Thông thường, những cô bé 12 tuổi hầu như đều mơ ước sau này lớn lên sẽ làm những gì. Nhưng đối với bé gái 12 tuổi ở Afghanistan, ước mơ duy nhất của em lại là được ly hôn.

Embed from Getty Images

Sardar Wali 7 tuổi, và anh trai Fazil 10 tuổi, thu thập các vật dụng tái chế trong một bãi rác ngày 9/12/2021 tại thành phố Herat, Afghanistan. (Ảnh: Paula Bronstein / Getty Images)

Tháng 8 năm ngoái, kể từ khi thay đổi chế độ ở Afghanistan, chế độ Taliban vẫn cấm nữ sinh trung học trở lại trường, đồng thời ban hành quy định phụ nữ phải đội khăn trùm đầu và không được ra ngoài trừ khi cần thiết, vấn nạn tảo hôn cũng ngày càng gia tăng nhanh chóng.

Một cô bé bị chủ nợ ép cưới, trong khi người chồng lại đủ tuổi làm ông nội của em. Nhưng gia đình cũng đành bất lực, vay mượn sống qua ngày, chỉ biết “ôm nhau mà khóc”.

Theo trang Tầm nhìn Thế giới Afghanistan” (World Vision Afghanistan), bé gái 12 tuổi Roqia đã khóc và nói với mẹ em rằng: “Ly hôn là ước mơ duy nhất của đời con”. Cô bé không muốn lấy Bashir, người bằng tuổi ông nội mình.

Chủ yếu là do cha của Roqia bị bệnh và nằm liệt giường nhiều năm, mẹ cô cũng bị trầm cảm do nhiều năm chiến tranh loạn lạc, cuộc sống khó khăn, nên cả gia đình phải vay mượn tiền từ Bashir để tồn tại. Nhưng khi họ không trả được nợ, Bashir đã hỏi cưới Roqia và coi món nợ đó như của hồi môn.

Roqia nói: “Khi mẹ và các em của em biết tin em sẽ đính hôn, họ đã khóc với em”. Mặc dù cha cô bé cũng không muốn gả em, nhưng ông ấy nói rằng ông không có sự lựa chọn nào khác, trong nhà không ai có thể chăm sóc các em.

Nhưng chủ nợ Bashir không chỉ đã có gia đình, mà thậm chí còn có một cháu trai trạc tuổi Roqia. Hầu như ngày nào ông ấy cũng đến gõ cửa nhà cô bé và hỏi cưới em ngay lập tức.

Mặc dù Roqia vẫn muốn tiếp tục đi học và chơi với bạn bè, nhưng vì trả nợ, em đã hy sinh cơ hội được đi học để đi làm sớm. Nhưng số tiền kiếm được chỉ đủ cho gia đình em gắng gượng sống qua ngày và cô bé không thể trả được món nợ kia.

(* Tên của các nhân vật trên đã được thay đổi để bảo vệ danh tính.)

Theo khảo sát thực địa năm 2018-2019 của “Tầm nhìn Thế giới Afghanistan”, ít nhất 1/4 phụ nữ đã kết hôn trước 18 tuổi và con số này dự kiến ​​sẽ tăng dần trong thời gian tới.

Trong năm qua, với cuộc khủng hoảng ngày càng mở rộng ở Afghanistan, nhiều gia đình, như cha mẹ của Roqia, đã chọn gả con gái mình cho người khác để gán nợ hoặc giải quyết tranh chấp.

“Tầm nhìn Thế giới Afghanistan” thúc đẩy tập huấn về bảo vệ trẻ em, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong cộng đồng, về các vấn đề như chống tảo hôn và lao động trẻ em.

Đồng thời, bổ sung bằng cách tư vấn tâm lý đối với từng trường hợp cụ thể và đào tạo sinh kế, để trẻ em đối mặt với nguy cơ tảo hôn có thể được chữa lành về thể chất và tinh thần, giúp các gia đình có cơ hội tạo lập sinh kế ổn định, giảm xác suất cha mẹ bị ép gả con gái.

Chủ tịch của “Tầm nhìn Thế giới Afghanistan” Asuntha Charles chỉ ra rằng bà hiểu rất rõ tầm quan trọng của giáo dục: “Mặc dù xã hội mong đợi tôi kết hôn, lập gia đình và nuôi dạy con cái, nhưng tôi muốn đấu tranh cho ước mơ của mình.

Giáo dục và việc làm có thể khiến tôi trở thành một người phụ nữ độc lập và tôi khẩn thiết mong tạo dựng cơ hội bình đẳng cho mọi trẻ em Afghanistan.”

Bà Asuntha cho rằng việc trẻ em gái được đến trường, được giáo dục là quyền cơ bản của con người. Nhiều trẻ em gái Afghanistan cũng có những ước mơ rất đẹp. “Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách dỡ bỏ lệnh cấm trẻ em gái đến trường càng sớm càng tốt,” bà nói.

Hiện tại, “Tổ chức Tầm nhìn Thế giới” và các tổ chức nhân đạo quốc tế khác đã tiếp tục đấu tranh chống lại chính quyền Afghanistan hiện tại, nhằm giành lại quyền được học hành của trẻ em gái.

Cha mẹ bé gái đã phải bán em để cả nhà không chết đói

Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, khoảng 95% dân số Afghanistan sống dưới mức nghèo khổ, do không có đủ lương thực nên họ rất khó có được một bữa ăn no mỗi ngày.

“Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Đài Loan” đã đề cập đến một bé gái 3 tuổi có tên Parema và 4 chị gái của em đang ngồi trên sàn nhà lạnh lẽo. Em chỉ có thể gặm những củ cà rốt mà những người khác không muốn, và không biết rằng đây là lần cuối cùng em được chung sống với người thân của mình. Vì cha mẹ Parema đã bán em cho người khác với giá 600 USD.

Mẹ của bé gái, bà Massouma, miễn cưỡng cho biết, cả gia đình lúc nào cũng đói, những đứa trẻ thường quấy khóc đòi ăn. Bà ấy phải kiếm thức ăn từ thùng rác để tồn tại; “chúng tôi phải bán một đứa con gái, để giữ cho 4 đứa còn lại sống sót.”

Trong những năm gần đây, vấn đề hạn hán ở Afghanistan ngày càng trở nên nghiêm trọng. Hầu hết các loại cây trồng mà cha mẹ Parema trồng đều chết vì héo úa. Họ phải liên tục di chuyển để tìm kiếm cơ hội mưu sinh. Trước khi bé gái được sinh ra, gia đình em đã phải sống lang thang khắp nơi, và hiện đang ở Herat, một thành phố lớn ở miền tây Afghanistan.

Cả gia đình chủ yếu sống dựa vào thu nhập của Zaki, cha cô bé. Ông chỉ có thể làm những công việc tạm thời để tồn tại. Tuy nhiên, sau khi chuyển giao chế độ vào tháng 8/2021, đồng tiền Afghanistan mất giá khiến Zaki ngày càng khó kiếm việc làm. Trong hoàn cảnh vô cùng bất lực, ông chỉ có thể bán Parema cho một gia đình khác làm con gái.

Theo báo cáo “Hạnh phúc Thế giới năm 2022” được công bố hôm 18/3, Afghanistan là quốc gia bất hạnh nhất trên thế giới – ngay cả trước khi Taliban lên nắm quyền vào tháng 8/2021.

Nhà phân tích Nasratullah Haqpal cho biết, nhiều năm tham nhũng hoành hành, nghèo đói gia tăng, thiếu việc làm, số người rơi vào tình cảnh dưới mức nghèo khổ gia tăng, sự phát triển không đều, dường như tất cả đã kết hợp thành tình trạng bất ổn nghiêm trọng ở Afghanistan.

“Người dân ngày càng nghèo và nghèo hơn, thất vọng hơn và bất hạnh hơn… đó là lý do tại sao 20 năm (Hoa Kỳ) đầu tư vào Afghanistan sụp đổ chỉ trong 11 ngày,” ông nhận định khi đề cập đến cuộc tấn công chớp nhoáng của Taliban trước khi tràn vào Kabul vào giữa tháng 8/2021.

Bình Minh (t/h)