Với sự leo thang của “lệnh cấm nhựa” ở nhiều khu vực, các loại túi vải cotton đa dạng ngày càng trở thành vật dụng thường dùng của mọi người. Chúng trông nhẹ nhàng và thân thiện với môi trường. Ngược lại, túi nilon luôn gắn liền với sự lãng phí và ô nhiễm môi trường. Chúng được cho là có thể đe dọa đến môi trường và an toàn sinh học, và phải mất hàng trăm năm mới có thể phân hủy. Liệu túi vải cotton có thực sự thân thiện với môi trường hơn túi nilon?

shutterstock 1435991630
Trong những năm gần đây, túi vải cotton thân thiện với môi trường được coi là một giải pháp thay thế hoàn hảo cho túi nilon dùng một lần. (Nguồn: Igisheva Maria/ Shutterstock)

Trên thực tế, sự thật đằng sau sẽ khiến người ta kinh ngạc nhiều hơn. Hơn nữa xu hướng sử dụng loại túi thân thiện với môi trường này còn có thể gây ra hàng loạt các vấn đề mới.

Trong những năm gần đây, túi vải cotton thân thiện với môi trường được coi là một giải pháp thay thế hoàn hảo cho túi nilon dùng một lần. Do dễ in ấn và quy trình sản xuất đơn giản, túi vải cotton còn trở thành một mặt hàng thời trang. Nhiều tổ chức thương mại hoặc tổ chức bảo vệ môi trường coi túi vải cotton là “phương tiện tiếp thị lý tưởng thân thiện với môi trường.”

Tuy nhiên, từ việc xem xét toàn diện các khâu thu mua nguyên liệu, sản xuất, lưu thông, vòng đời sản phẩm và các kênh tái chế, có thể thấy túi vải cotton thân thiện với môi trường kỳ thực lại không hề thân thiện với môi trường như mọi người vẫn nghĩ. Thậm chí chúng có thể còn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hơn.

Một nghiên cứu năm 2018 của Bộ Môi trường và Thực phẩm Đan Mạch cho thấy, một túi vải cotton hữu cơ phải được sử dụng 20.000 lần, mới có thể thực sự bù đắp cho những ảnh hưởng tổng thể của nó tới môi trường trong quá trình sản xuất. Điều này tương đương với việc bạn cần kiên trì sử dụng cùng một chiếc túi xách mỗi ngày trong suốt 54 năm.

Screen Shot 2021 11 18 at 5.24.18 AM
(Chụp màn hình The New York Times)

Giáo sư Travis Wagner tại Khoa Khoa học Môi trường thuộc Đại học Maine, Hoa Kỳ, nói với New York Times rằng việc sản xuất túi vải cotton cần rất nhiều tài nguyên nước. Xử lý những chiếc túi vải cotton đã bỏ đi theo cách thân thiện với môi trường nhất, có lẽ không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ.

Giả sử một túi vải cotton được đưa vào nhà máy xử lý rác. Hầu hết thuốc nhuộm dùng để in nhãn hiệu trên túi đều được làm từ Polyvinyl chloride (nhựa dẻo PVC) không thể tái chế.

Ông Christopher Stanev, người đồng sáng lập Evrnu, một công ty tái chế hàng dệt có trụ sở tại thành phố Seattle, cho biết những loại thuốc nhuộm này “cực kỳ khó phân hủy về mặt hóa học”. Vì vậy phần hoa văn của túi vải cotton phải được cắt bỏ. Theo ước tính của ông, khoảng 10% đến 15% sản phẩm làm từ vải cotton mà công ty Evrnu nhận được đều bị lãng phí vì lý do này.

Ngoài ra, quy trình trồng bông, sản xuất túi vải cũng cần chiếm dụng đất đai, tiêu tốn nhiều năng lượng hơn. Thậm chí còn phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Ngược lại, mặc dù túi nilon không dễ phân hủy và có tác động tiêu cực hơn đến đa dạng sinh học biển, nhưng chúng cần rất ít tài nguyên để sản xuất và vận chuyển. Ngoài ra, từ góc độ phương pháp tái chế, nếu xét về trọng lượng và thể tích, túi nilon cũng dễ tái chế hơn so với các sản phẩm thay thế này.

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là túi vải cotton tệ hơn túi nilon. Mục đích của việc so sánh 2 chất liệu này, là để mọi người thấy rõ rằng những chiếc túi mua hàng được tung ra không ngừng này, không phải là giải pháp tốt nhất để bảo vệ môi trường.

Theo New York Times, tháng 4 năm nay cô Buffy Reid, người đồng sáng lập “& Daughter’s”, thương hiệu dệt kim của Anh, đã ngừng sản xuất túi vải cotton. Thương hiệu chăm sóc da Aesop bắt đầu sản xuất 60% túi vải cotton tái chế và 40% túi vải sợi cotton hữu cơ. Thương hiệu Hindmarch đã tung ra phiên bản mới của túi xách nguyên bản làm từ chai nước tái chế. Cửa hàng bách hóa Nordstrom cũng sử dụng túi mua sắm bằng chất liệu tương tự trong các cửa hàng của mình.

Còn theo số liệu của Cục bảo vệ môi trường nước Anh, túi bông dệt từ bông trông thì có vẻ bảo vệ môi trường, nhưng trong quá trình trồng bông, chế tạo túi bông, cũng phải tiêu tốn rất nhiều nước và tài nguyên. Như vậy tính ra cần phải tái sử dụng 131 lần, mới có thể bảo vệ môi trường so với việc thu hồi, tái sử dụng túi nilon. Ngoài ra, quá trình sản xuất túi giấy cũng phải tiêu hao một lượng nước và năng lượng rất lớn, còn hao phí rất nhiều chi phí vận chuyển. Nếu muốn bảo vệ môi trường như việc thu hồi, tận dụng túi nilon, thì túi giấy cần tái sử dụng 3 lần mới ổn.

Tóm lại, dù chiếc túi mua hàng được sử dụng bằng chất liệu gì, thì điều cốt yếu vẫn là tái sử dụng để tối đa hóa vòng đời của chúng.

Raoul Thulin, con trai của Sten Gustaf Thulin – nhà phát minh túi nilon, từng bất lực bày tỏ rằng ban đầu cha của ông cho rằng túi giấy không chắc chắn, không bảo vệ môi trường, nên mới phát minh ra túi nilon. Ông không thể ngờ được rằng mọi người lại có thể tùy tiện vứt bỏ túi nilon như vậy.

“Mỗi khi ra ngoài, trong túi cha tôi thường có một cái túi nilon. Hiện nay mọi người mới khích lệ nhau mang túi theo khi đi chợ, nhưng từ những năm thập niên 70, 80 cha tôi đã làm như vậy rồi. Ông cho rằng đây là điều đương nhiên.”

Đọc thêm câu chuyện về Sten Gustaf Thulin tại đây: Phát minh túi nilon: “Nguyện vọng ban đầu của cha là cứu Trái Đất”

Vĩnh Hằng

Video: Thêm một nạn nhân nữa của nhựa: Ốc mượn hồn