.

truong hoc nhat ban 6

truong hoc nhat ban 5

Việc tổ chức bữa ăn ở trường học nếu được triển khai tốt, sẽ có thể mang lại nhiều lợi ích cho trẻ nhỏ chứ không chỉ đơn giản là “nạp năng lượng” cho các em trong một ngày học tập ở trường. Điều này có thể giúp thế hệ sau hình thành thói quen ăn uống lành mạnh hơn, mở rộng vị giác của trẻ, và giúp các em am hiểu hơn về giá trị của thực phẩm.

Một chương trình giống như của Nhật Bản có thể giúp trẻ em phát triển kỹ năng sống, như việc bếp núc, khả năng phục vụ, và dọn dẹp sạch sẽ, chu đáo – điều này sẽ vô cùng hữu ích cho cuộc sống của các em cả trong hiện tại và tương lai.

Minh Minh
(Ảnh: CafCu Media)

Xem thêm: