Khi một người bước sang tuổi trung niên, cái tuổi có thể nói rằng rất nhiều sự việc trên đời đã thấu tỏ, bản thân kinh qua vô số thăng trầm, lúc ấy người ta biết rằng có những điều không nên quên và những điều đừng nên làm.

tuổi trung niên
Tuổi trung niên đừng quên những “3 điều” này. (Ảnh: Naparat/ Shutterstock)

3 điều không nên so đo

1. Tiền tài

Khi bạn còn trẻ, bạn có thể cảm thấy rằng có tiền nghĩa là có tất cả. Khi đến tuổi trung niên, bạn nhận ra rằng tiền bạc không thể mua được tình yêu, sức khỏe và hạnh phúc thực sự. 

Tiền là vật ngoài thân, người ta cả đời nếu dùng thủ đoạn để tranh đoạt thì dù có nhiều đến mấy, lúc cuối đời rời bỏ thế gian cũng không thể mang theo.

Dù bạn có nhiều tiền đến đâu thì hạnh phúc và sự bình yên trong tâm hồn vẫn là điều trân quý nhất.

Tuy nhiên đối với tuổi trẻ, siêng năng chịu khó làm việc, kiếm những đồng tiền chân chính là điều rất đáng khen ngợi, vì thực tế tiền cũng là điều kiện cơ bản của cuộc sống. Nhưng không nên vì tiền mà bất chấp và đánh đổi tất cả, hãy giữ cho mình một thái độ bình ổn trước tiền tài và danh vọng.

2. Con cháu

Trong con mắt của người lớn, con cháu luôn phải nỗ lực để công thành danh toại, rạng rỡ tổ tiên, coi đó là điều tốt nhất với chúng, do đó áp đặt lên con cháu quá nhiều kỳ vọng.

Những mong muốn này một phần bắt nguồn tình yêu thương vô bờ bến, luôn mong điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con cháu mình, nhưng hãy lý trí hơn trong việc giáo dục và định hướng tương lai của chúng. Quan trọng nhất vẫn chính là sự thấu hiểu và đồng cảm.

Một phần lại đến từ sự so sánh hơn thua. Cả đời bươn chải vì cuộc sống vốn đã vất vả, đến tuổi già nên được nghỉ ngơi, nhưng điều khiến người ta mệt mỏi không yên lại chính là cái tâm so đo này.

Không có một khuôn mẫu duy nhất nào cho hạnh phúc, đừng áp đặt định nghĩa thành công của chúng ta cho con cái.

Cuộc đời mỗi người đã được định sẵn, chỉ cần nỗ lực, điều gì nên có thì sẽ có, vì vậy, thành hay bại hãy thuận theo tự nhiên. Trên đời không có gì quan trọng hơn sức khỏe, sinh mệnh là trân quý nhất.

3. Hôn nhân

Luôn nhìn vào hạnh phúc hôn nhân của người khác để so sánh với hôn nhân của chính mình, đó chính là điều khiến bản thân đau khổ càng thêm đau khổ.

Hôn nhân như một bức tranh đa chiều, và bản thân chúng ta chính là người họa sĩ vẽ nên tác phẩm này. Suy nghĩ và cảm nhận như thế nào sẽ vẽ ra như thế ấy, màu sắc tươi sáng hay u ám chính là tự mình tạo nên.

Hôn nhân cũng giống như một ngôi nhà, mà bản thân chính là người thợ xây nên, hạnh phúc hay bất hạnh cũng chính tự tay mình làm ra. Mỗi thành viên đều luôn có trách nhiệm xây dựng và vun đắp cho hạnh phúc ấy.

Có những người bản thân họ luôn nhìn hướng ra bên ngoài, nhìn vào hạnh phúc của người khác rồi tự than trách bản thân rằng tại sao mình không được may mắn như thế.

Nhưng có câu, chỉ có đôi chân mới biết đôi giày đó có vừa vặn hay không, và chỉ bản thân mới biết ở trong nhà có thoải mái hay không. So sánh với những thứ của người khác, là điều tồi tệ nhất trong hôn nhân, bạn sẽ chỉ tự hủy hoại chính hạnh phúc hôn nhân của mình.

Dù sống trong ngôi nhà to hay nhỏ, chỉ cần ta biết tự hài lòng và biết ơn mọi thứ trong đó thì đã là hạnh phúc rồi.

tuổi trung niên
Tuổi trung niên đừng so đo làm khổ mình, trên đời không có gì quan trọng hơn sức khỏe, sinh mệnh là trân quý nhất. (Ảnh: NassornSnitwong/ Shutterstock)

3 điều không nên nói

1. Đừng thuận miệng nói

Cổ nhân có câu: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Khi lời nói mang theo sự thiện lương sẽ làm người nghe cảm động, là sự khích lệ cho ai đó đang trong bế tắc hay đau khổ, ngược lại lời nói mang ác ý sẽ vô tình làm tổn thương người ta, thậm chí có thể mang đến những hậu quả nghiêm trọng. 

Cuộc đời là một hành trình dài đằng đẵng, chúng ta mất vài năm để biết nói và phải mất cả đời để học cách im lặng. 

Đối với người khác đừng quá bắt bẻ và đòi hỏi sự hoàn hảo ở họ. Ngược lại, đối với bản thân cần cẩn thận nghiêm khắc yêu cầu tự hoàn thiện mình.

Càng trưởng thành, càng cần biết tiết chế và tự chủ, thận trọng trong lời nói và việc làm, trước khi mở miệng nên suy nghĩ và cân nhắc kĩ lưỡng.

Tuy nhiên trong cuộc sống cũng có những hoàn cảnh người nào đó bị oan ức, bất hạnh hay bị ức hiếp. Hãy dũng cảm lên tiếng, bảo vệ người yếu thế hơn mình. Ấy mới là người có đạo nghĩa.

2. Đừng bàn luận về khuyết điểm của người khác

Không ai là hoàn hảo cả, ai cũng có những khuyết điểm và thiếu sót của riêng mình.

“Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi”, câu cổ ngữ này khuyên người ta cần thường xuyên tìm thời gian yên lặng, tĩnh tại suy xét lại chính mình, từ đó nhận ra và sửa chữa lại sai lầm, làm cho bản thân tiến bộ hơn lên; còn khi nói chuyện thì không nên tùy tiện đàm luận sai lầm khuyết điểm của người khác.

Lùi một bước biển rộng trời cao, khi bạn tự nhìn vào khiếm khuyết của mình và sửa đổi, con đường phía trước sẽ rộng mở, tấm lòng thoáng đãng. Còn nếu cứ nhìn vào lỗi của ai đó, mọi thứ trong bạn chỉ là oán trách, hận thù và bế tắc.

3. Đừng nói lời phàn nàn

Khi gặp chuyện không may mắn, đừng oán trách số phận và oán trời cao không công bằng.

Phàn nàn không thay đổi được kết quả, khi vấp vã hay thất bại thay vì bạn ngồi đó oán trách hãy đứng dậy và bắt đầu lại. 

Thay vì phàn nàn, hãy thay đổi và biến tất cả những lời phàn nàn và không hài lòng của bạn thành động lực.

tuổi trung niên
Khi lời nói mang theo sự thiện lương sẽ làm người nghe cảm động, là sự khích lệ cho ai đó đang trong bế tắc hay đau khổ. (Ảnh: Dragon Images/ Shutterstock)

3 điều không nên “tranh”

1. Không tranh với thời gian

Khi nhìn thấy thành công của người khác, bạn cũng cần nhìn nhận những nỗ lực phía sau của họ. Để có được thành công như hiện tại thì trước đó là cả một quá trình dài gian nan. Cần hiểu một chân lý rằng mọi thành công không đến từ sự nóng vội và gấp gáp. 

Muốn đạt được điều gì thì đều cần nỗ lực, nhẫn nại và chờ đợi. Nếu đã trải qua một đoạn thời gian cố gắng nhưng vẫn chưa đạt được thành tựu thì cũng đừng nên nản lòng hay bỏ cuộc. Đời người là một hành trình dài, chưa khi nào là quá muộn nếu chúng ta thật sự muốn làm. Trong quá trình ấy cái khiến người ta muốn bỏ cuộc nhất chính là sự cô đơn và tuyệt vọng nhất thời. Hãy luôn giữ ý chí kiên định và quyết tâm bạn nhé.

2. Không tranh luận điều nhỏ nhặt

Hoàn cảnh khác nhau và quan điểm nhận thức khác nhau về các vấn đề sẽ dẫn đến các kết quả khác nhau.

Người tế nhị sẽ tự nhận thức đúng sai ở trong lòng, không cần phải tranh luận quan điểm cá nhân để làm rõ những chuyện vụn vặt. Họ nhìn nhận vấn đề trên một phương diện rộng lớn hơn. 

3. Không tranh sự phô trương 

Người ta nói, “súng nhắm chim đầu đàn, bàn mổ chờ heo mập”, tranh nhau sự phô trương để thể hiện lợi thế của mình chưa hẳn đã mang lại cho mình lợi ích gì, có khi vì thế mà luôn gặp cản trở.

Người khiêm tốn làm tốt các việc mà không cần nói nhiều, đừng lo người khác không nhìn thấy công lao của bạn, cuộc sống luôn công bằng, bạn xứng đáng được gì, điều đó chắc chắn sẽ đến với bạn.

3 điều đừng quên

1. Đừng quên ý định ban đầu

Cuộc sống phức tạp đã khiến nhiều người đánh mất chính mình. Quên mất sứ mệnh mà bản thân cần làm trong đời.

Mỗi người chỉ có một lần được sống và được làm chủ chính cuộc đời của mình, khi tuổi đời qua đi thì vĩnh viễn không thể quay trở lại. Vì vậy mỗi khi bạn cảm thấy cuộc sống đang trôi đi vô nghĩa hoặc những thất bại khiến bạn nản lòng, thì hãy nhìn lại chặng đường mình đã đi qua và nhớ lại mục đích ban đầu của mình.

Chỉ khi bạn thời thời khắc khắc ghi nhớ mục đích ban đầu của mình thì bạn mới có đủ động lực, niềm tin để không bị lạc mất phương hướng trong cuộc sống ồn ã này. Mỗi ngày trôi qua đi sẽ không thể trở lại, đừng lãng phí nó dù chỉ một giây quý báu bạn nhé.

2. Đừng quên hiếu nghĩa thân tình

Người ta thường nói rằng, nhà là nơi để về, dù bạn đi khắp núi nam bể bắc nhưng chốn bình yên nhất chính là gia đình. Khi cha mẹ còn, thì ta còn chốn để về, khi cha mẹ không còn thì ta cũng không còn nơi ấy mà lui tới nữa.

Cổ nhân nói “Bách thiện hiếu vi tiên” (Trăm cái thiện thì hiếu thảo là đứng đầu). Hiếu thảo là một mỹ đức truyền thống được đề cao suốt hàng nghìn năm qua. Đức tính này đã giúp các gia đình trên dưới thuận hòa, từ đó khiến cho đất nước hòa bình, thịnh vượng.

tuổi trung niên
Khi cha mẹ còn, thì ta còn chốn để về, tuổi trung niên đừng quên hiếu nghĩa thân tình. (Ảnh: Iammotos/ Shutterstock)

3. Đừng quên nhân nghĩa ân tình

Lòng biết ơn chính là một đức tính cao đẹp của con người, cây cao vạn trượng cũng không bao giờ quên cội nguồn, người nếu công thành danh toại thì chớ quên ân nghĩa. Chỉ khi luôn biết ơn và nhớ đến sự ban ân của người khác thì mọi sự việc trong đời của bạn mới thuận buồm xuôi gió.

Tuy nhiên trong xã hội ngày nay có rất nhiều người không có lòng biết ơn, ngay cả với cha mẹ và người đã giúp đỡ mình. Những người này thường sẽ không được mọi người tin tưởng và hợp tác giúp đỡ. Vì vậy để có một con đường rộng mở trong đời, hãy luôn có lòng biết ơn và đền đáp. 

Theo Vision Times

Trúc Nhi biên tập