Trong khi một doanh nghiệp Trung Quốc đang đau đầu khi không tuyển dụng được nhân công, thì lại thấy tại doanh nghiệp BMW của Đức có rất nhiều công nhân lớn tuổi tóc đã bạc, họ đã làm việc ở đây hơn 40 năm qua. Doanh nghiệp Trung Quốc này đã đăng tải một bài viết lên mạng để phân tích lý do vì sao người lao động ở Đức không thích nhảy việc.

Những người lớn tuổi đều biết rằng trước kia các doanh nghiệp của Nhật đều áp dụng chế độ làm việc suốt đời; ở các doanh nghiệp có thương hiệu có từ lâu đời của Trung Quốc, ông chủ cũng rất biết cách đối xử tốt với nhân viên để nhận được sự trung thành và cần mẫn của họ, đây cũng là sự ăn ý để làm việc suốt đời. 

Thế nhưng cùng với tư tưởng hiện đại hóa công nghiệp, sự phát triển khoa học kỹ thuật ngược lại khiến con người ngày nay càng lúc càng xem trọng lợi ích mà xem nhẹ tình nghĩa, nhảy việc đã trở thành hiện tượng tâm lý thường gặp để tìm kiếm mức lương cao hơn. Nhìn lại các công nhân người Đức, vì sao họ lại có thể cả đời chỉ làm cho một công ty mà không nhảy việc? Rốt cuộc các doanh nghiệp của Đức có bí quyết gì để giữ chân được nhân viên của họ?

công nhân Đức
(Ảnh: Kzenon/Shutterstock)

1. Đối với doanh nghiệp

– Doanh nghiệp của Đức sẵn sàng trả lương cao

Chủ tịch EM Motive, ông Alex Humpert cho biết, mức lương trung bình của nhân viên tại nhà máy Hildesheim là 40 đô la/giờ. Lương tháng của một thợ cơ khí giỏi có thâm niên là khoảng 6667 đô la/tháng. Mức lương tại đa số các doanh nghiệp của Đức đều vượt xa so với mức lương cơ bản mà chính phủ quy định.

Mức lương này đủ để khiến các kỹ thuật viên Đài Loan tự nhận mình đang sống trong thời đại lương thấp phải thở dài khi so với mức lương của mình, còn ở Trung Quốc đại lục thì không cần bàn đến, nếu mức lương mà lý tưởng như vậy thì còn ai muốn nhảy việc nữa chứ?

– Doanh nghiệp Đức quan tâm đến nhân viên

Ví dụ như doanh nghiệp BMW của Đức, các nhà máy của họ đều có những thiết kế chu đáo dành cho những nhân viên lớn tuổi, tăng cường thiết bị chiếu sáng cho người lao động bị giảm thị lực; thiết kế kệ hàng có thể điều chỉnh độ cao để tránh nhân viên bị đau lưng; khắp nơi đều có bố trí ghế để nhân viên vừa ngồi vừa làm việc, tránh đứng quá lâu dẫn đến tai nạn lao động.

Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngày nay các nhân viên BMW không phải tìm ghế nữa mà sẽ thiết kế ngay trên đồng phục để họ có thể ngồi xuống nghỉ ngơi bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, bên trong nhà máy cũng có phòng nghỉ có giường đơn giản để các nhân viên nghỉ ngơi. Thậm chí còn có nhân viên y tế để chăm sóc sức khỏe cho nhân công, từ thiết kế nhà xưởng cho đến chăm sóc y tế đều hết sức chu đáo.

– Doanh nghiệp của Đức đầu tư cho tương lai của nhân viên

Mang đến cơ hội không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ là một trong những bí quyết giữ nhân tài của các doanh nghiệp đức. Cũng giống như rất nhiều công ty ở nước này, tập đoàn sản xuất hóa chất BASF của Đức không hề sa thải nhân viên dù trong giai đoạn gặp khủng hoảng về tài chính.

Tổng giám đốc bộ phận nhân lực, ông Wolfgang Hapke nhấn mạnh rằng, việc đảm bảo cho nhân viên có cơ hội được học hỏi suốt đời cũng là sự đầu tư cho tương lai của công ty; bởi vì liên tục huấn luyện nhân viên cũng sẽ đảm bảo nhu cầu nhân lực trong tương lai của doanh nghiệp.

– Doanh nghiệp của Đức có truyền thống chú trọng chất lượng nguồn nhân lực

Các công ty có tuổi đời vài chục năm của Đức thường có các nhân viên làm việc trên 20 năm, thậm chí có người cả đời chỉ làm cho một doanh nghiệp. Tại xưởng của BMW, có rất nhiều nhân viên 60 tuổi đã làm việc hơn 40 năm.

2. Đối với thị trường

– Các doanh nghiệp của Đức có tuổi thọ khá dài

Thông thường các doanh nghiệp của Đức có tuổi thọ khá cao, không chỉ các công ty lớn ở thành phố, mà cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhân công ở Đức có thể yên tâm làm việc cả đời tại một doanh nghiệp, chỉ cần chăm chỉ nghiêm túc làm việc, yên tâm, chuyên chú nghiên cứu nâng cao kỹ thuật thì sẽ được thăng chức và tăng lương xứng đáng; nếu đã không phải lo lắng vấn đề doanh nghiệp đóng cửa, vậy thì cần gì phải mất công nhảy việc nữa?

Theo khảo sát của tạp chí “Fortune” của Mỹ, tuổi thọ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc chỉ khoảng 2.5 năm, các công ty thuộc tập toàn lớn cũng chỉ kéo dài 7~8 năm.

Theo Bộ kinh tế Đài Loan thống kê cho thấy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ tồn tại khoảng 13 năm, nhưng một số chuyên gia phân tích rằng chỉ có 7 năm, nhưng các tập đoàn lớn kinh doanh hơn vài chục năm cũng không phải là ít.

Điều này thật sự không thể trách nhân viên được, bản thân doanh nghiệp không lâu dài, nhân viên không thể không nhảy việc được.

– Mức lương ở các nơi tại Đức không có sự khác biệt quá lớn

Có rất ít sự khác biệt về đãi ngộ của cùng loại công việc ở Đức và mức lương của nhân viên kỹ thuật nói chung khá  cao. Làm việc ở công ty nào cũng như nhau thì nhân viên sẽ không phải vất vả nhảy việc.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, do có sự phân biệt thành phố, thị trấn, cũng như có các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân và doanh nghiệp lớn nhỏ, do đó mức chênh lệch lương là rất lớn, vì vậy, việc nhảy việc đã trở thành thói quen hàng ngày của người lao động.

Ở Đài Loan, mặc dù chính phủ có chính sách lương cơ bản nhưng sự khác biệt về đãi ngộ giữa các công ty cũng rất lớn, nhân viên nhảy việc cũng là điều thường thấy, theo khảo sát cho thấy bình quân mỗi 2 năm nhân viên nhảy việc 1 lần, tốc độ nhảy việc cao đến đáng kinh ngạc.

3. Chính sách quốc gia

Chính sách lao động của Đức tốt hơn các nước khác

Người Đức xem trọng lao động, lương và phúc lợi được pháp luật quy định đều tốt hơn các quốc gia khác. Được biết, mức lương và phúc lợi ở Đức cao hơn 66% so với Mỹ. Ví dụ như chế độ thai sản, nếu nhân viên thuộc diện gia đình có cả vợ và chồng cùng đi làm thì một trong hai người có thể xin nghỉ có lương để ở nhà chăm sóc con, trong thời gian nghỉ có thể lãnh 65% lương. Chính sách lao động cả nước được quy định rất hoàn thiện.

công nhân Đức
(Ảnh: Kzenon/Shutterstock)

Nhìn chung, một trong những đặc điểm của các doanh nghiệp Đức là họ có rất nhiều nhân viên trung thành, công ty giữ được những nhân tài xuất sắc và hầu hết đều thành công trong việc kinh doanh ổn định, những công ty có lợi nhuận cao sẽ trích một phần dùng vào việc chăm sóc nhân viên. Đối với nhân viên, bởi vì công ty có phúc lợi tốt, quan tâm đến nhân viên, nên nhân viên có thể yên tâm làm việc và lòng trung thành với công ty sẽ tăng lên một cách tự nhiên. Đây là kết quả của một vòng tròn cùng có lợi và tin tưởng lẫn nhau.

Minh Ngọc (Theo Epoch Times)

Xem thêm: