Cuốn sách cổ “Di Kiên Chí Bổ” của tác giả Hồng Mai thời đại Nam Tống, Trung Quốc ghi lại một câu chuyện về việc nhặt được vàng trả lại người đánh mất, trong lòng sinh một niệm thiện mà biến vận rủi thành may mắn, đối với con người hiện đại chúng ta vẫn còn rất ý nghĩa.

shutterstock 1878414289
Ảnh minh họa. (Nguồn: ZengTengbo/ Shutterstock)

Vào năm Thuần Hi thứ bảy đời Tống Hiếu Tông (1180), có hộ dân họ Trương ở phố Đông Quan, Nhạc Bình (tỉnh Giang Tây ngày nay), chủ nhà Trương Ngũ Lang từng cho một người họ hàng vay mượn chiếc trâm vàng, nhưng đến lúc quá hạn vẫn chưa thấy trả lại. Vì vậy, ông Trương đã quyết định tự bỏ tiền ra mua lại và bảo người tỳ nữ Tuyết Hương mang tiền đi lấy trâm về.

Sau khi Tuyết Hương lấy được chiếc trâm vàng, trên đường về bỗng nhiên cần đi vệ sinh. Gặp phải việc bất tiện này, lo rằng sẽ đánh rơi nên nàng đã cắm nó vào vách tường, nhưng vừa đứng dậy bước đi liền quên mất. Tuyết Hương đi được hơn trăm bước mới chợt nhớ ra chiếc trâm vàng vẫn còn đang cắm vào vách tường nên vội vàng quay lại lấy. Thật không may là chiếc trâm quý không còn ở đó nữa.

Tuyết Hương đành buồn bã quay về, trong tâm không ngừng lo lắng. Bỗng nàng nhìn thấy một người cung thủ liền hỏi anh liệu có nhìn thấy chiếc trâm vàng không. Cung thủ trả lời rằng anh  không thấy. Cảm thấy quá thất vọng Tuyết Hương liền bật khóc và nói: “Bà chủ của tôi vốn nóng nảy và nghiêm khắc. Nếu chủ nhân biết tôi làm mất trâm vàng, nhất định sẽ cho rằng tôi có gian tình với ai đó nên đã đem trâm vàng cho người ta rồi, nói không chừng có thể sẽ đánh chết tôi. Vậy tôi thà đi tự vẫn trước còn hơn,” nói xong liền đi thẳng đến bờ sông.

Cung thủ dõi theo, sợ rằng nàng sẽ gieo mình xuống sông, vội kêu lớn: “Là tôi đang cầm chiếc trâm vàng, tôi mừng lắm, tưởng sẽ có vốn làm ăn. Nếu để nàng vì nó mà chết, tôi không đành lòng,” và rút vàng trâm vàng ra trả lại cho nàng.

Sau khi trở về nhà, Tuyết Hương đã kể chuyện này với chủ nhân của mình. Ông chủ Trương trầm ngâm một lúc rồi nói với vợ: “Tuyết Hương đã phục vụ chúng ta 30 năm và cố gắng không phạm một lỗi nhỏ nào. Nếu nàng ấy phải tự tử vì điều này thì thật oan uổng. Chi bằng nhân đây kết chuyện tốt, tìm một chỗ tử tế tính chuyện hôn nhân cho nàng.” Người vợ đã rất tán thành với ý tốt này của ông chủ Trương và trao trâm vàng cho Tuyết Hương, rồi tìm người tốt kết duyên cho nàng.

Về phần Tuyết Hương, nàng vẫn luôn cảm kích trước sự hối cải kịp thời của cung nhân, tiếc rằng lúc đó nàng đã vội vàng quay về, quên không hỏi tên anh.

Vài năm sau, khi đang đi lấy nước, Tuyết Hương nhìn thấy một người trông giống cung thủ trên chiếc thuyền chở đầy khách gần đó, bèn hỏi thăm. May mắn thay nàng đã tìm được đúng người. Tuyết Hương liền mời cung thủ đến chơi nhà.

Cung thủ từ chối vì đang trên đường chuyển công văn, sợ sẽ muộn thời gian nên không tiện rời thuyền. Tuy nhiên, trước thái độ thành khẩn của Tuyết Hương, người cung thủ cuối cùng đã đồng ý. Về đến nhà, Tuyết Hương nói với chồng rằng cung thủ đây chính là ân nhân năm xưa của nàng.

Họ đang cùng nhau thưởng trà và vui vẻ chuyện trò thì đột nhiên có tiếng ồn áo lớn từ bên ngoài. Hóa ra nước dâng lên cao lật thuyền ngay giữa sông. Dòng nước chảy xiết khiến cho mọi người đứng trên bờ không có cách nào ứng cứu. Cả 36 hành khách trên chiếc thuyền đều bị chết đuối, chỉ duy nhất người cung thủ kia đã may mắn thoát nạn.

Thái độ ban đầu của người cung thủ khi nhặt được trâm vàng cũng giống như nhiều người khác: muốn giữ vật có giá trị làm của riêng cho mình. Tuy nhiên, sự khác biệt là thiện niệm của anh đã xuất hiện vào đúng thời điểm quan trọng, để anh có thể sẵn sàng từ bỏ lợi riêng tư mà trả lại trâm vàng cho Tuyết Hương. Cũng chính thiện niệm này đã tạo nên duyên cớ, xui khiến anh đến nhà Tuyết Hương uống trà mà tránh được tử nạn. 

Khác với văn hóa coi trọng vật chất, tranh giành lợi ích thời hiện đại, văn hóa truyền thống thường đề cao lòng lòng tốt, coi trọng việc tu dưỡng bản thân, nuôi dưỡng lòng nhân ái, không ngừng nhắc nhở mình về nhân quả, tránh làm điều ác, chọn làm điều tốt, gieo mầm thiện quả đắc được phúc báo trong tương lai.

Ngay tại Việt Nam ta, trong thời đại kim tiền, sống vội, sống gấp này, vẫn hiện hữu đây đó những tấm lòng trinh bạch. Còn nhớ câu chuyện hồi tháng 7 năm ngoái về gia đình anh Tuấn chị Giàu nhặt được vàng trả lại khổ chủ. Mặc dù phải đối mặt với cuộc sống chật vật với thu nhập ít ỏi từ công việc thu gom rác, vợ chồng anh đã không ngần ngại trả lại “kho báu” tiền vàng “từ trên trời rơi xuống” này. Hành động nhân văn ấy của vợ chồng anh khiến nhiều người cảm phục và khen ngợi.

vc thu gom rac
Vợ chồng anh Tuấn chị Giàu vất vả bươn chải với nghề thu gom rác. (Ảnh chụp màn hình video)

Anh Tuấn chia sẻ thật lòng: “Chúng tôi suy nghĩ cái đó không phải của mình” cho dù là “hơn 10 năm thu gom rác, tôi chưa bao giờ nhặt được món đồ quý giá như lần này” nhưng “nói thật với lương tâm, tôi trả xong thấy nhẹ nhàng trong người”.

Điều gì đã thôi thúc vợ chồng anh lựa chọn quyết định này? Anh Tuấn chia sẻ: “Mình trả được cũng mừng, tạo tiếng thơm cho mình, cho con cái về sau. Cha mẹ làm gì thì con hưởng nấy.”

Mộc Lan (t/h)

Xem thêm: