Đối với người thân và bạn bè thân thiết, chúng ta thường không thể kiềm chế được cảm xúc, rất dễ nổi nóng, nghiêm trọng hơn thì có thể sẽ tức giận với họ, gây mâu thuẫn và rồi làm tổn thương đến tình cảm của nhau. Vậy thì vì sao đối với người càng thân thiết chúng ta càng dễ nổi nóng? Làm thế nào để thay đổi thói quen nổi nóng với người thân?

Nguyên nhân 1: Đối với người thân, chúng ta thường dễ “làm càn”

Trong gia đình, đặc biệt là giữa những người thân thiết tồn tại cảm giác khá an toàn. Nhiều khi chịu uất ức hoặc áp lực bên ngoài mà không có cách nào giải tỏa, chúng ta bèn bộc phát với người thân. Đây chính là cảm giác buông lỏng khi ở bên người thân. Ví dụ như cách mà các con đối xử với bố mẹ mình, vốn dĩ là điều rất bình thường, nhưng vấn đề đáng ngại đó là cách bộc phát này thường thể hiện qua cách nói chuyện không có thứ tự trên dưới.

Đối với người thân thiết, khi bị áp lực, chúng ta thường quên mất cách nói chuyện sao cho phù hợp. Trong lúc nổi nóng, chúng ta sẽ dùng những từ ngữ công kích, bóp méo, phóng đại, hạ thấp… với người thân. Cuối cùng khi chúng ta đã giải tỏa được phần nào áp lực thì lại gây tổn thương cho họ. Nếu người thân cũng đáp trả lại sự tổn thương mà chúng ta gây ra thì sự xung đột trong gia đình sẽ ngày càng nghiêm trọng. Không khí gia đình sẽ bị hủy hoại chính bởi vì sự “làm càn” của chúng ta.

Vì sao đối với người càng thân thiết chúng ta càng dễ nổi nóng?
(Ảnh: Shutterstock)

Nguyên nhân 2: Đối với người thân, chúng ta thường có suy nghĩ độc đoán

Đó là trạng thái khi chúng ta thiếu suy nghĩ thực tế, đặt ra mục tiêu cho mình và mặc kệ mọi thứ nhất định phải thực hiện, đẩy chính mình vào ngõ cụt không vui vẻ.

Suy nghĩ độc đoán khiến chúng ta áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên bản thân hoặc người khác. Kiểu tư duy này luôn gây tổn thương rất lớn đối với chính chúng ta và người thân.

Ví dụ như giữa vợ và chồng, vợ thường yêu cầu chồng nói “Anh yêu em!”, nhưng người chồng lại ngượng ngùng không nói được. Người vợ sẽ bắt đầu suy nghĩ, vì sao anh ấy không chịu nói yêu mình chứ? Có phải là anh ấy không yêu mình hay không? Cuối cùng càng nghĩ càng đau lòng, lúc này sẽ xuất hiện hiện tượng tự làm tổn thương mình.

Nếu nghiêm trọng vợ còn có thể sẽ nổi nóng với chồng, gây mâu thuẫn, rồi làm tổn thương nhau. Nhưng có thể sự thật là người chồng vô cùng yêu vợ, chỉ là do hoàn cảnh trưởng thành khác nhau, người chồng không quen với cách bày tỏ tình cảm này. Thật ra nếu người vợ có thể đặt mình vào vị trí của chồng để suy nghĩ thì sẽ biết rõ chồng mình không quen cách bày tỏ này mà mình vẫn ép họ nhất định phải nói, buộc họ phải làm điều mà họ không thích. Vậy thì chúng ta có thật sự yêu họ hay không? Nếu chúng ta thật sự yêu thương họ thì sẽ tôn trọng cách bày tỏ tình cảm của họ, còn hành vi này của chúng ta đã chứng minh rằng chúng ta không đủ yêu họ.

Vì sao đối với người càng thân thiết chúng ta càng dễ nổi nóng?
(Ảnh: Shutterstock)

Nguyên nhân 3: Đôi khi chúng ta không ý thức được rằng mình kỳ vọng quá nhiều ở người thân

Đối với người thân thiết, chúng ta luôn thiếu kiên nhẫn và dễ nổi nóng hơn so với khi tiếp xúc với “người ngoài”. Bởi vì chúng ta nghĩ rằng “người ngoài” không hiểu mình, muốn được họ hiểu và phối hợp thì cần phải cố gắng trao đổi. Nhưng đối với người thân, sự kiên nhẫn của chúng ta lại rất có hạn, bởi vì chúng ta cho rằng người thân nên là những người hiểu và ủng hộ chúng ta nhất.

