“Bao giờ lấy chồng/vợ”, có lẽ đây là câu mà rất nhiều người trẻ đã đến tuổi mà chưa kết hôn sợ bị hỏi nhất mỗi lần về nhà đón năm mới. Thật ra, Hàn Quốc cũng có hiện tượng tương tự. Gần đây đã có báo cáo rằng tỷ lệ kết hôn của người Hàn Quốc giảm mạnh – đạt một mức thấp mới, thậm chí ngay cả hẹn hò cũng rất “lười”.

Theo tờ “Up Media” đưa tin vào ngày 23/1, có rất nhiều thanh niên độc thân ở Hàn Quốc bị phụ huynh hối thúc kết hôn, thậm chí người thân bạn bè và đồng nghiệp cũng quan tâm đến vấn đề “kết hôn của bạn”. Nhưng do nhiều nguyên nhân, ngày càng có nhiều người Hàn Quốc bắt đầu tránh bước vào hôn nhân, thậm chí ngay cả hẹn hò mà họ cũng rất lười.

Tỷ lệ kết hôn của người Hàn giảm, ngay cả hẹn hò cũng rất “lười”
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

90% nam giới Hàn trong độ tuổi 25-29 còn độc thân, nam nữ độc thân sợ nhất là bị giục kết hôn

Cuộc khảo sát vào ngày đầu tháng 1 được Tổ chức Y tế và Xã hội Hàn Quốc công bố cho thấy, tính đến năm 2012, trong những đối tượng khảo sát thuộc độ tuổi 20-44, có chưa đến 40% người tích cực hẹn hò, còn tỷ lệ muốn kết hôn lại càng thấp hơn.

Theo tờ “The Korea Herald”, vào năm 2015, nam nữ trong độ tuổi 25-29 lần lượt có tỷ lệ độc thân là 90% và 70%; tỷ lệ này là 56% đối với nhóm tuổi 30-34 và giảm xuống còn 33% ở độ tuổi 40-45. Theo so sánh, kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu dân số và An ninh xã hội quốc gia Nhật Bản năm 2015 cho thấy, chỉ có 23% và 14% nam nữ chưa từng kết hôn trước 50 tuổi.

Theo bài báo, một người đàn ông 34 tuổi sống tại Seoul chia sẻ với tờ South China Morning Post rằng, mỗi lần về nhà, anh đều bị bố mẹ giục kết hôn. Ban đầu chỉ là nói đùa, nhưng dần dần hễ kết thúc cuộc trò chuyện thì đều sẽ trở nên rất nghiêm túc.

Một cô gái 32 tuổi làm việc tại Seoul cũng có trải nghiệm tương tự. Cô cho hay, thậm chí có người lần đầu tiên gặp mặt cũng hỏi cô “Tại sao chưa kết hôn?”, đặc biệt là những người lớn tuổi, còn những người trẻ tuổi thì khá ít, vì họ dần dần nhận thấy rằng hỏi như vậy có hơi xúc phạm và không cần thiết phải hỏi.

Thời gian làm việc quá nhiều là một trong những nguyên nhân của việc độc thân

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thống kê, thời gian làm việc trung bình trong năm 2017 của người Hàn Quốc nhiều hơn 250 giờ đồng hồ so với những người Mỹ làm cùng ngành nghề, nhiều hơn 424 giờ đồng hồ so với giờ lao động ở ở Đức. Vào năm 2018, Job Korea đã khảo sát 1.141 người và phát hiện có 68,3% người tập trung vào việc phát triển sự nghiệp, 47,5% người lo lắng về vấn đề tài chính.

Chi phí kết hôn cao, một đôi vợ chồng trẻ ước tính phải mất 90.000 USD để kết hôn

Theo tờ South China Morning Post, tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc dao động trong khoảng 3,4% trong suốt 17 năm, mức lương trung bình năm 2017 chỉ bằng một nửa so với mức trung bình của Mỹ, tức là khoảng 31.650 USD/năm, nhưng một cuộc khảo sát vào năm 2013 cho thấy một đôi vợ chồng trẻ phải bỏ ra trung bình 90.000 USD vào các khoản chi phí thuê nhà hàng, tiền biếu bố mẹ và quà tặng khi kết hôn. Hơn nữa gánh nặng về chi phí này hoàn toàn không biến mất sau khi hôn lễ kết thúc.

Một người phụ nữ Úc vừa mới trở thành con dâu ở Hàn Quốc cảm thấy hôn nhân thường bị rất nhiều gia đình xem là “giao dịch vật chất”, họ mặc cả và thể hiện tầm ảnh hưởng của mình. Một người đàn ông Hàn Quốc 34 tuổi bày tỏ rằng, nếu gia đình nhà trai giàu có thì sẽ mong đợi nhà gái chi một khoản tiền biếu cao, bởi vì nhà trai mong đợi rằng địa vị xã hội cao của họ thì nên nhận được khoản tiền biếu cao.

Tỷ lệ kết hôn của người Hàn giảm, ngay cả hẹn hò cũng rất “lười”
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Phụ nữ Hàn Quốc: Thật khó mà cân bằng được giữa sự nghiệp và kỳ vọng của xã hội

Phụ nữ Hàn Quốc ý thức được rằng sau khi kết hôn tất nhiên sẽ phải mất đi một vài thứ, bởi vì đa phần xã hội đều mong muốn phụ nữ nghỉ việc sau khi kết hôn, ở nhà chăm lo cho gia đình. Giáo sư xã hội học Shin Gi-wook ở trường Đại học Stanford cho biết, phụ nữ Hàn Quốc nhận thấy rằng khó mà cân bằng được giữa sự nghiệp và kỳ vọng của xã hội.

Giáo sư Shin phân tích rằng, hệ thống xã hội của Hàn Quốc vẫn xem nam giới là trung tâm. Sau khi kết hôn, phụ nữ phải cùng lúc đảm nhận nhiều vai trò: làm mẹ, làm vợ, làm con dâu, điều này khiến họ khó mà vừa làm việc, vừa chăm sóc gia đình và hôn nhân.

Tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới, sau 10 năm nữa sẽ có 1/3 số người Hàn Quốc bước sang tuổi 65 tuổi

Việc người dân không kết hôn ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sinh của xã hội.

Để giữ trạng thái ổn định lâu dài của dân số, tỷ lệ sinh cần duy trì ở mức 2,1. Nhưng tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc chỉ được 0,95, thấp nhất trên thế giới, nghĩa là cứ mỗi 100 người phụ nữ thì chỉ có 95 đứa trẻ được sinh ra; trong giai đoạn tăng trưởng dân số vào đầu những năm 1970, mỗi năm Hàn Quốc có gần 1 triệu đứa trẻ ra đời, nhưng đến năm 2017 thì con số này đã giảm đi hơn một nửa, chỉ còn 350.000.

Tỷ lệ sinh ngày càng giảm dẫn đến việc Hàn Quốc trở thành một xã hội già hóa, vào năm 2018, chuyên gia kinh tế Lee Jong-hwa từng đăng một bản báo cáo chỉ ra rằng, đến năm 2030, sẽ có khoảng 1/3 số người dân Hàn Quốc bước sang tuổi 65.

Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Phát triển bền vững Đại học Hàn Quốc Kang Sung-jin cho biết, dân số già hóa cuối cùng sẽ dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động.

Ngoài ra, tỷ lệ người lớn tuổi càng cao có nghĩa là chi phí dành cho phúc lợi xã hội không thể không tăng lên, khiến cho thế hệ trẻ buộc phải đóng nhiều thuế hơn. Nhưng đối với người trẻ tuổi ở Hàn Quốc, cuộc khủng hoảng của một xã hội già hóa dường như còn rất xa so với những vấn đề ảnh hưởng ngay lập tức đến cuộc sống của họ.

Thanh Vân

Xem thêm: