Sự ép buộc sẽ không làm cho con cái nghe lời bạn. Hãy tạo ra những quy tắc chính đáng, giải thích rõ ràng và dành cho con tình yêu thương vô điều kiện để con vui lòng nghe theo những gì bạn nói.

dạy con tuân thủ quy tắc
(Nguồn: Andrea Piacquadio/ Pexels)

Nuôi dạy con cái không bao giờ là nhiệm vụ đơn giản. Nhu cầu của những đứa trẻ (và cả bậc phụ huynh) gần như thay đổi mỗi ngày. Trong thời hiện đại, các bậc cha mẹ phải làm việc nhiều hơn, sức khỏe kiệt quệ hơn, công nghệ trở thành người bầu bạn chính với những đứa trẻ. Mặc dù việc nuôi dạy trẻ trong các thời kỳ khác nhau sẽ rất khác nhau, nhưng về cơ bản, chúng ta phải lưu ý 3 vấn đề sau:

– Muốn nuôi dạy con cái hiệu quả bạn cần tạo sự cân bằng giữa sự ấm áp và sự đòi hỏi dành cho con.

– Nghiêm khắc trong việc nuôi dạy con không đồng nghĩa với sự ép buộc.

– Trẻ em thường tuân theo các quy tắc mà chúng cho là công bằng và hợp lý.

1. Tạo sự cân bằng giữa sự ấm áp và sự đòi hỏi dành cho con

Cha mẹ cần tạo ra bầu không khí ấm áp, hạnh phúc chung để nhận được sự hợp tác của con cái. Một đứa trẻ 2 tuổi với 12 tuổi sẽ có tâm lý khác nhau nên bạn cần thay đổi cách cư xử với chúng theo thời gian. Bạn cũng cần phải dạy con cách thích nghi với nhu cầu của người khác. Những đứa trẻ ngoan, biết nghe lời chắc chắn sẽ biết cách nên cư xử thế nào trong lớp học hoặc trên sân chơi.

Để dạy con như vậy, bạn cần chú ý 2 khía cạnh:

– Sự ấm áp hoặc sự hỗ trợ: Cha mẹ hãy mang đến cho con cảm giác được yêu thương vô điều kiện. Hãy để con hiểu rằng bạn luôn ủng hộ chúng và sẽ bảo vệ chúng khỏi tổn thương. Mọi đứa trẻ đều sẽ tự tin hơn, làm mọi thứ tốt hơn khi cảm thấy được yêu thương vô điều kiện.

– Sự đòi hỏi, kỳ vọng của cha mẹ dành cho con cái: Là những điều mà bạn yêu cầu con cái phải cư xử đúng mực và sống có trách nhiệm tương ứng với lứa tuổi của chúng, những quy tắc chính đáng phải tuân thủ trong đời sống hằng ngày về cách cư xử, sinh hoạt, giờ giấc, ăn uống, ngủ nghỉ, học tập. Bạn cần dạy dỗ, truyền đạt các tiêu chuẩn cho con song song với việc thực thi các tiêu chuẩn đó. Bạn cần nói rõ cho con biết khi nào chúng làm tốt và khi nào thì không.

Cha mẹ uy quyền nhưng thấu hiểu có thể cân bằng tốt giữa hai yếu tố trên. Họ muốn con mình lớn lên một cách tự tin, được mọi người yêu quý và không gây rắc rối. 

Các phụ huynh dễ tính thường tạo ra bầu không khí ấm áp, dễ chịu nhưng lại thiếu đi sự đòi hỏi (khắt khe) với con. Họ muốn con cư xử đúng mực, ngoan ngoãn nhưng lại không dạy chúng cách để thực hiện. 

dạy con tuân thủ quy tắc
Các bậc cha mẹ độc đoán đặt ra nhiều quy tắc cá nhân hơn nhưng lại không thực thi chúng. (Ảnh: arrowsmith2/ Shutterstock)

Ngược lại, cha mẹ độc đoán đòi hỏi rất nhiều ở con nhưng lại yếu kém trong việc tỏ ra ủng hộ, thương yêu con. Con cái của họ có xu hướng bên ngoài thì tuân thủ các quy tắc nhưng trong lòng lại rụt rè, lo lắng, dễ bị trầm cảm.

Trẻ em cho rằng các phụ huynh uy quyền nhưng thấu hiểu là những người ủng hộ chúng nhiều nhất. Mặc dù không phải lúc nào chúng cũng thích tuân theo quy tắc nhưng chúng coi đó là dấu hiệu cho thấy cha mẹ đang quan tâm đến chúng. Cha mẹ uy quyền đặt ra ít quy tắc hơn cha mẹ độc đoán nhưng lại hết sức nghiêm túc. Họ nhất định sẽ thực thi đúng như những gì đã nói. Các bậc cha mẹ dễ dãi có lối nuôi dạy con khá buông thả. Họ muốn con ngoan nhưng lại không cố gắng biến điều đó thành hiện thực, thậm chí họ còn tức giận khi con không cư xử như kỳ vọng. 

Bài học thứ nhất: Trẻ em có nhiều khả năng tuân theo các quy tắc hơn khi bạn:

– Đặt ra quy tắc.

– Truyền đạt rõ ràng quy tắc đó là như thế nào.

– Nói rõ khi nào con cần thực hiện, khi nào không. 

– Hãy để con hiểu rằng bạn yêu thương chúng vô điều kiện.

2. Nghiêm khắc trong việc nuôi dạy con không đồng nghĩa với sự ép buộc

Cha mẹ nên trao quyền tự chủ cho con thay vì ép buộc, cưỡng chế chúng. Bạn không nên kiểm soát con cái bằng cách tạo ra những suy nghĩ lệch lạc trong đầu chúng như: “Nếu con yêu mẹ thì con phải nghe lời mẹ”, “Đứa trẻ ngoan sẽ không hành động như thế”, “Con mà còn làm thế mẹ sẽ không yêu con nữa”. Những đứa trẻ được nuôi dạy theo phong cách ép buộc nhìn bên ngoài có vẻ như chúng đang làm tốt nhưng bên trong chúng lại có xu hướng cảm thấy tội lỗi, bản thân tồi tệ, làm không đủ tốt. 

Bài học thứ hai: Muốn nuôi dạy con hiệu quả bạn cần tập trung vào hành vi của con chứ không phải đánh giá con người chúng.

3. Nuôi dạy con cái hiệu quả cần tính chính đáng và cả sự hạn chế

dạy con tuân thủ quy tắc
Cha mẹ và con cái cần nói chuyện, thỏa thuận với nhau về các lĩnh vực mà cha mẹ nên hay không nên can thiệp. Nếu thấy quy tắc của cha mẹ là chính đáng, trẻ sẽ tin và tuân theo. (Ảnh: Shutterstock)

Cha mẹ uy quyền nhưng thấu hiểu rất nghiêm khắc (nhưng họ đặt ra ít quy tắc hơn so với cha mẹ độc đoán). Các quy tắc của họ thường nhắm đến nhiều mục tiêu hơn và được thực thi nhất quán hơn. Các bậc cha mẹ nuôi dạy con hiệu quả có xu hướng sử dụng quyền lực một cách chính đáng. 

Hầu như tất cả trẻ em đều tin rằng cha mẹ nên đặt ra các quy tắc để giữ an toàn cho chúng (như không hút thuốc, không chơi với diêm), giúp chúng trở thành người tốt hơn, có đạo đức hơn (như không được ăn cắp, không được đánh em) và giúp chúng hòa nhập với cộng đồng (như phải ăn mặc lịch sử, không được chửi thề trong trường). Trẻ em xem việc đặt ra các quy tắc trong các lĩnh vực như giữ an toàn, đạo đức, lễ nghi là một phần công việc của cha mẹ. Những nguyên tắc này sẽ được xếp vào khu vực thuộc “thẩm quyền hợp pháp”. 

Trẻ em (và cả các bậc cha mẹ) đều không nghĩ rằng cha mẹ có quyền kiểm soát các lĩnh vực cá nhân trong cuộc sống như: “Màu sắc yêu thích của trẻ là gì?”, “Trẻ đang chơi với ai?”, “Trẻ làm gì để giải trí?” Tuy nhiên, trên thực tế thì những vấn đề này khá mâu thuẫn. Nếu con đang chơi với một người bạn hư hỏng thì sao, cha mẹ sẽ phải làm gì? Mặc quần bò rách đến nhà thờ là việc thuộc sở thích cá nhân của con hay cha mẹ được phép can thiệp? Cha mẹ nên góp ý với con thế nào khi thấy chúng đang chơi một trò bạo lực?

Cha mẹ và con cái cần nói chuyện, thỏa thuận với nhau về các lĩnh vực mà cha mẹ nên hay không nên can thiệp. Nếu thấy quy tắc của cha mẹ là chính đáng, trẻ sẽ tin và tuân theo. Còn với những quy tắc chúng không thích, bạn nên để con có cơ hội hỏi lại để bạn giải thích rõ ràng hơn. Với các quy tắc chính đáng, trẻ em có xu hướng không nói dối khi không muốn tuân theo. 

  1. Lợi ích dài hạn
dạy con tuân thủ quy tắc
Đặt ra các quy tắc chính đáng có thể khiến trẻ em thoải mái nghe lời, về lâu dài, trẻ cũng sẽ có xu hướng tiếp tục đồng tình với các quy tắc (chính đáng mới) mà bạn đặt ra. (Ảnh minh họa: Milatas, Shutterstock)

Một trong những điểm mạnh của cha mẹ uy quyền nhưng thấu hiểu là họ có xu hướng đặt ra các quy tắc trong các lĩnh vực chính đáng, tránh các lĩnh vực riêng tư (họ vẫn đưa ra ý kiến nhưng không đặt ra quy tắc). Một khi đã đặt ra quy tắc thì họ sẽ nghiêm túc thực hiện. Các bậc cha mẹ độc đoán đặt ra nhiều quy tắc cá nhân hơn nhưng lại không thực thi chúng. Cha mẹ dễ dãi thì không đặt ra quy tắc cả trong những lĩnh vực mà bản thân trẻ cũng cho rằng chúng nên làm.

Đặt ra các quy tắc chính đáng có thể khiến trẻ em thoải mái nghe lời cha mẹ hơn. Về lâu dài, trẻ cũng sẽ có xu hướng tiếp tục đồng tình với các quy tắc (chính đáng mới) mà bạn đặt ra. Các bậc cha mẹ hãy cố gắng thấu hiểu con, đặt ra các quy tắc hợp lý để con sống tốt hơn, không phải để kiểm soát con, có như vậy thì cha mẹ và con cái mới có thể hòa thuận, giao tiếp hiệu quả và tạo ra không khí gia đình đầm ấm.