Theo lẽ thường thì đúng là những người càng thân càng hiểu và ủng hộ nhau. Nhưng thật ra người thân không hẳn là sẽ có thể hoàn toàn hiểu được chúng ta trong tất cả mọi việc, đây là hiện thực. Chúng ta cũng không thể bất cứ lúc nào cũng hiểu và ủng hộ nhu cầu và suy nghĩ của họ. Thế nhưng hễ gặp chuyện gì không thuận lợi, chúng ta thường sẽ nghĩ rằng: “Người khác không hiểu tôi thì đành chịu, tại sao người thân cũng không hiểu tôi cơ chứ? Người khác không biết phối hợp và ủng hộ tôi thì thôi đi, tại sao ngay cả người thân cũng vậy?”. Cứ như thế càng nghĩ càng cảm thấy tức giận. Đây đều là bởi vì chúng ta kỳ vọng quá cao đối với người thân mà chính chúng ta không để ý.

giận nhau
(Ảnh: Shutterstock)

Nguyên nhân 4: Chúng ta cảm thấy áp lực hơn trước yêu cầu và sự kỳ vọng của người thân

So với những người không liên quan đến mình, chúng ta sẽ cảm thấy áp lực hơn khi đối diện với yêu cầu và sự kỳ vọng mà người thân đặt ra. Bởi vì chúng ta để tâm đến người thân hơn, không muốn khiến họ không vui. Vì vậy chúng ta ý thức được sự kỳ vọng của người thân, nếu làm không được thì sẽ có nguy cơ khiến họ không vui., nếu họ không vui, chúng ta cũng chẳng thể vui vẻ được. Chúng ta buộc phải cố gắng hết sức, chỉ được phép thành công, không được thất bại, vì thế mong muốn thành công của chúng ta cũng mạnh mẽ hơn, vì thế mà áp lực cũng lớn hơn.

Loại áp lực này sẽ dần dần tăng trưởng và tích lũy. Đến cuối cùng, có thể chúng ta sẽ lập tức bộc phát, đây là hiện tượng căng thẳng quá độ tức thời. Nhưng trong suy nghĩ của người thân thì có vẻ như chúng ta đang nổi nóng điều gì đó và rồi họ càng không hiểu được hành vi của chúng ta. Không hiểu sẽ khiến họ không thể trao đổi rõ ràng hơn với chúng ta được, vì thế nên vấn đề không được giải quyết, ngược lại càng lúc càng nghiêm trọng, chúng ta sẽ càng nổi nóng thường xuyên hơn, tạo ra một vòng luẩn quẩn không tích cực.

Vì sao đối với người càng thân thiết chúng ta càng dễ nổi nóng?
(Ảnh: Shutterstock)

Biện pháp cải thiện

1. Khi xảy ra xung đột, nếu nhất thời không thể suy nghĩ rõ ràng được thì trước tiên hãy dừng lại. Sau đó hãy suy nghĩ xem liệu có phải bản thân mình quá độc đoán, thiếu linh hoạt hay không? Yêu cầu của mình với người thân liệu có quá chủ quan hay không? Bản thân chúng ta đã nghĩ đến cảm nhận của người thân cũng như tình huống thực tế khách quan hay chưa?

2. Khi trao đổi với người thân, cần chú ý tránh cách nói mập mờ. Nếu gặp phải chuyện buồn phiền, hãy nói ra tất cả, dù họ không giúp được, nhưng lại có thể tăng thêm sự thấu hiểu lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, tâm trạng buồn phiền của chúng ta cũng dịu đi phần nào.

3. Khi xảy ra mâu thuẫn, nếu thật sự có thể, hãy tiếp nhận lời khuyên của họ và cố gắng thực hiện, sửa chữa. Đồng thời nói ra những mong muốn của mình để người thân có thể hiểu được.

So với người thân, chúng ta thường sẽ kiên nhẫn và ít nổi nóng với “người ngoài” hơn. Việc ta nổi nóng với người thân, yêu cầu họ bao dung cho tính tình của mình là một lối suy nghĩ không đúng đắn. Hãy suy nghĩ cho người thân và bao dung với họ hơn!

8 vấn đề quan trọng quyết định tương lai của trẻ
(Ảnh: Shutterstock)

Thanh Tâm (Theo Vision Times tiếng Trung)

Xem thêm: